Có nhiều cách để mất bằng lái xe không cần thi lại, thưa Bộ trưởng Thể!

Lê Hiệp
Lê Hiệp
08/03/2019 10:21 GMT+7

Đề xuất những người mất bằng lái xe buộc phải thi lại của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả Báo Thanh Niên .

Trăm dâu đổ đầu tằm

Trong phản hồi gửi tới bài viết Mất bằng lái xe phải thi lại: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đang xử lý nhầm đối tượng, bạn đọc Nguyen Nam (TP.HCM) viết: Riêng việc mất bằng lái xe mà ông Thể bắt phải đi thi lại mới được cấp bằng cho thấy ông đề xuất mà “không có căn cứ”, “thiếu tôn trọng người dân”.
Một bạn đọc tên Hải (Hà Giang) rất đồng tình với những ý kiến phân tích của TS Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trong bài viết nêu trên, và cho rằng: Chỉ vì cơ quan chức năng quản lý việc cấp bằng không tốt mà người dân ngay thẳng (thực sự mất giấy phép lái xe) phải hứng chịu thì “rất khổ cho dân”.
Bạn đọc Nguyễn Quang Sơn (TP.HCM) thì viết: Thật sự thất vọng khi Bộ trưởng Thể lại đưa ra một "tối kiến" như vậy. Chẳng lẽ Bộ trưởng Thể lại không biết về công tác quản lý nhà nước đang có một thực trạng phổ biến là quản không được thì cấm hay sao? Tại sao Bộ trưởng lại nỡ “làm khó” người dân như vậy. Liệu tinh thần “nêu gương” trong giải quyết khó khăn của Bộ trưởng có còn không?
Cùng quan điểm này, bạn đọc Thái Bình (TP.HCM) cho rằng, cách giải quyết của Bộ Giao thông vận tải không khác gì “trăm dâu đổ đầu tằm”.
“Khi quết định điều gì, Bộ Giao thông vận tải nên nghĩ về người dân, lấy người dân làm gốc chứ không thể lấy suy nghĩ của riêng mình áp đặt lên người dân!”, bạn đọc Thái Bình viết.
Một bạn đọc có tên Navie Phạm (TP.HCM) viết: Đúng vậy, "không thể đẩy phần khó cho người dân". Như thế là ngược với chủ trương cải cách của Chính phủ, sai nguyên lý quản trị rủi ro, phô bày cái yếu kém trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, thể hiện "tâm và tầm" rất thấp. Thiếu gì cách quản lý các đối tượng lợi dụng sự thông thoáng của chính sách mà lại đề xuất cái cách ảnh hưởng toàn dân như thế?!!!

Xử lý rất dễ mà không cần thi lại

Nhiều bạn đọc cũng nhận định, đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể “gián tiếp công khai” rằng ngành giao thông chưa quản lý được việc cấp và đổi giấy phép lái xe.
Một bạn đọc ở TP.HCM viết: Bây giờ người dân mới hiểu lý do “mất bằng lái phải thi lại” là vì Bộ Công an và Bộ Giao thông vẫn chưa có cơ chế phối hợp, chưa kết nối được phần mềm để chia sẻ thông tin khiến cho 1 tài xế có nhiều bằng lái trên người.
Bạn đọc Lê Long (Đồng Nai) thì bức xúc: Chỉ có cái chuyện phối hợp xử lý dữ liệu vi phạm giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải mà tới giờ vẫn chưa xong. Vậy mà lúc nào, đi đâu cũng nghe nói thực hiện, áp dụng 4.0.
Bạn đọc Trang Tran (Lạng Sơn) thì cho rằng, trách nhiệm thuộc về Bộ trưởng 2 bộ Công an và Giao thông vận tải. Bạn đọc này viết: Trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an về giao thông ở đâu? Cứ hô hào về giảm tải tai nạn, xử lý nghiêm vi phạm nhưng có việc nhỏ này lại không làm là sao nhỉ?

Hiến kế cấp lại bằng khi mất

Nhiều bạn đọc cho rằng, để xử lý việc lái xe gian lận để có bằng thứ 2, thứ 3 rất dễ dàng mà không cần phải bắt người dân thi lại như đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể.
Bạn đọc Lâm Thanh (Bình Dương) viết: Thời đại 4.0 nối mạng tất cả thông tin cấp bằng lái của sở Giao thông vận tải và lực lượng cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ tránh được trường hợp này. Ở Pháp, khi một lái xe bị thu hồi bằng lái thì tất cả thông tin được thông báo toàn quốc, hiến binh tuần tra chỉ cần tra cứu trên xe tuần tra là ra ngay anh có bằng thứ 2 hay không và anh không thể đi tỉnh khách để thi bằng lái xe được. Sao ta chưa làm được việc này nhỉ?
Bạn đọc Trần Xuân Phúc (An Giang) thì đặt vấn đề: Tại sao không làm như bên ngân hàng, thẻ ATM có tiền trong đó mất đi làm lại bình thường có sao đâu? Bên ngân hàng họ có cách làm cho thẻ bị mất vô giá trị.
Trong khi đó, bạn đọc Thái Bình (TP.HCM) cho biết, bên Mỹ mất bằng lái sẽ cấp lại bằng khác nhưng trên bằng sẽ được in thêm chữ nổi Duplicate (tái cấp hay bản sao). Bằng lái cũ cấp trước đó sẽ không còn giá trị. Cảnh sát khi bắt tài xế vi phạm giao thông chỉ cần gọi về tổng đài nơi lưu trữ hồ sơ các bằng lái xác định bằng lái cấp ngày nào.
Họ sẽ so sánh ngày cấp trong hồ sơ và ngày cấp nơi bằng lái tài xế đang có, sẽ biết là bằng lái nào có hiệu lực. Mất bao nhiêu lần cũng không cần thi lại, mỗi lần cấp vẫn in chữ nổi Duplicate và ngày tháng tái cấp. Những bằng cấp trước ngày đó vô giá trị. “Tôi nghĩ Việt Nam dư sức làm chuyện này”, bạn đọc này viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.