Muốn ra đảo tiền tiêu Cồn Cỏ sinh sống thì phải làm sao?
22/02/2019 15:35 GMT+7
Đó là câu hỏi của rất nhiều bạn đọc Báo Thanh Niên sau thông tin thêm 3 hộ dân xung phong ra đảo Cồn Cỏ, nâng số hộ dân định cư trên đảo lên con số 20.
Tự động phát
[VIDEO] Thêm 3 hộ dân xung phong ra sinh sống tại đảo tiền tiêu |
Theo ông Lê Minh Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) các tiêu chuẩn để tuyển các hộ dân ra đảo tiền tiêu đều đã quy định rõ trong các quyết định di dân ra đảo do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ký.
Cụ thể, các hộ gia đình, cá nhân tự nguyện đến sinh sống lâu dài tại huyện đảo Cồn Cỏ, có ngành nghề phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn huyện đảo như nghề ngư nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá, có khả năng nuôi trồng đánh bắt thủy hải sản, dịch vụ- du lịch, dịch vụ ăn uống, kinh doanh; có tuổi đời dưới 50 tuổi, có sức khỏe tốt, nhân thân tốt và có hộ khẩu thường trú tại Quảng Trị từ 36 tháng trở lên.
“Quy định là thế nhưng vấn đề quan trọng nhất chính là quyết tâm, niềm yêu thích của các hộ dân có thực sự muốn ra với đảo. Chúng tôi sẽ cân nhắc điều này khi lựa chọn hộ dân”, ông Tuấn nói.
|
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có thế “xung phong” ra đảo vì việc di dân được tổ chức theo đợt. Gần nhất, UBND huyện đảo Cồn Cỏ ra thông báo “tuyển dân” ra Cồn Cỏ là tháng 8.2018 với chỉ tiêu 4 hộ.
Người dân muốn ra đảo phải hoàn thiện hồ sơ và đến nộp tại Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn các huyện nơi mình sinh sống đúng thời hạn.
Trong hồ sơ gồm có: đơn tự nguyện bố trí, ổn định dân cư; Biên bản họp bình xét hộ dân được bố trí dân cư, ổn định dân cư; Tờ trình của UBND cấp xã. “Đợt vừa rồi mới tuyển được 3 hộ ra đảo, nghĩa là còn 1 hộ nữa”, ông Tuấn cho biết.
|
Về các quyền lợi của người dân khi ra sống ở đảo, theo thông tin từ ông Võ Văn Đống, Trưởng phòng kinh tế - xã hội huyện đảo Cồn Cỏ, các hộ dân sẽ được cấp 1 nhà ở (diện tích 42 m2, gồm 1 phòng khách, 1 phòng ngủ, bếp, khu vệ sinh, 1 bể nước cùng hạ tầng kèm theo) trên diện tích đất 200 m2 (được miễn phí sử dụng đất, lệ phí trước bạ khi giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Ngoài ra, các hộ dân được hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ cho việc di chuyển người, tài sản; hỗ trợ lương thực bằng tiền mặt 18 tháng từ ngày ra đảo với mức 30 kg/người/tháng; hỗ trợ 6 tháng sinh hoạt phí mỗi tháng bằng 1 tháng lương cơ bản; hỗ trợ con giống bằng tiền mặt 1 triệu đồng; hô trợ công cụ sản xuất bằng tiền mặt 5 triệu đồng hộ; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí...
|
“Ngoài ra các hộ dân sinh sống trên đảo được hưởng chính sách của Trung ương và của tỉnh về phát triển thủy sản, các chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như đang áp dụng đối với hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, ông Đống nói.
Bình luận (0)