Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chiều qua (25.7), ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng, báo cáo từ khi triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (đề án 922) năm 2004 đến nay, TP đã chi kinh phí hơn 680 tỉ đồng đào tạo 616 học viên.
tin liên quan
Có nên 'giải thoát' cho nhân tài?Đề án đã bổ sung nguồn lực cán bộ, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý, bổ nhiệm khoảng 66 học viên vào cấp phó giám đốc và trưởng, phó phòng. Theo đánh giá, nhiều học viên thuộc đề án làm việc rất tốt nên cần phương án “giữ chân”.
Đáng chú ý, ông Chiến cho rằng với những học viên không thích nghi với môi trường làm việc, không tâm huyết với TP thì cần nghiên cứu chính sách “mở cửa” cho học viên ra đi. Bởi học viên làm việc cầm chừng cho hết thời gian hợp đồng với TP sẽ gây lãng phí nhân lực. Cụ thể, TP đã xây dựng một đề án hỗ trợ nguồn nhân lực cho khu vực tư, trong đó có đề xuất cho các học viên từ khu vực công ra khu vực tư. Tuy nhiên, đề án khi ban hành được đánh giá chưa làm kỹ. Nhiều người lo ngại ban đầu đào tạo cho khu vực công nhưng lại chuyển cho khu vực tư thì “dính” đến ngân sách.
“Mở ra thì sợ các em ra nhiều quá nên Chủ tịch UBND TP kết luận trong từng trường hợp sẽ xem xét. UBND TP cho phép Sở Nội vụ TP nghiên cứu thực hiện chủ trương này. Nếu cho học viên ra thì cách bồi hoàn thế nào, thời gian trong bao lâu…”, ông Chiến nói.
Ông Trương Quang Nghĩa cho rằng nếu học viên khối nhà nước muốn sang khu vực tư nhưng không được giải quyết là “sự lãng phí cho xã hội”.
Ông Nghĩa yêu cầu Sở Nội vụ TP cần mạnh dạn nghiên cứu việc thu hút cán bộ vị trí chủ chốt như trưởng ban quản lý, giám đốc sở khi cần nhân sự đột phá vào các lĩnh vực.
Bình luận (0)