Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu: Người khởi động việc chỉnh đốn Đảng

08/08/2020 07:14 GMT+7

Nhớ về cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu , ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cho biết cố Tổng bí thư chính là người đã tái khởi động công cuộc chỉnh đốn Đảng kể từ sau Đổi mới.

Tác giả nghị quyết xây dựng chỉnh đốn Đảng từ Đại hội VIII

Ông Vũ Quốc Hùng nhớ lại, thời điểm ông Lê Khả Phiêu trở thành Tổng bí thư ông “rất bất ngờ”. Ông Hùng giải thích, từ Đại hội VI, đất nước bước vào công cuộc đổi mới, rất nhiều vấn đề được đặt ra cả về lý luận và thực tiễn, từ việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, kinh tế thị trường…
“Lúc bấy giờ, chọn một người tư lệnh hay là người lãnh đạo Đảng đảm đương sự nghiệp đổi mới này thế nào, T.Ư cũng phải nâng lên, đặt xuống. Khi giới thiệu đồng chí Lê Khả Phiêu thì thấy đồng chí Phiêu chủ yếu là binh nghiệp, một ông tướng. Đồng chí vào T.Ư cũng muộn, tới 60 tuổi, tại Đại hội VII, đồng chí mới vào T.Ư”, ông Hùng nói.

Tiểu sử nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu - Thực hiện: Lê Hiệp - Cẩm Tiên - Đặng Sinh

Theo ông Hùng, vào thời điểm đó, đứng trước nhiều vấn đề đặt ra, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã quyết định tập trung vào vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng. “Đồng chí đề xuất phải có một nghị quyết về xây dựng chỉnh đốn Đảng”, ông Hùng nói và cho biết, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu chính là “linh hồn” của Nghị quyết 10 Hội nghị T.Ư 6 (lần 2) khóa VIII về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay.
“Thực ra, Điều lệ Đảng cũng đã nêu. Bác Hồ cũng đã đặt nền móng cho xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhưng bây giờ phải khởi động lại vì khi đó bắt đầu thời kỳ đổi mới thì chúng ta cũng phải đổi mới Đảng bằng việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, ông Hùng phân tích.
Cho biết mình không làm việc trực tiếp nhiều với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vì chỉ là một Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, song ông Hùng khẳng định, trong công tác xây dựng Đảng, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu thể hiện là một con người chịu khó, cầu thị để tìm ra cách tiếp cận vấn đề mới. “Đồng chí lắng nghe và bằng thực tiễn năng lực của mình, đồng chí đề xuất ngay xây dựng chỉnh đốn Đảng là bắt đầu từ xây dựng tổ chức Đảng, từ chi bộ”, ông Hùng nói và cho biết, Nghị quyết 10 yêu cầu chấn chỉnh sinh hoạt Đảng “cho ra sinh hoạt Đảng chứ không phải sinh hoạt câu lạc bộ”. “Từng đảng viên từ đảng viên thường cho tới đảng viên lãnh đạo phải thường xuyên xem xét lại mình, tự phê bình và phê bình, tự báo cáo với tổ chức những vấn đề mà hiện nay mình đang vướng”, ông Hùng nói.

Cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tại một hội nghị sau khi ông đã nghỉ hưu

