Đà Nẵng 10 ngày phong tỏa: Khẩn cấp chống dịch và chống đói

22/08/2021 09:19 GMT+7

Tận dụng 10 ngày 'vàng' phong tỏa, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19 nhưng phải đảm bảo chống đói, để người dân yên tâm ở nhà chống dịch.

TP.Đà Nẵng vừa có quyết định gia hạn thời gian phong tỏa thêm 3 ngày nữa, kể từ mốc 23.8. Tận dụng 10 ngày 'vàng' phong tỏa này, TP.Đà Nẵng đã có hàng loạt các giải pháp cho mục tiêu trọng tâm: kiên quyết kiểm soát dịch Covid-19 nhưng phải đảm bảo chống đói, để người dân yên tâm ở nhà chống dịch.

Vẫn chưa kiểm soát được dịch

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng, từ hôm nay (22.8), ngành y tế TP khẩn cấp triển khai việc lấy xét nghiệm Covid-19 toàn dân lần thứ 3 kể từ khi phong tỏa toàn TP (tính từ hôm 16.8). Ông Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, trong ngày 22.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC) Đà Nẵng phải có sớm kết quả xét nghiệm 2 lần cho Ban chỉ đạo Phòng chống dịch TP.
Trao đổi với PV Thanh Niên tối 21.8, bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng cho biết: “Đà Nẵng quyết định tận dụng thêm 3 ngày giãn cách tiếp theo (từ 23.8) để tập trung truy quét thêm lượt 3, để tiếp tục xét nghiệm khẳng định, làm sạch và tăng các vùng xanh...”.

Xét nghiệm Covid-19 toàn dân lượt thứ 2 tại P.Nam Dương (Q.Hải Châu TP.Đà Nẵng)

Ảnh: HUY ĐẠT

Vì vậy, ở yêu cầu xét nghiệm lần thứ 3, Bí thư Nguyễn Văn Quảng chỉ đạo ngành y tế phải hết sức kỹ lưỡng trong công tác lấy mẫu, đặc biệt không để sót lọt các đối tượng cần lấy mẫu, tiếp tục khắc phục các hạn chế trong lấy mẫu. Cần rà soát đúng và đủ các đối tượng, nhất là những đối tượng thuê trọ, lao động tự do…

Cúm và Covid-19 khác nhau thế nào, những hiểu lầm khi điều trị | BÁC SĨ ƠI số 9

Theo CDC Đà Nẵng, tính từ ngày 16.8 đến hôm qua (21.8), TP ghi nhận 882 ca mắc Covid-19 (tăng 386 ca so với tuần trước). Hiện nay, tại 55/56 phường, xã trên địa bàn đều có ca mắc. Trong 1 tuần qua, số ca mắc phát hiện mới ở Đà Nẵng liên tục tăng cao. Riêng ngày 21.8 ghi nhận số ca mắc kỷ lục tại địa phương với 197 ca mắc mới (trong đó có 43 ca cộng đồng chưa cách ly). Theo CDC Đà Nẵng đánh giá, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh.

Đà Nẵng tăng cường vắc xin Covid-19 mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên phòng chống dịch

Ảnh: HUY ĐẠT

Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh cũng nhận định, số ca F0 trong cộng đồng vẫn chưa giảm nên khi có kết quả xét nghiệm 2 đợt cũng không thay đổi nhiều nhận định của UBND TP về tình hình dịch bệnh. Hiện, Đà Nẵng cũng đang tập trung gia tăng bao phủ vắc xin cho người dân, đặc biệt tăng cường mũi 2 cho các đối tượng ưu tiên và tiếp tục tăng cường xin phân bổ khẩn cấp vắc xin từ Bộ Y tế.

Tiếp hàng tận nhà, không để dân đói!

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng, những ngày qua, tình hình cung ứng lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân thông qua đơn đặt hàng người dân diễn ra thuận lợi. Các tổ Covid-19 cộng đồng là đầu mối quan trọng để hỗ trợ nhu yếu phẩm cần thiết, đảm trách việc đi chợ giúp người dân. Mỗi hộ được phát 2 phiếu đăng ký trong 1 tuần.
Được biết, các phường tại Q.Hải Châu từ 16.8 đến nay đã nhận 3.044 đơn hàng đi chợ giúp, trong đó đã giải quyết được 3.005 đơn. Tại Q.Liên Chiểu, tiếp nhận 3.089 lượt đề nghị và đã cung ứng 2.733 lượt. Con số này tại Q.Cẩm Lệ là 3.984 đơn đặt hàng, thay 535 bình gas.

