Đà Nẵng vừa quyết tâm xử lý các ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, chồng chéo, làm lãng phí thời gian.
Minh họa: DAD
|
Chồng chéo
Ông Hồ Đắc Thắng, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, lấy ví dụ, chính ông làm Trưởng ban Chỉ đạo (BCĐ) phong trào xây dựng đời sống văn hóa, còn Chủ tịch Mặt trận làm Phó ban. Nhưng, bên Mặt trận cũng có BCĐ cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư mà cả ông và Chủ tịch Mặt trận đều tham gia ở vị trí trưởng, phó ban.
“Phong trào và cuộc vận động chức năng nhiệm vụ như nhau, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa như nhau; ngoài ra BCĐ công tác dân số, BCĐ chăm sóc sức khỏe nhân dân thì cũng na ná như nhau nên gộp chung lại một BCĐ thôi”, ông Thắng nói.
|
Bà Nguyễn Thị Thu, Phó chủ tịch UBND P.Thạch Thang, Q.Hải Châu, thừa nhận hiện nay BCĐ quá nhiều, thành phố có BCĐ, quận, phường cũng có nhưng thực ra chức năng như nhau và những con người trong BCĐ cũng như nhau, nhất là các mảng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa.
“Bên giáo dục có hội đồng giáo dục 5 năm thành lập 1 lần, rồi để đó chứ chức năng nhiệm vụ xã, phường thì đâu định hướng nhiều cho giáo dục được đâu. Vừa rồi thành lập thêm 1 ban quản lý các trung tâm văn hóa thể thao, theo tôi nên tập trung đầu mối lại một ban thôi”, bà Thu phân tích.
Theo bà Thu, với mảng phòng chống tệ nạn xã hội và thanh thiếu niên hư hỏng cũng rất lộn xộn. Công an cũng thành lập tổ phòng chống riêng, ủy ban có BCĐ riêng, y tế cũng có BCĐ phòng chống HIV/ AIDS riêng.
Một phó chủ tịch phường tham gia gần 20 BCĐ!
Ý kiến của ông Thắng, bà Thu cũng là “nỗi khổ” chung của những phó chủ tịch phường phụ trách văn xã, vì họ là những người “bị” tham gia nhiều BCĐ nhất. Chúng tôi đã hỏi nhiều lãnh đạo địa phương thì các vị không thể nhớ và trả lời được ngay họ đang tham gia bao nhiêu BCĐ, ai cũng cho rằng phải nhẩm tính lại thì mới chính xác con số được!
“Trung bình một phó chủ tịch văn xã phường tham gia gần 20 BCĐ kể cả thời vụ, cố định” - ông Hồ Đắc Thắng khẳng định. Còn bà Nguyễn Thị Thu thì cho hay bà tham gia 17 - 18 BCĐ.
Một phó chủ tịch phường khác ở Q.Hải Châu, than thở việc tham gia vào các BCĐ là bắt buộc theo quy định gây mất rất nhiều thời gian. Chẳng hạn, BCĐ phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa thì chủ tịch hoặc bí thư phường làm trưởng BCĐ nhưng bàn giao cho phó chủ tịch thường trực triển khai. Nhưng, thực tế khi họp thì kéo cả phó chủ tịch văn xã đi, rồi bên đoàn thể, mặt trận cũng có những BCĐ cơ cấu phó chủ tịch phường vào. Nếu tính mỗi BCĐ họp mỗi tháng 1 lần thôi thì cả tháng phó chủ tịch phường chỉ có đi họp mà thôi!
“Ở cấp thành phố, ví dụ ngành y tế hôm nay tổ chức sinh hoạt họp BCĐ ngành y tế, cùng thời gian, quận tổ chức họp công tác dân số cũng mời mình, cùng nhiệm vụ về y tế, nói thật đôi khi mình không thể hoàn thành nhiệm vụ cũng vì việc họp hành quá nhiều, mình không đi họp thì bị phê bình. Thời gian BCĐ đi họp nhiều quá, nên tổ chức 1 quý 1 lần thôi, chứ hễ có việc gì là họp, ví dụ sáng họp về mảng giáo dục, chiều họp trung tâm học tập cộng đồng...” - vị phó chủ tịch phường nói.
“Một người mà làm lắm BCĐ thì chồng chéo, chểnh mảng, hiệu quả công việc không cao. Có những cái lãnh đạo phải chỉ đạo thường xuyên chứ không cần phải thành lập BCĐ; thành lập BCĐ nhưng cuối cùng trách nhiệm cũng là người đứng đầu”, ông Lê Duy Du, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu nói. Tương tự, ông Hồ Đắc Thắng, Phó chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu, cho rằng nên gộp BCĐ về hết một mảng, ví dụ như an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy, HIV/AIDS thì có 1 BCĐ thôi; giáo dục, y tế mỗi mảng 1 BCĐ...
Mất thời gian, tốn kém chi phí
Theo ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, việc TP có hơn 100 BCĐ đã gây mất thời gian, tốn kém chi phí họp hành nhưng hiệu quả hoạt động thấp, không ai chịu trách nhiệm chính. "Vì vậy, Đà Nẵng sẽ có quyết định giải tán các BCĐ không hiệu quả, chồng lấn chức năng với nhau", ông Thọ nói.