Ảnh Ngọc Thắng

Theo ông Hùng, điều đặc biệt trong tinh thần xây dựng, chỉnh đốn Đảng của cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là chỉnh đốn từ trên xuống. “Nếu trước kia chấn chỉnh Đảng là từ dưới lên trên, cho nên mới có câu tắm từ thắt lưng xuống, thì bây giờ tắm từ đầu tắm xuống”, ông Hùng nói. Theo ông Hùng, thời điểm đó, Bộ Chính trị thực hiện kiểm điểm trước. “Có đợt Bộ Chính trị kiểm điểm tới 10 ngày, có hôm muộn. Đồng chí Lê Khả Phiêu chủ trì. Từng đồng chí ủy viên Bộ Chính trị viết bản kiểm điểm và đứng lên trình bày. Các đồng chí trong Bộ Chính trị thẳng thắn với nhau, nói hết”, ông Hùng nhớ lại.
Ông Hùng cho biết, xây dựng chỉnh đốn Đảng thành phong trào mà tất cả mọi người đều làm. “Nhưng đây không phải cuộc đấu đá nội bộ. Kiểm điểm phê bình thẳng thắn nhau với tình thương yêu đồng chí, hồ hởi. Với những đồng chí trình bày ưu khuyết điểm, khó khăn của mình thì bàn cách giúp các đồng chí vượt qua những khó khăn ấy. Không khí tôi cảm thấy là nó hồ hởi”, ông Hùng chia sẻ và cho biết, theo ông, Nghị quyết 10 Hội nghị T.Ư 6 khóa VIII là một "nghị quyết lịch sử". 
Nghị quyết ấy nếu như làm ráo riết trong 2 nhiệm kỳ thì nó sẽ đạt hiệu quả cao để không cần có Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII vừa qua vì những vấn đề cơ bản Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) đã nêu rồi. Nhưng rất tiếc là đến Đại hội X thì bắt đầu buông lỏng. Song, cũng theo ông Hùng, Nghị quyết T.Ư 6 (lần 2) cũng đã tạo nền móng tiếp tục xây dựng Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII. 

Con người cầu thị, bình tĩnh và bản lĩnh

Về con người cá nhân, ông Hùng cho biết, ấn tượng nhất của ông là với cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là phong cách giản dị, chân thành, không quan cách với cán bộ cấp dưới cho nên là một người dễ gần. Và nhờ vậy, ông Lê Khả Phiêu nghe được nhiều thông tin từ các đơn vị cơ sở và đảng viên.
“Trong công việc, chúng tôi đến phản ánh với đồng chí Lê Khả Phiêu và đồng chí trực tiếp lắng nghe, đồng chí không phân biệt việc nào là việc lớn, việc nào là nhỏ. Bởi vì, có những việc bình thường thôi nhưng nó lại là những việc có ảnh hưởng lớn nếu không đề phòng. Vì đồng chí Lê Khả Phiêu lắng nghe như thế, cho nên xử lý kịp thời và nhắc nhở cán bộ kịp thời. Cho nên, có thể nói đồng chí Lê Khả Phiêu gần cán bộ, lắng nghe cán bộ”, ông Hùng chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Hùng đánh giá cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu là một người gần gũi, biết lắng nghe và cầu thị

Ảnh Ngọc Thắng

Ông Hùng cũng chia sẻ, có lần chính ông trực tiếp đặt lịch gặp ông Lê Khả Phiêu để trình bày với ông về việc dư luận nói rằng, một số cán bộ Thanh Hóa được ông Phiêu quan tâm. “Tôi đề nghị anh, anh là Tổng bí thư của toàn Đảng chứ không phải là bí thư Thanh Hóa cho nên anh rất cẩn thận cái này”, ông Hùng nhớ lại và kể khi đó, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã lắng nghe với thái độ rất khiêm tốn, cầu thị dù ông chỉ là một phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Ông Hùng cũng khẳng định, nhiều dư luận về ông Lê Khả Phiêu trong vấn đề này không đúng.
Cũng theo nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư, cố Tổng bí thư là người rất bản lĩnh. “Trước những phê bình của dư luận, ông luôn bình tĩnh, không bao giờ bực bội. Đó là bản lĩnh. Trước các góp ý của đồng chí, trước dư luận xã hội, ông luôn lắng nghe, bình tĩnh giải trình, đồng thời đề nghị cơ quan chức năng xác minh chứ không tự thanh minh”, ông Hùng kể.
Cũng theo ông Hùng, kể cả sau khi về nghỉ, với bản lĩnh và sự cầu thị của một vị tướng, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu vẫn quan tâm tới xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Ông Hùng kể, trước Đại hội XII diễn ra, ông Lê Khả Phiêu mời một số ủy viên Bộ Chính trị, một số ủy viên T.Ư, trong đó có các ông Nguyễn Đình Hương, Nguyễn Quốc Thước… tới gặp để bàn về công tác xây dựng Đảng. “Ông luôn có ý kiến một cách xây dựng, có tổ chức, có ý kiến đóng góp thẳng cho Tổng bí thư. Một ông tướng trận mạc nhưng lại gắn với dân, với tổ chức Đảng và công tác chính trị, tư tưởng, con người”, ông Hùng nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.