Cồn Cỏ, đảo tiền tiêu cửa ngõ phía nam vịnh Bắc Bộ

Mai Thanh Hải
Mai Thanh Hải
07/07/2020 13:02 GMT+7

Cồn Cỏ là đảo tiền tiêu cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ (thuộc H.Cồn Cỏ, Quảng Trị). Đảo còn có tên gọi khác là Hòn Cỏ, Thảo Phù, Con Hổ, Hòn Mệ theo cách gọi của ngư dân Vĩnh Linh.

Đảo Cồn Cỏ, 'vọng gác tiền tiêu' của miền Bắc thời chiến

Đảo Cồn Cỏ nằm vắt ngang vĩ tuyến 17, cách đất liền từ 13 đến 17 hải lý. Trong đó, điểm gần nhất cách 13 hải lý là Mũi Lay, thuộc xã Vĩnh Thạch, H.Vĩnh Linh. Điểm cách 15 hải lý là Cửa Tùng ở xã Vĩnh Quang, H.Vĩnh Linh và điểm cách 17 hải lý là cảng Cửa Việt, xã Gio Việt, H.Gio Linh.
Đảo Cồn Cỏ là đảo ven bờ, có độ cao trung bình từ 7 - 10 m so với mực nước biển. Trên đảo có 2 điểm cao: điểm phía Đông cao 37 m (vì vậy có tên điểm cao 37), còn điểm phía Tây, gần chính giữa đảo, có độ cao 63,4m và là điểm cao nhất đảo.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Cồn Cỏ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Trong kháng chiến chống Mỹ, đảo Cồn Cỏ có vị trí chiến lược về quân sự, là “vọng gác tiền tiêu” của miền Bắc. Từ đảo Cồn Cỏ, dùng các khí tài quan sát có thể theo dõi mọi động tĩnh ở đất liền và tàu thuyền từ ngoài khơi xa. Do đó, khi đế quốc Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá có tính hủy diệt.

Di tích đài quan sát Thái Văn A trên điểm cao nhất của đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngày 8.8.1959, đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ thuộc trung đoàn 270 (đặc khu Vĩnh Linh) được thành lập và hành quân ra đóng giữ đảo. Năm 1964, Mỹ phát động cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đầu tiên của không quân Mỹ.
Từ tháng 8.1964, đảo Cồn Cỏ bị máy bay, tàu chiến Mỹ đánh phá hàng nghìn lần bằng nhiều thủ đoạn tinh vi xảo quyệt, mức độ ác liệt, thời gian kéo dài (có đợt lên đến 24 ngày liền). Bộ đội trên đảo sống nhờ đất liền, từ nước ngọt cho đến nắm cơm và ngày nào cũng có thương vong, nên yêu cầu bổ sung quân số, vũ khí, vật liệu xây dựng công sự, lương thực, thực phẩm từ đất liền ra, đưa thương binh, tử sĩ vào đất liền... ngày càng cấp bách.

Tượng đài liệt sĩ ở trung tâm đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đầu tháng 6.1965, Đảng ủy khu vực Vĩnh Linh ra lời kêu gọi “Tất cả vì đảo”. Hàng ngàn dân quân, thanh niên và cả các cụ già ở các xã ven biển Vĩnh Linh như Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch, Vĩnh Thái, Vĩnh Giang... xung phong đi tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ.

Bia ghi danh 104 bộ đội, dân quân trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu đã hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Suốt những năm tháng ác liệt của chiến tranh, các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ không quản ngại hy sinh, anh dũng chiến đấu vì tự do độc lập. Đơn vị đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì, 4 Huân chương Quân công, 2 Huân chương Chiến công; được nhận thư khen của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đơn vị bảo vệ đảo Cồn Cỏ (tiền thân của lực lượng vũ trang huyện đảo Cồn Cỏ ngày nay) được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa 2 lần phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đại đội 22, trung đoàn 270, Khu vực Vĩnh Linh (đơn vị tiếp tế cho đảo) cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng.

