Con lai - Nỗi đau chưa qua: Mòn mỏi tìm nhau

Quang Viên
Quang Viên
15/12/2019 06:38 GMT+7

Nửa thế kỷ mỏi mòn chờ đợi, khoảng 400 con lai còn ở Việt Nam vẫn mong một ngày kết nối được với cha ruột từ xứ cờ hoa xa xôi.

Bên kia bán cầu, có những cựu binh Mỹ và người thân cũng thiết tha tìm lại người thương, máu mủ của mình.
Lạc mẹ từ nhỏ, cuộc đời của Nguyễn Thị Hương (Linda) trải qua chuỗi ngày dài bất hạnh, vẫn trĩu buồn khi nhắc đến người cha Mỹ chưa từng biết mặt.

Cha tôi là ai ?

Khi Linda 6 tuổi, mẹ gửi cho người hàng xóm giữ hộ để đi làm. Không thấy mẹ, cô chạy ra đường tìm, rồi đi lạc. Sau nhiều ngày thông báo trẻ lạc không thấy ai đến nhận, anh công an đón bé Linda về, sau đó gửi xuống một gia đình ở quê nuôi. Công việc của Linda ở đây là chăm sóc vườn hoa. Ham học, cô thức dậy từ 4 giờ sáng tưới hoa để sớm mai được đến trường nhưng gia đình nuôi không thích cho Linda đi học. “Họ đánh đập, bỏ đói mấy ngày, em xỉu lên xỉu xuống. Đành bỏ học dở dang lớp 2 để ở nhà đi làm”, Hương bùi ngùi kể.

Tìm người yêu qua tấm ảnh

Nhiều năm nay, James H.Vaughn đi tìm người yêu trong thời gian tham chiến tại Việt Nam. Thông tin về người yêu của ông ngắn ngủi vài dòng: “James H.Vaughn tìm bà Cao Thị Hoa, má của Tống Văn Tuấn. Hiện Tuấn vẫn đang ở Phú Tài, Quy Nhơn”. Bức ảnh người phụ nữ Việt xinh đẹp, nhỏ nhắn ôm người lính Mỹ James H.Vaughn trẻ măng, cả hai có vẻ mang nhiều nỗi niềm riêng, gây xúc động. Điều đáng buồn, theo tìm hiểu của chúng tôi, bà Hoa đã đi xa mãi mãi.
Bước vào tuổi 15, Hương đẹp như trăng rằm nhưng cô không được tận hưởng cuộc đời mơ mộng như bạn cùng trang lứa, cả ao ước tìm được người cha bên kia bán cầu cũng không thể. “Năm 1987, chính quyền địa phương kêu đi làm hồ sơ diện con lai, nhưng người nuôi kiên quyết không cho. Họ bắt em đi làm kiếm tiền”, Hương thổ lộ. Cô lên Long Khánh (Đồng Nai) hái cà phê. Ngủ trong rẫy, không có mùng chống muỗi, Hương bị sốt rét, trở về nhà thân tàn ma dại. Thấy Hương tội nghiệp, bác sĩ Nguyễn Công Thành (khi đó là Giám đốc Trung tâm y tế H.Hậu Nghĩa, Long An) động lòng trắc ẩn mang Hương về nhà cứu chữa, nuôi dưỡng. Cuộc đời Hương như tái sinh khi được sống trong gia đình vị bác sĩ giàu lòng nhân ái.

Gần 50 năm, cha anh Quang Hùng vẫn giữ bức hình chụp mẹ ruột Hùng và người bạn

Ảnh: Quang Viên chụp lại

Lấy người chồng làm thợ điện nghèo nên người vợ lai cũng mưu sinh bằng gánh chè. “Đường quê mùa mưa lầy lội, gánh chè đi bán có khi đổ lên đổ xuống. Nhưng kiếm đồng tiền chính đáng để sống, dành dụm làm lại hồ sơ mong ngày đoàn tụ cùng cha và các chị em bên Mỹ làm em quên hết nhọc nhằn”, Hương thổ lộ.
Chị Hương có hai chị em lai cùng mẹ khác cha bị thất lạc từ nhỏ. Cuối năm 2018, chị nhận được cuộc gọi của người chị tên Linh và đứa em tên Ly bên Mỹ. Sau 43 năm bặt tin họ mới tìm được nhau, chị em khóc hết nước mắt. Cô em và người chị sang được bên đó vì có trong tay những tấm hình cha. Thời kỳ đầu, chương trình con lai khá thoáng. Lãnh sự quán chỉ nhìn gương mặt giống lai và thêm vài chứng cứ đơn sơ về người cha cũng có thể được xét cho định cư Mỹ. Còn hiện nay, với những chứng cứ mơ hồ về người cha mình, Nguyễn Thị Hương chỉ còn trông cậy vào phương pháp thử ADN. Đồng thời, cầu mong cha hoặc họ hàng bên cha lập phả hệ dòng tộc mới nhiều hy vọng tìm được cha.
“Mẹ tôi trầm cảm, điên luôn rồi mất sớm. Sau này nghe dì nói lại, mẹ có ba đứa con lai với ba người tình Mỹ khác nhau, tôi không biết mình con ông nào. Mấy mươi năm nay tôi vẫn mãi đi tìm câu trả lời: Cha tôi là ai trong số những nhân tình của mẹ?”, chị Hương buồn rầu tâm sự.
Con lai - Nỗi đau chưa  qua: Mòn mỏi tìm nhau

