Do xe khách liên tỉnh tại TP.HCM chưa hoạt động lại, trong khi taxi hỗ trợ người xuất viện cũng không vận chuyển ra ngoài địa bàn TP, anh Nguyễn Minh Châu (34 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức) đã dùng ô tô cá nhân chở miễn phí nhiều bệnh nhi từ bệnh viện ở TP.HCM về quê.
Anh Châu làm trong ngành vận chuyển hàng hóa. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bớt việc nên anh tận dụng thời gian để giúp đỡ gia đình ở tỉnh có con chữa trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 (TP.HCM) khi xuất viện.
Ngày 4.4, anh đăng thông tin lên mạng xã hội kèm số điện thoại của mình (0933989833) và nhận được nhiều sự ủng hộ. Anh Châu cho hay: “Tôi có xe 4 chỗ, trước mắt tôi nhận đón các em nhỏ đang điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, 2 và di chuyển về các tỉnh trong bán kính cho phép đi trong ngày vì còn con nhỏ. Lúc vợ tôi đang mang thai thì gặp tai nạn giao thông nhưng may mắn mẹ con bình an vô sự, nên tôi đặt hoàn cảnh mấy bé là con mình, nếu không có xe đi về nhà thì ngặt nghèo lắm”, anh Châu chia sẻ muốn giúp nhiều người bệnh nữa nhưng sợ “lực bất tòng tâm” nên ưu tiên cho đối tượng trẻ em trước.
Mới tiếp xúc, nhiều người sợ dàn cảnh cướp, hãm hiếp
Khoảng 14 giờ ngày 20.4, chúng tôi theo chân anh Châu từ Thủ Đức đến Bệnh viện Nhi đồng 2 để đón gia đình của chị Thiện về Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai). 15 giờ xe đến cổng Bệnh viện Nhi đồng 2 (cổng đường Nguyễn Du, Q.1). Anh Châu xin xem giấy tờ xuất viện rồi lật đật mang hành lý lên xe. Bé con của chị Thiện (2 tuổi) đang điều trị bệnh tại đây do bị tai nạn giao thông. Gia đình định thuê xe ôm chở bé về nhưng đang lưỡng lự vì con vẫn chưa hồi phục hẳn. Nay thấy thông tin của anh Châu, chị mừng và điện ngay lập tức.
|
Gặp mặt, chị cảm ơn anh Châu rối rít. “Ban đầu khi điện cũng sợ lắm, sợ anh này ảnh có ý đồ xấu nhưng vì con nên mình thôi nghĩ xa. Nay về an toàn, mình biết ơn anh lắm”, chị Thiện chia sẻ với chúng tôi. Khi về nhà, chị xin góp tiền nhưng anh Châu nhất quyết không nhận.
Tương tự, lúc 7 giờ ngày 21.4, anh Châu lại nhận chở ghép, đón một người bị tàn tật do ảnh hưởng chất độc da cam từ đường Hàm Nghi (Q.1) về Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và một bé gái 15 tuổi (bị ung thư đại tràng) đi cùng mẹ, xuất viện từ Bệnh viện Ung bướu (Q.Bình Thạnh) về quê ở Bến Tre.
“Tôi thấy không có vấn đề gì, mình có xe, nay nhảy lên xe đạp ga chở người cần giúp đỡ đi rồi sau đó về, bệnh nhân vui thì tôi vui lây. Khi tới bệnh viện, tôi cũng xác nhận mọi thứ để đảm bảo an toàn và chở đúng người. Mới đầu gặp, có người cũng sợ tôi lắm, sợ dàn cảnh cướp giật, hãm hiếp. Họ sợ mà mình cũng sợ nên tôi cũng không dám nghĩ nhiều. Nếu có chuyện không may xảy ra thì cũng đành. Khi về nhà họ cũng muốn phụ tiền, mời ở lại ăn cơm nhưng mình không nhận vì đã xác định làm dựa trên tinh thần thiện nguyện rồi”, anh Châu cho biết.
