Chuyện 'hi hữu': Từ chối nhận di sản thừa kế của cha

Phan Thương
Phan Thương
29/02/2020 11:43 GMT+7

Những người con của ông N.V.B. từ chối nhận di sản thừa kế của cha... Vụ việc 'hi hữu' thu hút sự chú ý của giới chuyên gia luật.

Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 (TP.HCM) cho biết sẽ có văn bản gửi Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM để xin hướng dẫn về một trường hợp người dân từ chối nhận di sản thừa kế theo di chúc nhưng cùng tài sản đó, người thừa kế lại kê khai di sản để thừa kế theo pháp luật.

Từ chối nhận di sản...

Cụ thể, ngày 1.9.2015 ông N.V.B (sinh năm 1944) mất, để lại di chúc cho 3 người con là bà N.T.K.O, ông N.B.T, ông N.B.H được thừa hưởng di sản nhà đất tại một địa chỉ ở Bến Vân Đồn (Q.4). Di chúc này được lập tại Văn phòng công chứng vào tháng 1.2014. Di chúc nêu rõ di sản thừa kế là căn nhà trên chỉ được dùng làm nơi thờ cúng, không được thế chấp, chuyển nhượng, cho tặng cho bất kỳ ai theo quy định pháp luật.
Sau khi ông B. mất, tháng 12.2019, 3 người con của ông B. được kể trên đã có văn bản từ chối nhận di sản theo di chúc; văn bản được lập tại Văn phòng công chứng. Trong ngày, bà N.T.K.O, ông N.B.T, ông N.B.H khai nhận và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật là căn nhà tại Bến Vân Đồn. Trong đó, ông N.B.T và ông N.B.H tiếp tục từ chối nhận di sản theo pháp luật, từ đó, bà N.T.K.O khai nhận chỉ có bà được hưởng thừa kế đối di sản là căn nhà do ông B. để lại. Đồng thời, bà N.T.K.O đã ra Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 để làm thủ tục cập nhập, biến động sang tên căn nhà.
Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 cho rằng nếu đương sự đã từ chối nhận di sản thừa kế theo di chúc thì không thể nhận di sản thừa kế này theo pháp luật. Từ đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 có văn bản gửi Sở Tư pháp để tham mưu.

Tôn trọng ý chí người lập di chúc

Luật sư (LS) Phạm Văn Hiến Minh (Đoàn LS TP.HCM) cho biết thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Ông B. mất năm 2015, vì vậy các vấn đề liên quan đến di sản thừa kế sẽ được áp dụng vào Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005. “Căn cứ khoản 1 Điều 670 BLDS năm 2005, khi người lập di chúc để lại phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý, thực việc việc thờ cúng. Hành vi khai nhận di sản thừa kế theo pháp luật của ba người con không phù hợp với quy định của pháp luật về thừa kế”, LS Minh nhận định.
Luật sư Lý Anh Quy, cũng cho hay di chúc của người cha để lại thỏa mãn với các quy định pháp luật về thừa kế từ Điều 646 đến Điều 665 BLDS năm 2005. Trong đó, người cha đã dành một phần tài sản trong khối di sản để thờ cúng và đây là quyền của người lập di chúc theo Điều 648 BLDS năm 2005.
Về việc 3 người con của ông B. từ chối nhận di sản thừa kế theo di chúc, LS Lý Anh Quy cho biết Điều 642 BLDS năm 2005 nêu, người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác; thời hạn nhận từ chối nhận di sản là 6 tháng, kể từ ngày mở thừa kế. “Trong trường hợp này, ông B. chết đi, để lại nghĩa vụ thừa kế cho 3 người con là sử dụng căn nhà (có địa chỉ ở Bến Vân Đồn) làm nơi thờ cúng. Vì vậy, 3 người con không được phép từ chối theo luật. Đồng thời, việc lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế sau 3 tháng cũng không hợp lệ”, LS Quy phân tích.
Theo PGS-TS Lê Minh Hùng (giảng viên ĐH Luật TP.HCM), dù áp dụng BLDS năm 2005 hay BLDS năm 2015 thì cơ bản quy định về pháp luật thừa kế không thay đổi, chỉ khác biệt, đối với BLDS năm 2005, việc từ chối nhận di sản sẽ có thời hạn nhưng đối với BLDS 2015 thì không cần thời hạn. Tuy nhiên, trong trường hợp này, nên xác định di sản thừa kế dùng làm thờ cúng là di chúc có điều kiện. Khi từ chối việc thờ cúng thì đương nhiên không nhận được di sản thừa kế. Ngoài ra, theo ông Lê Minh Hùng, với trường hợp này, HĐTP TAND tối cao cũng nên có Nghị quyết hướng dẫn cụ thể để phát sinh tranh cãi.
Ngày 18.2.2020, Sở Tư pháp có văn bản phúc đáp Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 về việc khai nhận di sản thừa kế nhà đất tại một địa chỉ trên đường Bến Vân Đồn. Song, trong văn bản phúc đáp này, Sở Tư pháp đánh giá rằng việc thực hiện đăng ký đất đai và tài sản gắn liền với đất… thuộc nhiệm vụ của Sở TN-MT. Ngoài ra, Sở Tư pháp trích dẫn, nêu một số quy định của BLDS 2015 về thừa kế để Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.4 tham khảo, chẳng hạn quy định “người thừa kế có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác…”, “trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.