Ngày 29.8, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một người đàn ông (sau đó được xác định là ông Hồ Hữu Nhân, sống tại một chung cư ở P.Tân Phú, Q.7, TP.HCM) chửi bới một nhân viên bảo vệ tại siêu thị ở Q.7. Người này lớn tiếng tự xưng là “Ban chỉ đạo Q.7”, đi vào phía trong siêu thị la lớn, đòi gặp bảo vệ... Khi bảo vệ khuyên can, người đàn ông phản ứng, thách thức: “Tao gọi Công an Q.7 xuống giờ”.
Chưa dừng lại, người đàn ông tiếp tục kéo khẩu trang xuống khỏi mặt, tiếp tục đối đáp với bảo vệ: “Tôi là Ban chỉ đạo Q.7... Tôi là địa phương ở đây nè. Tôi quản lý địa bàn ở đây nè. Ông biết tôi không?”.
Sau khi tiếp nhận vụ việc, Công an Q.7 đã vào cuộc điều tra, xác minh ông Hồ Hữu Nhân không phải là thành viên của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Q.7 hay bất cứ tổ chức nào về phòng chống Covid-19.
Về "thẻ cộng tác viên" mà ông Hồ Hữu Nhân đưa ra để lớn tiếng với lực lượng an ninh siêu thị, có nội dung do Tổ chức Tình nguyện quốc tế SJ Việt Nam phối hợp cùng Hội Phụ nữ Cục Ngoại tuyến, Bộ Công an và Viện Khoa học phát triển nông thôn Việt Nam cấp, khi PV Thanh Niên liên lạc với Tổ chức tình nguyện Quốc tế SJ hỏi về thông tin "cộng tác viên Hồ Hữu Nhân" thì Tổ chức tình nguyện SJ không có ai cộng tác mang tên này, và nghi ngờ “thẻ cộng tác viên” ông Nhân sử dụng được làm giả.
Vụ việc liên quan đến ông Hồ Hữu Nhân vẫn đang được cơ quan chức năng xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, vụ việc đang được dư luận quan tâm cũng như đặt ra nhiều vấn đề pháp lý.
Xử lý nghiêm
Theo các chuyên gia pháp lý, đặt trong bối cảnh người dân và chính quyền đang chung tay chống dịch, nếu không xử lý nghiêm hành vi “tự xưng” của ông Hồ Hữu Nhân sẽ tạo tiền lệ xấu, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch.
Theo luật sư (LS) Hà Hải (Phó chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM), nếu xác định “thẻ cộng tác viên” mà ông Nhân sử dụng là thẻ giả thì hành vi của ông này - và tùy tài liệu, chứng cứ cơ quan chức năng thu thập được - có thể sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” theo Điều 341 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức
(Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)
|
“Giả sử có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông Nhân dùng “thẻ cộng tác viên” giả để ra đường, thông các chốt kiểm soát trái pháp luật thì hành vi của ông Nhân có thể bị xử lý hình sự theo Điều 341 BLHS”, LS Hà Hải phân tích và nói thêm, nếu ông Nhân chỉ dùng “thẻ cộng tác viên” giả đề hù, thể hiện thì hành vi này chỉ bị xử phạt hành chính.
“Trường hợp thẻ cộng tác viên ông Nhân sử dụng là thật, nhưng ông Nhân không thuộc đối tượng được cấp thẻ nhưng vẫn dùng thẻ ra đường, đi qua các chốt kiểm soát thì hành vi của ông nhân cũng bị xử phạt hành chính”, LS Hải nêu.
Ngoài ra, một kiểm sát viên Viện KSND cấp cao tại TP.HCM đánh giá, hành vi la lối, quát tháo của ông Nhân tại siêu thị có thể bị xử lý hình sự về tội “gây rối trật tự nơi công cộng”, theo Điều 318 BLHS năm 2015.
Vị này phân tích, cấu thành tội phạm của Điều 318 BLHS là: người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. “Trong khi đó, ông Nhân đã có hành vi tự xưng là “Ban chỉ đạo Q.7” để thị uy, lớn tiếng tại nơi công cộng là siêu thị. Hành vi này của ông Hồ Hữu Nhân đã gây ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của Cơ quan nhà nước trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19. Trong khi, cả TP và người dân đang chấp hành nghiêm Công điện 1099 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị 11 của Chủ tịch UBND TP.HCM về việc “ai ở đâu, ở yên đấy” nhằm tăng cường giãn cách xã hội trong công tác phòng chống dịch. Vì vậy, cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ để xử lý nghiêm”, kiểm sát viên này nhấn mạnh.
Bình luận (0)