Bà Nguyễn Thị Ước (bên trái), Tổ trưởng tổ dân phố 13 (P.Bình Hiên) tất bật đi mua hàng chuyển đến người dân theo đơn

Ảnh: HUY ĐẠT

Đáng chú ý, trong những ngày tới, tại Q.Ngũ Hành Sơn, chính quyền quận xây dựng phương án khôi phục chợ truyền thống là chợ Khuê Mỹ, chợ Non Nước trên nguyên tắc xác định “vùng xanh” để thiết lập chợ. Thời gian hoạt động của chợ khoảng 4 giờ/ngày, từ 5 - 9 giờ hằng ngày, chỉ cho phép 30% - 50% hộ tiểu thương bán các mặt hàng thiết yếu tập trung 3 nhóm: rau củ quả, thịt, cá. Tiểu thương đi bán tại chợ phải có thẻ và đã được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin. Người mua hàng tại chợ là các Tổ cung ứng hàng hóa ở khu dân cư của phường có “vùng xanh”. UBND các phường sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể việc đi chợ theo giờ cho các Tổ cung cấp hàng hóa tại các khu dân cư…

Công an P.Bình Thuận (Q.Hải Châu) vận chuyển nhu yếu phẩm giúp thành viên tổ Covid-19

Ảnh: HUY ĐẠT

Việc Đà Nẵng tính toán cho phép đội ngũ shipper hoạt động cũng là một giải pháp để giảm áp lực các tổ Covid-19 cộng đồng, góp phần giúp hàng hóa phân phối đến tận tay người dân được nhanh chóng hơn. Dự kiến, từ 6 giờ ngày mai (23.8), khoảng 1.000 shipper sau khi được ngành kiểm tra đầy đủ các điều kiện sẽ được cấp thẻ nhận diện tham gia giao thông, tham gia giao nhận hàng thiết yếu.
Trong 10 ngày “ai ở đâu, thì ở đó”, bên cạnh trợ cấp theo quy định cho các hộ trong vùng phong tỏa cứng, Đà Nẵng cũng đã hỗ trợ tận tay cho hơn 50 ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách mỗi hộ 500 ngàn đồng để mua thực phẩm thiết yếu, yên tâm ở nhà chống dịch. Ông Nguyễn Đăng Hoàng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng, cho biết, đang ưu tiên phát tiền tận tay cho người dân để kịp mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Tiền mặt người dân được nhận là 500.000 mỗi hộ, và phải đảm bảo trao đến tay người dân trước 8 giờ ngày 23.8.

Để người dân trong khu vực phong tỏa tại Q.Sơn Trà có tiền mặt chi tiêu, cán bộ cơ sở đang chuẩn bị chi tiền hỗ trợ đợt 3 (mỗi khẩu 200.000 đồng/5 ngày)

Ảnh: HOÀNG SƠN

Riêng Q.Sơn Trà, nơi có nhiều vùng phong tỏa cứng trong gần 1 tháng qua đã nhận và cung ứng hàng ngàn đơn hàng mỗi ngày của người dân; duy trì hoạt động các điểm cung ứng lương thực thực phẩm, chợ tạm để cung cấp thực phẩm cho nhân dân các phường. Từ thời điểm phong tỏa đầu tháng 8 đến nay, quận này đã tiếp nhận nhiều sự hỗ trợ, nhu yếu phẩm và đã cấp phát hỗ trợ các phường, đến tay người dân.

Bài toán giữa an toàn và an sinh cho người dân

Tối 21.8, trong buổi giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đã có những chia sẻ thẳng thắn khi quyết định kéo dài việc phong tỏa TP thêm 3 ngày nữa (tính từ 23.8). Theo ông Chinh, việc kéo dài thực hiện thêm 3 ngày là việc “cân nhắc rất khó khăn”. TP đã có biện pháp hỗ trợ người dân, đáp ứng nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho 3 ngày gia hạn. Ông Chinh cũng đánh giá vấn đề lương thực, thực phẩm mà Đà Nẵng chuẩn bị trong bối cảnh như hiện này “là một sự chuẩn bị tương đối chu đáo”.

Tổ Covid-19 khẩn trương chở hàng rau củ trợ cấp về cấp phát cho người dân ngày Đà Nẵng phong tỏa

Ảnh: HUY ĐẠT

“Sau ngày 26.8 sẽ là gì? Đó là bài toán còn khó. Mục tiêu chúng ta là tính mạng người dân là trên hết, trước hết. Đó là điều hoàn toàn đúng. Nhưng để tính mạng người dân là trên hết thì cần phải có ăn, uống chứ không phải chỉ ở trong nhà là an toàn. Có nhiều khía cạnh, cộng đồng doanh nghiệp sẽ như thế nào? Chúng ta phải giải quyết một thời gian chứ không phải kéo dài mãi được. Đây là bài toán giữa tính mạng, sức khỏe người dân nhưng cũng là sự ổn định, an sinh cho cả TP này, của cộng đồng doanh nghiệp…. Cái cuối cùng nhân dân được là gì? TP ổn định như thế nào? Đó là một bài toán lớn!”, ông Chinh chia sẻ.
Trong cuộc giao ban tối 21.8, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng yêu cầu, các địa phương đảm bảo phục vụ nhu cầu lương thực, thực phẩm của nhân dân. Đáng chú ý, ông Quảng cho hay, lãnh đạo TP đã thông qua chủ trương gói hỗ trợ cho 150.000 hộ dân với trị giá gần 100 tỉ đồng để đảm bảo đời sống cho người dân trong giai đoạn Đà Nẵng phong tỏa tiếp theo. “Tôi đề nghị TP triển khai việc này. Các địa phương nhanh chóng thực hiện hỗ trợ để đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân”, ông Quảng nhấn mạnh.
Hoàng Sơn
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.