Chị Hương (Linda) buồn rầu không biết cha mình là ai trong số những tấm ảnh này

Ảnh: Quang Viên

Cựu binh Mỹ tìm vợ con

Bên kia bán cầu, những cựu binh Mỹ cũng đang nỗ lực tìm kiếm con và người tình Việt Nam. Bất ngờ hơn, vợ sau của một cựu chiến binh Mỹ, bà Catie Gentz, đã đề nghị chúng tôi tìm giúp đứa con rơi của chồng.
Cuộc tìm kiếm người con lai thất lạc bắt đầu từ khi vợ chồng Larry thấy hình một nhóm thanh niên lai Mỹ - Việt chụp ở công viên Đầm Sen, TP.HCM, vào tháng 3.1988. “Khi nhìn tấm hình đó, tôi thấy một thanh niên lai rất giống chồng tôi, tuổi của thanh niên này đúng thời điểm Larry đi lính ở Việt Nam, đóng quân cách nơi chụp hình khoảng 25 km. Ngoài ra, một con lai sống ở Mỹ cho biết từng gặp người thanh niên trong hình tên Dũng khoảng năm 1980, gần công viên Đầm Sen cùng 200 người lai Mỹ - Việt khác”, bà Catie Gentz nói và cho biết thêm, chồng bà đóng quân ở Bình Thủy từ tháng 12.1969 tới tháng 3.1970. Sau đó, ông đóng quân ở Bến Lục (có lẽ là Bến Lức, Long An - PV) từ tháng 3 đến tháng 7.1970 rồi chuyển đến Đồng Tâm từ tháng 7 đến tháng 12.1970. Nếu Larry có con, đứa bé có thể sinh ra trong khoảng cuối năm 1970 hoặc năm 1971. Lúc đó, Larry cấp bậc hạ sĩ quan hải quân 3 (Petty Officer 3), thuộc bộ phận kiểm tra điện tử máy bay, đội Hal-3, phân đội 7 (Detachment 7).

Cái kết có hậu

 
Gần nửa thế kỷ, anh Trần Quang Hùng (47 tuổi, ngụ Q.12, TP.HCM) vừa tìm được cha bằng phương pháp thử ADN do Hội Tình lai không biên giới giúp đỡ. Năm 2018, mẫu thử ADN được gửi đi. Một thời gian ngắn, hội này thông báo đã tìm được ông nội, bà nội mang dòng họ Hibdon. Sau đó, hội còn tìm được người em ruột, thử ADN hai anh em đều trùng khớp. Người em của anh Hùng từ Colorado tức tốc báo cho bố đã 70 tuổi ở Arizona, và cuộc gặp gỡ đẫm nước mắt giữa cha con Quang Hùng đã diễn ra qua video messenger.
Tháng 5.2019, cả gia đình gồm ba, mẹ kế, em trai, em gái đời sau của ba Hùng cùng về Việt Nam. Đón gia đình ba tại sân bay Tân Sơn Nhất, hai cha con cứ ôm nhau khóc. Còn mẹ kế thì tốt bụng vô cùng, cứ luôn miệng nói: “Con trai quý của tôi...”, Hùng hạnh phúc tâm sự.
“Những người nào có thể là con của Larry, hoặc mẹ của họ còn nhớ mặt Larry, xin liên lạc với tôi. Là người vợ, tôi thông cảm và ủng hộ Larry hết lòng để tìm lại đứa con lai Việt Nam”, bà Catie Gentz trải lòng.
Một số cựu chiến binh Mỹ cùng người thân cũng nỗ lực tìm lại những đứa con lai và mẹ chúng. Chúng tôi xin được nêu một số trường hợp dưới đây với mong muốn bạn đọc có thể làm cầu nối giúp họ...
Ông Chuck Manning (67 tuổi, đóng quân ở Vĩnh Long năm 1970 - 1971) rất mong tìm lại vợ và con 48 năm trước. Năm 1971, Chuck tình cờ quen một phụ nữ tên Hue (có thể là Huế hoặc Huệ - PV). Lần đó, ông chạy xe ngoài đường, gặp cháu của cô Hue bị tai nạn nên chở đi cấp cứu. Ông Chuck nhớ gặp Hue (lúc đó 18 tuổi) ngay TX.Vĩnh Long, gần ngã ba Cần Thơ cũ. Hue sống với mẹ, em trai và chị gái. Người chị của Hue cũng có một người con gái lai Mỹ trắng.
Khi Hue mang thai với Chuck được vài tháng, ông Chuck được lệnh phải về nước (tháng 6.1971). Vì hoàn cảnh chiến tranh, ông Chuck không thể đưa người yêu đang mang thai theo cùng. Sau này, ông Chuck cố công tìm Hue và đứa con Việt Nam nhưng không được.
Larry Parker (biệt danh Peanuts - Đậu Phộng) mong tìm người bạn gái và đứa con mà ông chưa từng thấy mặt trong thời gian tham chiến (1969 - 1971) ở Việt Nam. Người phụ nữ có con với ông tên Huệ từng làm phụ bếp trong Công ty vận tải 538 rồi chuyển sang làm dọn dẹp trong Tiểu đoàn 64 (64th Quartermaster Battalion) ở Long Bình. Đứa bé sinh ra khoảng tháng 1 hoặc tháng 2.1970.
Một cựu binh Mỹ khác là Virgil K Kellogg cũng đang cố gắng tìm người con mang dòng máu của mình. Thông tin hỗ trợ tìm kiếm con lai rất ít nhưng với tấm hình chụp cùng người yêu Việt Nam và đứa con, ông Virgil K Kellogg vẫn mong chờ một phép màu. (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.