“Cũng không phải “đắt show”. Có người sáng chốt giờ nhưng chiều điện hủy. Cũng có khi họ tự hủy, mình điện hoài không được. Có nhiều người điện mình nhờ chở giúp về nhưng do không phải đối tượng nên không ưu tiên. Thật ra, mình từ chối do không phải là đối tượng ưu tiên được hỗ trợ nhưng cũng cảm thấy buồn vì hoàn cảnh của họ khó khăn nên mới gọi nhờ mình hỗ trợ”, nói xong anh Châu lấy điện thoại ra chỉ vào danh sách cuộc gọi rồi tâm sự: “Tôi cũng vừa mới nhận cuộc gọi của một người, chốt ngày giờ rồi, tí nữa có người khác gọi tới mà mình không giúp được thì thấy áy náy vô cùng”.
Khi “chốt” được với ai lịch trình di chuyển thì anh Châu sẽ xóa thông báo, khi hoàn thành xong nhiệm vụ thì về đăng thông tin lại. Anh bảo anh và gia đình không muốn phô trương, công khai rộng rãi để làm biểu tượng, chỉ cần góp được chút gì cho xã hội trong mùa dịch là vui lắm rồi.
|
Cuộc sống còn nhiều người tử tế
Tính đến nay anh Châu đã chở gần 10 bệnh nhi về một số tỉnh như: Tây Ninh, Long An, Bến Tre, Vũng Tàu, Đồng Nai... “Cả ba trường hợp đầu mà tôi chở về đều là một mẹ, một con; cả ba bé đều dưới 6 tuổi. Có bé bị suy tim, bị tủy, gia đình bảo họ tốn kém chi phí thuốc men, chỗ ở dữ lắm..., nay bị kẹt lại ở thành phố, đi xe máy thì không tiện được. Phía gia đình họ ở dưới quê cũng đang tìm cách lên đón, nay thấy thông tin mình nên họ mừng húm, điện xin nhờ giúp đỡ”, anh Châu nhớ lại.
Có người bạn khi biết anh Châu làm việc này nên đã gửi nhiều khẩu trang, nước rửa tay, kính bảo hộ… để sẵn trên xe nhằm đảm bảo an toàn phòng dịch cho người lái và người được chở.
Những ngày gần đây, anh Châu bận rộn lại với công việc nhưng cứ “đứng ngồi không yên” chuyện sẽ có nhiều gia đình và bệnh nhi đang gặp khó khăn vì không biết khi nào mới cho hoạt động xe liên tỉnh trở lại nên anh đã chủ động lên “phương án B”, đó là nhờ bạn để chở thay anh. Nhưng phương án này thành công bất ngờ vì việc anh làm đã đến tai nhiều người. Thế nên, nhiều tài xế cũng muốn gia nhập đội “chuyến xe 0 đồng” của anh.
“Mình vui là vì bạn đồng ý. Và vui vì có nhiều người nhắn mình, từ bảo vệ, điều dưỡng ở bệnh viện nhi đồng tin mình, cho tới những người ngỏ ý đi cùng để “đổi tài”. Nay mình và nhiều người cũng liên kết với các anh em để cố gắng thực hiện một đội xe giúp được nhiều người hơn. Từ đây tới hết giãn cách xã hội, mình giúp được bao nhiêu người thì mình vui bấy nhiêu”, anh Châu cười và nhắn nhủ, trong khoảng từ 7 - 21 giờ, nếu gọi mà số điện thoại báo bận hoặc không nghe thì để lại tin nhắn, anh sẽ liên lạc.
Chuyến xe cấp cứu miễn phí
Với tinh thần “tương thân tương ái”, chia sẻ với chúng tôi, anh Lê Đức Toàn (ngụ Q.8, TP.HCM) cho biết khi đến giúp đỡ nhiều nơi thì phát hiện thêm nhiều người dân có bệnh tình trở nặng nhưng xe cấp cứu không đến kịp do nhà ở xa cơ sở y tế, hoặc có khi thiếu xe cấp cứu khiến người dân khó khăn di chuyển nên anh liền đăng thông tin và số điện thoại cá nhân (0903951109) về việc cùng người bạn sẵn sàng dùng ô tô gia đình hỗ trợ chở người bệnh khi cần đi cấp cứu.
“Kể từ ngày TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16, đến nay, chúng tôi đã thực hiện khoảng 12 - 13 chuyến xe chở người bệnh đi cấp cứu; vì giúp được nhiều người nên hoạt động đã lan tỏa đến nhiều người hơn. Cũng nhờ đó mà khi ai cần, ai khó khăn cần hỗ trợ thì người ta gọi mình ngay”, anh Toàn cho hay.
Bích Ngân
|
Bình luận (0)