Ông Võ Văn Thương, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn UBND TP.Đà Nẵng, khẳng định việc TP triển khai “dọn” bớt các BCĐ là từ chủ trương của T.Ư, cũng như căn cứ thực tế hoạt động của các BCĐ, tiến tới giảm dần các BCĐ. “Qua rà soát và báo cáo của Sở Nội vụ mới đây thì TP hiện có hơn 100 BCĐ, quá nhiều! Vừa rồi TP đã họp 1 phiên, sau đó sẽ họp phiên nữa để báo cáo Thành ủy, với quan điểm là thống nhất giảm, có những ban hợp nhất nhiều ban thành một, nhưng nhiều ban chắc chắn phải dẹp”, ông Thương khẳng định.
Sở Nội vụ TP đề xuất giải tán, sáp nhập khoảng 70 BCĐ, tương đương 70% các tổ chức phối hợp đang tồn tại, chuyển công việc các BCĐ đang nắm giữ về các sở ban ngành nhằm tập trung và phát huy trách nhiệm lãnh đạo đơn vị.
Rất đáng hoan nghênh cách làm của Đà Nẵng Ông Nguyễn Sỹ Cương (đại biểu QH tỉnh Ninh Thuận) - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của QH, nhìn nhận: “Đúng là hiện nay chúng ta có quá nhiều các BCĐ ở các cấp từ Chính phủ, bộ ngành đến địa phương khiến bộ máy cồng kềnh, tốn kém. Các BCĐ được thành lập theo hệ thống từ trên xuống dưới, tức là Chính phủ có BCĐ nào thì thông thường các địa phương cũng có những BCĐ tương tự. Thông thường các BCĐ lấy người ở các cơ quan liên quan hoặc theo dạng hợp đồng, nhưng dù thế nào thì để hoạt động cũng cần kinh phí. Do vậy việc xem xét thu gọn, sáp nhập các BCĐ để tránh chồng chéo, lãng phí mà Đà Nẵng đang quyết tâm làm theo tôi là rất đáng ủng hộ”. Ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, cũng cho rằng: “Việc bỏ bớt BCĐ như Đà Nẵng theo tôi rất đáng hoan nghênh. Thực tế, ý muốn “dọn dẹp” các BCĐ đã có khoảng 15 năm nay với chương trình tổng thể cải cách hành chính. Trên thực tế, BCĐ là một cơ cấu dư thừa, không phù hợp. Cơ cấu này làm suy giảm hiệu quả và trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, cơ quan quản lý. Việc xóa bỏ bớt các BCĐ theo tôi sẽ không làm ảnh hưởng gì nhiều đến sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Phải nói thẳng rằng các BCĐ làm việc chủ yếu thông qua họp hành là không được, thường họp xong thì không ai làm cả”. Trường Sơn |
TP.HCM cũng rà soát, bãi bỏ Tại TP.HCM, tình trạng quá nhiều BCĐ cũng làm khổ cán bộ, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Các phường ở Q.2 đều có đến khoảng 20 BCĐ (vì người nghèo, phòng chống dịch bệnh, tội phạm, ma túy, phòng chống lụt bão, phòng chống dịch cúm gia cầm, an toàn giao thông, công tác gia đình, chống mù chữ...). Ngoài ra tại cấp phường còn có nhiều BCĐ, tổ công tác khác theo yêu cầu, nhiệm vụ của quận, như hội đồng xác định mức độ khuyết tật, BCĐ tổng kiểm kê đất đai, thực hiện cải cách hành chính... Tại Q.Phú Nhuận, một chủ tịch UBND phường kiêm khoảng 14 BCĐ; tại Q.Bình Thạnh kiêm khoảng 20 BCĐ. Riêng các phó chủ tịch UBND phường làm trưởng ban của 7 - 10 BCĐ... Trao đổi với PV Thanh Niên, Phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM Lê Hoài Trung cho biết ở TP hiện nay có hàng trăm BCĐ. Theo ông Trung, các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện nay đều có người đứng đầu. Do đó, nhiệm vụ thường xuyên liên quan đến ban ngành, đơn vị nào, thì cán bộ, công chức ban ngành, đơn vị đó phải lo làm. Nếu cái gì cũng lập thêm BCĐ thì không phát huy được vai trò, trách nhiệm người đứng đầu, có thể dẫn đến tình trạng người đứng đầu, cán bộ, công chức chủ quan, lơi lỏng trong thực thi nhiệm vụ vì cứ ỷ lại vào các BCĐ. “Chỉ nên để tồn tại những BCĐ quan trọng, có phạm vi cần liên kết, phối hợp giữa nhiều ngành, nhiều cấp để giải quyết một vấn đề chung, chẳng hạn như BCĐ cải cách hành chính, xây dựng nông thôn mới... Đối với những nhiệm vụ thường xuyên thì thủ trưởng từng cơ quan, đơn vị phải lo làm và phải chịu trách nhiệm”, ông Trung nói và cho biết hiện Sở Nội vụ đang rà soát để tham mưu UBND TP bãi bỏ các BCĐ không cần thiết. Đình Phú |
Bình luận (0)