Trong khi UBND TP.HCM đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tạo đột phá cải cách hành chính, thì nhiều website của các quận, huyện, sở ngành lại rất “nguội lạnh”.
Phần trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp trên website của Sở Tư pháp đều bỏ trống phần trả lời - Ảnh: Chụp từ màn hình máy tính
|
TP.HCM hiện có 24 website quận, huyện; hơn 30 website sở ngành... Theo khảo sát của PV Thanh Niên đến ngày 28.3, trên các website này, thông tin về hoạt động của lãnh đạo đơn vị được cập nhật nhiều. Trong khi đó, nhiều nội dung liên quan đến người dân, doanh nghiệp như cập nhật thủ tục hành chính, văn bản pháp luật, công khai ngân sách, văn bản chỉ đạo điều hành... thì tải lên dường như “cho có”, hầu hết là văn bản của những năm trước.
Công khai... nhỏ giọt
Tại website của UBND H.Cần Giờ, mục công khai ngân sách chỉ duy nhất công khai dự toán thu chi ngân sách năm 2007 của 6 xã và 1 thị trấn thuộc huyện. Mục ý kiến xử lý, phản hồi yêu cầu của tổ chức - cá nhân rất sơ sài, chỉ đăng 2 tin: Trả lời cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 (ngày 11.11.2013) và Trả lời cử tri trước kỳ họp 12 HĐND TP khóa 8 (ngày 8.12.2013). Mục ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị cũng chỉ có 4 tin đăng trong hai năm 2013 - 2014, trong đó tin mới nhất đăng ngày 25.2.2014.
Tương tự, tại website của UBND H.Nhà Bè, mục công khai ngân sách chỉ cập nhật từ 2007 - 2011. Mục thông cáo báo chí giới thiệu người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí vẫn để tên Chủ tịch UBND huyện là bà Nguyễn Thị Thu, trong khi thực tế bà Thu đã được luân chuyển về làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM từ năm 2013.
Website của UBND H.Nhà Bè vẫn để bà Nguyễn Thị Thu là người phát ngôn |
Tại website của UBND H.Hóc Môn, mục thông tin báo chí thì không hề có bất kỳ thông tin nào. Mục văn bản pháp luật có tổng cộng 9 văn bản, đăng từ 2010 - 2013. Phần Hỏi - đáp tài liệu pháp luật thì chỉ cập nhật thông tin trong năm 2011... Tương tự, website UBND H.Bình Chánh cập nhật lịch làm việc và tiếp công dân của lãnh đạo huyện chỉ công bố đến ngày 13.10.2014. Website UBND Q.Thủ Đức chỉ có 1 thông tin chỉ đạo điều hành từ ngày 11.1.2014...
Cả năm không thấy hồi âm
Theo yêu cầu bắt buộc của UBND TP, trên mỗi website quận, huyện, sở ngành phải có mục “hỏi - đáp” để người dân hỏi và chính quyền trả lời các kiến nghị, thắc mắc về thủ tục hành chính, thông tin quy hoạch, nhà đất...
Trong khi đó, tại website của UBND H.Bình Chánh, mục “hỏi - đáp” có một người dân hỏi từ tháng 8.2014 về việc đường Phạm Hùng đi qua địa bàn H.Bình Chánh chừng nào khởi công lại, nhưng phần trả lời để trống từ đó đến nay. Trước đó, tháng 6.2014, ông Nguyễn Văn Ngọt ngụ xã Hưng Long (H.Bình Chánh) hỏi về vấn đề nhà đất nhưng cũng không thấy phản hồi. Ngày 24.3, trao đổi với Thanh Niên, ông Ngọt cho biết: “Tôi ngày nào cũng bận công việc không đi lại được nhiều, thấy có chức năng hỏi - đáp trên website nên hỏi. Tôi nghĩ là sẽ được trả lời nhưng không thấy huyện trả lời gì cả”.
Ông Nguyễn Văn Xuân ngụ P.12 (Q.8) từ năm 2013 gửi đến website của UBND H.Bình Chánh nội dung: “Tôi có mua 1 lô đất 82,3 m2 (đất trồng cây lâu năm) ở xã Quy Đức. Nay tôi có nhu cầu muốn xây dựng nhà ở thì thủ tục xin phép ra sao?” nhưng đến nay vẫn “chưa thấy hồi âm gì hết”.
Tại website của Sở Tư pháp, mục hỏi - đáp dành cho DN có 9 câu hỏi nhưng phần trả lời cũng để trống. Năm 2013, chị N.T.B.A ngụ Q.1 hỏi thủ tục (chi phí, thời gian, hồ sơ...) làm giấy phép kinh doanh loại hình doanh nghiệp TNHH 100% vốn nước ngoài, nhưng chị cho biết: “Do chờ đợi mãi không nhận được câu trả lời nên sau đó phải đi thuê dịch vụ làm”.
Phải kỷ luật người đứng đầu
Theo một lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP, từ năm 2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định 43 quy định về cung cấp thông tin, dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Ông Lê Hoài Trung, Phó giám đốc Sở Nội vụ (thường trực Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của TP), khẳng định các website nguội lạnh là một hạn chế, bất cập đối với yêu cầu cải cách hành chính, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị đã không quan tâm đúng mức.
Đại biểu HĐND TP.HCM Lâm Thiếu Quân thẳng thắn: “Nếu có sự quan tâm, sát sao đôn đốc của người đứng đầu đơn vị thì việc cung cấp thông tin cho người dân, doanh nghiệp trên các website sẽ không bị nguội lạnh như thế. Đây là một biểu hiện của sự quan liêu, lãng phí, thể hiện sự bề trên đối với dân vì sử dụng ngân sách để tạo ra công cụ quản lý nhưng không thực sự hướng đến tiện ích, yêu cầu thông tin chính đáng của người dân, doanh nghiệp”.
Cũng theo khảo sát của Thanh Niên, trong số 24 quận, huyện trên địa bàn TP.HCM, chỉ có website của UBND Q.1 cung cấp đầy đủ hướng dẫn thủ tục cấp các loại giấy phép; dịch vụ công trực tuyến về đăng ký lao động, đăng ký kinh doanh, cấp bản sao hộ tịch, tra cứu thông tin hồ sơ, đăng ký mua hóa đơn. Website của Sở KH-ĐT áp dụng thành công mô hình đăng ký thành lập công ty TNHH một thành viên, công ty TNHH hai thành viên, DNTN, địa điểm kinh doanh, chi nhánh văn phòng qua mạng... |
Bình luận (0)