Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Trăn trở trước tiêu cực xã hội, nạn tham nhũng

Đình Phú
Đình Phú
17/03/2018 11:41 GMT+7

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải là vị lãnh đạo cấp cao có quá trình được đào tạo chính quy, bài bản. Ông đã lãnh đạo, điều hành Chính phủ vượt qua được khủng hoảng từ hơn 20 năm trước.

Theo chia sẻ của PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM, cố Thủ tướng Phan Văn Khải được đào tạo chính quy, bài bản, đi học kinh tế ở Liên Xô, trở thành nhà nghiên cứu chiến lược từ trước 1975.
Dấu ấn đẹp
Sau khi đất nước thống nhất, ông Phan Văn Khải phát huy năng lực, sở trường trong các nhiệm vụ được giao về xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế. Ông có tầm nhìn chiến lược phát triển kinh tế đất nước trong xu thế hội nhập từ những ngày đầu.


Khi cảm thấy sức khỏe không còn đảm bảo, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ gần 1 năm, sẵn sàng chuyển giao cho thế hệ trẻ. Đây là một đức tính của người cộng sản, của một nguyên thủ quốc gia

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM

“Từ nền kinh tế quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhiều thành phần kinh tế, ông là một trong những lãnh đạo cấp cao kiên định mục tiêu, hướng nền kinh tế sang nhiều thành phần, phát triển kinh tế tư nhân”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nhìn nhận.
Những năm trước, trong và sau đổi mới (1986), TP.HCM là nơi khởi đầu thí điểm nhiều sự đổi mới, điển hình là phát triển kinh tế tư nhân, thành lập các doanh nghiệp tư nhân… Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, giai đoạn này, ông Phan Văn Khải đảm trách cương vị Chủ tịch UBND TP.HCM và có nhiều đóng góp đặc biệt quan trọng. Nhờ đó, kinh tế tư nhân ở TP.HCM luôn đóng góp nguồn lực quan trọng vào sự phát triển của TP.HCM nói chung và cả nước nói riêng.
Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, ông Phan Văn Khải được đánh giá đã để lại nhiều dấu ấn, gắn liền với thành tựu phát triển kinh tế của đất nước.
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, khi ông Phan Văn Khải đảm nhận trọng trách Thủ tướng vào tháng 9.1997, lúc đó khu vực Đông Nam Á rơi vào khủng hoảng tài chính. Chính sự khủng hoảng này tác động đến kinh tế Châu Á nói chung, trong đó có cả Việt Nam. Kinh tế Việt Nam trong năm 1997 đang tăng trưởng 8,15%, nhưng vì đợt khủng hoảng tài chính này, đến năm 1998 đã giảm xuống còn 5,76%, năm 1999 xuống chỉ còn 4,77%.
“Một điều quan trọng là trong khoảng thời gian đó, Chính phủ và người đứng đầu là Thủ tướng Phan Văn Khải đã cầu thị lắng nghe ý kiến các chuyên gia, tìm ra được những đối sách hạn chế đến mức thấp nhất tác động tiêu cực của khủng hoàng tái chính khu vực đến kinh tế Việt Nam. Từ năm 2000 trở đi, chúng ta thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đúng đắn, từng bước phục hồi nền kinh tế, đạt tới tốc độ phát triển kinh tế rất cao, bình quân đạt 7,5% từ 2000 đến 2006”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói.
“Về quản lý kinh tế, nhờ có quá trình được đào tạo bài bản nên khi xảy ra đợt khủng hoảng, ông đã lãnh đạo, điều hành Chính phủ vượt qua được khủng hoảng. Dấu ấn ông để lại rất tốt đẹp!”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân đúc kết, và chia sẻ thêm, thời điểm thủ tướng Phan Văn Khải từ nhiệm, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam lên đến 8,4% (năm 2005) và đạt 8,2% (năm 2006), kiềm chế được lạm phát ở mức thấp…
Cố thủ tướng Phan Văn Khải qua kí ức người bạn thuở ấu thơ
Mẫu mực, gần dân
PGS-TS Trần Hoàng Ngân bày tỏ: “Những thành tựu quan trọng đó thể hiện được tầm nhìn, tài năng lãnh đạo của cố Thủ tướng Phan Văn Khải”.
Những năm sau khi từ nhiệm, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, ông Phan Văn Khải luôn trăn trở trước những phát sinh tiêu cực về mặt xã hội, tham nhũng còn diễn ra nghiêm trọng.
“Ông đã nhận lỗi trước nhân dân. Theo trăn trở của ông, nguyên nhân có phần do công tác phòng, chống tham nhũng chưa thật sự quyết liệt”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nói thêm.
Bày tỏ tình cảm khi hay tin nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải ra đi, PGS-TS Trần Hoàng Ngân tâm tình: “Trong cuộc đời cách mạng, ông Phan Văn Khải luôn là người mẫu mực, gần dân. Mỗi khi gặp ông, ông nói chuyện rất ấm áp. Khi cảm thấy sức khỏe không còn đảm bảo, ông xin từ nhiệm trước khi kết thúc nhiệm kỳ gần 1 năm, sẵn sàng chuyển giao cho thế hệ trẻ. Đây là một đức tính của người cộng sản, của một nguyên thủ quốc gia. Dấu ấn ông để lại rất tốt đẹp. Công lao của ông rất lớn, đặc biệt là trong giai đoạn cải cách, đổi mới, hội nhập kinh tế thế giới”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.