Ngày 27.3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty cổ phần thương mại vận tải VEAM (Vetranco) và một số doanh nghiệp liên quan, đồng thời chuyển hồ sơ đến Viện KSND tối cao đề nghị truy tố 7 bị can có liên quan về tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự.
Các bị can gồm: Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT, cựu Tổng giám đốc VEAM; Lâm Chí Quang, cựu Tổng giám đốc VEAM; Vũ Quang Tâm và Vũ Từ Công đều là cựu Phó tổng giám đốc VEAM; Nguyễn Mạnh Chung, cựu Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Máy kéo nông nghiệp (Tamac); Đào Quốc Việt, cựu Giám đốc Vetranco; Trần Quang Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn Đại Nam.
Theo kết luận điều tra, trong giai đoạn 2011 - 2014, bị can Trần Ngọc Hà giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT, từ 2015 - 2019 giữ chức vụ Tổng giám đốc VEAM, là người giữ vai trò chính, quyết định các công việc điều hành của VEAM.
Tuy nhiên, trong thời gian giữ chức vụ nêu trên, bị can Trần Ngọc Hà đã thực hiện không đúng các quyền và nghĩa vụ được giao, buông lỏng quản lý, quyết định những chủ trương, chiến lược hoạt động của VEAM không đúng các quy định pháp luật gây thất thoát tài sản nhà nước.
Kết quả điều tra cho thấy, các hành vi sai phạm của bị can Hà dẫn tới VEAM thất thoát tiền của nhà nước tổng số tiền hơn 135 tỉ đồng. Từ năm 2007 đến năm 2013, VEAM đã có 6 lần bảo lãnh cho Vetranco vay tiền tại các ngân hàng, cho Vetranco vay tiền nhiều lần trái quy định để ký các hợp đồng kinh doanh mua bán hàng hóa.
Cụ thể, tổng giám đốc của VEAM qua các thời kỳ (từ 2011 - 2013) đã không thực hiện theo quy trình có sự tham mưu của các bộ phận chuyên môn, ký 7 văn bản bảo lãnh thanh toán cho các hợp đồng tín dụng Vetranco vay tiền tại các ngân hàng. Sau đó, Vetranco đã không trả được các khoản vay nên VEAM buộc phải dùng nguồn tiền của chính tổng công ty trả các ngân hàng gần 76 tỉ đồng.
Cũng theo kết luận điều tra, bị can Trần Ngọc Hà cùng với Vũ Quang Tâm, Phó tổng giám đốc VEAM, quyết định chủ trương đầu tư số tiền 400.000 USD để phát triển sản phẩm mới, là 2 mẫu xe ô tô tay lái nghịch phục vụ xuất khẩu sang Srilanka.
Chủ trương này được làm rõ là không được Hội đồng Thành viên VEAM phê duyệt, là trái quy định pháp luật cũng như quy định của tổng công ty. Bởi, việc đầu tư phát triển 2 mẫu xe ô tô mới này phải phù hợp với chiến lược, kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm và kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm của VEAM, gây hậu quả thiệt hại gần 10 tỉ đồng cho nhà nước.
Ngoài ra, bị can Hà còn bị cáo buộc phê duyệt dự án đầu tư sản xuất máy kéo 4 bánh hạng trung và ký một số hợp đồng khác có nhiều sai phạm gây thất thoát hơn 56 tỉ đồng; lập hợp đồng khống gây thiệt hại 183 tỉ đồng.
Trong vụ án này, bị can Trần Ngọc Hà được xác định có vai trò chính, các bị can Vũ Quang Tâm, Nguyễn Mạnh Chung… có vai trò đồng phạm.
VEAM là công ty trực thuộc Bộ Công thương, được thành lập ngày 12.5.1990, với mục tiêu trọng tâm là phát triển ngành cơ khí Việt Nam.
Mặc dù nhiều sản phẩm VEAM sản xuất không có tính cạnh tranh, song VEAM vẫn hoàn thành tốt với hàng ngàn tỉ đồng lợi nhuận mỗi năm. Điều này nhờ phần lớn lợi nhuận từ các liên doanh Toyota Việt Nam (VEAM góp vốn 20%), Honda Việt Nam (tỷ lệ 30%) và Ford Việt Nam (tỷ lệ 25%).
Ông Trần Ngọc Hà (57 tuổi), từng có 30 năm làm việc tại VEAM và trải qua nhiều chức vụ từ Trưởng phòng Thị trường kinh doanh đến Phó tổng giám đốc, rồi Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐTV, Bí thư Đảng ủy Cơ quan, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc…
Trước đó, tháng 3.2019, VEAM đã ban hành Nghị quyết về việc bãi nhiệm chức danh tổng giám đốc với ông Trần Ngọc Hà do để xảy ra nhiều sai phạm. Đến tháng 6.2019, ông Hà tiếp tục bị miễn nhiệm là người đại diện vốn nhà nước tại VEAM.
|
Bình luận