'Có lợi ích nhóm khi xây dựng chính sách, văn bản pháp luật?'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/03/2018 13:10 GMT+7

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi này khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay, 19.3.

"Bộ Tư pháp có chức năng thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật. Vậy, xin hỏi Bộ trưởng liệu có hay không hiện tượng lợi ích nhóm, lợi ích ngành trong đề xuất, xây dựng chính sách pháp luật và giải pháp giải quyết trong thời gian tới?", ông Phương chất vấn.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng,  đại biểu khái quát thành lợi ích nhóm thì "hơi mạnh". Tuy nhiên, ông Long thừa nhận, hiện nay, một số cơ quan chủ trì soạn thảo bằng cách này hay cách khác vẫn có sự thiên vị, giành phần lợi hơn cho bộ, ngành mình.

Theo ông Long, có 4 biểu hiện cục bộ trong các văn bản quy phạm pháp luật, gồm: các quy định về quỹ tài chính, tổ chức bộ máy, chế độ chính sách và một số điều kiện gia nhập thị trường sản xuất kinh doanh trong các đạo luật không phải chuyên ngành.

Đề cập tới giải pháp, Bộ trưởng Tư pháp cho biết khi rà lại, Bộ Tư pháp thấy quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, đặc biệt là Nghị quyết T.Ư 6: không quy định tổ chức bộ máy trong đạo luật không phải chuyên ngành. Chính phủ đang giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ xây dựng đề án về cải cách tiền lương trình T.Ư. Tiến tới có khả năng chính sách tiền lương cũng sẽ được T.Ư quy định giống như với vấn đề tổ chức bộ máy.

Bên cạnh đó, theo ông Long, quy trình, thủ tục, những việc cần làm khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định rất rõ trong luật, từng tầng nấc. Vì thế, nếu có lợi ích nào đấy sâu hơn đối với bộ, ngành thì khó, vì quy trình hiện nay tương đối chặt chẽ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng cho hay, với tư cách cơ quan thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã đưa 4 nội dung thường có biểu hiện cục bộ trong các văn bản  pháp luật để các cán bộ coi như cẩm nang để bám sát.

Bên cạnh đó, cán bộ thẩm định phải có chuyên môn nghiệp vụ đủ để khi phát hiện vấn đề cũng phải đưa ra lập luận thuyết phục, đồng thời, theo suốt quá trình từ lập đề nghị cho tới khi dự thảo trình Quốc hội xem xét thông qua.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.