Cựu công an lừa hàng chục vụ xin vào ngành công an

28/04/2016 12:50 GMT+7

Hết cho đồng bọn đóng vai lãnh đạo các Vụ, Cục của Bộ Công an; phân công Dung làm giả các quyết định trúng tuyển vào ngành công an để lấy tiền của các bị hại.

Ngày 28.4, Văn phòng Cơ quan CSĐT (PC 44) Công an Cần Thơ đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố Nguyễn Văn Hết (49 tuổi), ngụ P.Cái Khế; Nguyễn Ngọc Nguyện (41 tuổi), ngụ P.An Hoà, cùng Q.Ninh Kiều; Dương Thanh Phong (26 tuổi), ngụ xã Trường Long, huyện Phong Điền, cùng TP.Cần Thơ; Phạm Việt Hoài (26 tuổi), ngụ huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng; Hứa Thị Thùy Dung (27 tuổi), ngụ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh cùng về tội “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Theo hồ sơ vụ án, năm 1985, Hết tham gia lực lượng công an tại tỉnh Hậu Giang (cũ); đến năm 1999 thì xuất ngũ.
Năm 2006, Hết thành lập Công ty TNHH Dịch vụ bảo vệ Tiến Đạt và làm Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc được một thời gian. Sau đó theo quy định, Giám đốc công ty làm dịch vụ bảo vệ phải có bằng cử nhân Luật trong khi Hết không có bằng cấp nên đã thuê ông Trương Minh Trí, ngụ đường Mậu Thân, P.An Nghiệp, Q.Ninh Kiều làm Giám đốc. Tuy nhiên, thực chất mọi hoạt động đều do Hết điều hành.
Trước nhu cầu nhiều người có nhu cầu xin vào ngành công an, Hết đã nảy sinh ý định lừa đảo. Để thực hiện hành vi lừa đảo, Hết luôn khoe là có mối quan hệ thân thiết với nhiều lãnh đạo cấp Vụ, Cục (Bộ công an) và lãnh đạo công an TP.Cần Thơ, nên có thể “giúp’’ xin vào ngành công an hoặc được tuyển thẳng vào học tại các trường nghiệp vụ công an trên địa bàn.
Để các bị hại tin tưởng, khi nhận hồ sơ “giúp’’, Hết sẵn sàng cho số điện thoại của các lãnh đạo Bộ, Công an TP.Cần Thơ để bị hại xác minh. Nhưng thực chất các số điện thoại trên là do Nguyện, Phong, Hoài đóng vai để tiếp nhận các cuộc gọi từ bị hại, sau đó sẽ nhận lời hứa hẹn “giúp đỡ’’ nhằm cùng thực hiện việc lừa đảo.
Ngoài ra, Hết còn phân công Hoài đóng giả cán bộ của Vụ tổ chức Bộ Công an đến tiếp xúc với gia đình các bị hại rồi đưa các mẫu khai lý lịch, giấy khám sức khỏe… hướng dẫn cách điền vào các biểu mẫu và trực tiếp nhận tiền để “giúp đỡ’’ từ gia đình các bị hại.
Sau khi nhận tiền xong, Hết phân công Dung làm giả các quyết định như thông báo việc tuyển dụng, trúng tuyển vào các trường sơ, trung cấp của lực lượng công an rồi dùng con dấu, chữ ký của lãnh đạo do Hết cung cấp để Dung ghép vào các quyết định trên rồi in ra bằng máy in màu để giao cho bị hại và nhận phần tiền còn lại.
Đến nay PC44 Công an Cần Thơ đã xác định, chỉ trong thời gian ngắn, từ tháng 7.2014 đến tháng 2.2015, Hết với vai trò chủ mưu đã cùng đồng bọn thực hiện trót lọt 30 vụ lừa đảo xin vào ngành công an hoặc liên quan đến việc xin học, xin phúc khảo điểm tại các trường nghiệp vụ công an để chiếm đoạt tổng số tiền gần 2,5 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.