Trao đổi với báo chí ngày 12.10, thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó chánh Văn phòng thường trực Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), đã thông tin chi tiết về quá trình cứu hộ các thuyền viên trên tàu Vietship 01, khi tàu bị mắc cạn tại Cửa Việt (Quảng Trị).
Theo thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố này, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) đã cử 2 đoàn công tác vào hiện trường hỗ trợ địa phương triển khai cứu nạn. Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT và UBND tỉnh Quảng Trị cũng đã thành lập Sở Chỉ huy tiền phương, do thiếu tướng Trần Văn Sơn, Phó chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Cục phó Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng), trực tiếp chỉ huy.
“Quyết tâm của Sở Chỉ huy là cứu hộ cứu nạn nhanh nhất, nhưng phải căn cứ vào điều kiện thực tế cho phép, nếu cứu hộ cứu nạn mà để xảy ra chết người thì cũng không thể được”, thiếu tướng Tỵ nói.
Trong vụ việc này, Bộ Quốc phòng cũng đã điều động tàu hải quân chuyên dụng nhanh chóng đến hiện trường sau sự cố, nhưng tàu Vietship 01 chìm ở vùng biển gần bờ, mớn nước nông, gió mạnh, sóng cao 4 - 4,5 m nên theo tướng Tỵ, "điều kiện như thế thì không tàu nào chịu nổi, tàu hải quân vì nhiệm vụ có vào ứng cứu nhưng bị sóng đánh mắc cạn cũng phải kéo ra".
Liên quan đến việc chưa sử dụng máy bay trực thăng cứu hộ ngay từ ngày đầu tiên, thiếu tướng Tỵ lý giải, điều kiện thời tiết ngay sau khi tàu Vietship 01 xảy ra sự cố rất phức tạp. Trong điều kiện mưa lớn, gió mạnh cấp 6 - cấp 7, máy bay trực thăng không thể bay treo đứng ở một vị trí để triển khai nhiệm vụ được. Thời tiết như thế, máy bay nếu thả dây cứu nạn không cẩn cận vướng tàu bên dưới "có khi tan cả máy bay, rất nguy hiểm cho phi công và cả kíp bay".
Cũng theo Cục phó Cứu hộ cứu nạn, ngay từ chiều 10.10, Bộ Quốc phòng điều động máy bay trực thăng từ Hà Nội vào Quảng Trị tham gia giải cứu các thuyền viên. Ngau sau đó, đội ngũ kỹ thuật phải tiến hành trinh sát điều kiện thời tiết, khí tượng vùng biển hiện trường.
Khi nhận thấy các điều kiện chuẩn bị, thời tiết và khí tượng đảm bảo an toàn thì sáng 11.10, máy bay trực thăng lập tức cất cánh, quyết liệt triển khai việc cứu hộ các thuyền viên một cách nhanh nhất, đảm bảo toàn toàn.
“Không chỉ sử dụng máy bay trực thăng, lực lượng đặc công nước cũng được huy động. Biển động dữ dội, sóng mạnh như thế, anh em đặc công cũng có thể hy sinh tính mạng ngay lập tức, nhưng vì người dân thì phải quyết tâm ứng cứu”, thiếu tướng Tỵ nói.
Bình luận (0)