Toàn cảnh khu trung tâm đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Và đảo Cồn Cỏ - 'đảo Thanh niên', 'huyện đảo du lịch' 

Sau ngày thống nhất (30.4.1975), đảo Cồn Cỏ được giao cho lực lượng vũ trang địa phương quản lý, bảo vệ. Tháng 3.2002, mô hình xây dựng đảo Cồn Cỏ thành “Đảo Thanh niên” được hình thành và 43 thanh niên của Tổng đội TNXP Quảng Trị đã tình nguyện ra xây dựng đảo.
Ngày 1.10.2004, Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định 174/2004/NĐ-CP về việc thành lập huyện đảo Cồn Cỏ, với mục tiêu xây dựng phát triển đảo Cồn Cỏ thành “Huyện đảo Du lịch”. Cũng từ đây, đảo Cồn Cỏ đã chuyển từ đảo quân sự sang đảo dân sự. Hiện, dân số trên đảo có gần 400 người và các cơ quan quản lý hành chính, phát triển kinh tế xã hội, đầu tư phát triển du lịch và hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang, đầy đủ.

Hệ thống đường giao thông trên đảo được xây dựng quy củ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Đặc biệt, từ giữa năm 2017, Cồn Cỏ được cấp phép khai thác du lịch. Năm 2019, Cồn Cỏ đã thu hút gần 6.300 khách du lịch ra đảo, đạt 104,7% kế hoạch năm, tăng 52,2% so với năm 2018; tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 7,35 tỉ đồng, tăng 61,7% so với năm 2018. 

Cổng chào ở ngay cầu cảng

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Cư dân trên đảo đón người thân từ đất liền ra thăm

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Trường mầm non Hoa Phong Ba trên đảo hiện có 13 học sinh theo học. Vào độ tuổi tiểu học, các học sinh phải về đất liền học tiếp

Ảnh: Mai Thanh Hải

 

Cô giáo Lê Thị Thùy Linh (35 tuổi, quê ở Cửa Tùng) hiện đang dạy lớp Mầm non trên đảo Cồn Cỏ

Ảnh: Mai Thanh Hải

Bảng đá khắc lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bộ đội Cồn Cỏ, được đặt trước nhà khách Ban chỉ huy quân sự huyện Cồn Cỏ. Đây là cơ sở lưu trú có sức chứa lớn nhất và đầy đủ tiện nghi nhất trên đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Phương tiện chuyên chở trên đảo chủ yếu là xe điện

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu khách cao tốc chuyên chở khách ra đảo vào đất liền

Ảnh: Mai Thanh Hải

Du khách tham quan và tắm tại bãi trước của đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Hệ thống kè chắn sóng trên đảo tạo thành vòng cung sóng

Ảnh: Mai Thanh Hải

Ngư dân trên đảo sau 1 đêm đánh bắt hải sản trên biển

Ảnh: Mai Thanh Hải

Trạm ra đa 540, thuộc trung đoàn 351, Vùng 3 hải quân trên điểm cao nhất của đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu CSB - 2012, thuộc hải đội 202, Vùng 2 Cảnh sát biển trực bảo vệ chủ quyền cạnh đảo Cồn Cỏ. Thời gian qua, các tàu của hải đội 202 Cảnh sát biển đã liên tục, kịp thời xuất kích xua đuổi, ngăn chặn các tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền Tổ quốc, trên vùng biển miền Trung

Ảnh: Mai Thanh Hải

Tàu vận tải chở vật liệu ra xây dựng các công trình dân sinh trên đảo

Ảnh: Mai Thanh Hải

Trên đảo Cồn Cỏ, đến đâu cũng gặp các vật dụng trữ nước ngọt

Ảnh: Mai Thanh Hải

Nguồn nước trên đảo chỉ dùng tắm giặt bởi bị nhiễm mặn, nên việc tích trữ bằng bể, phuy, thùng là điều rất dễ hiểu

Ảnh: Mai Thanh Hải

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.