Ngày 5.8, Bộ Quốc phòng đã hoàn thành lắp đặt labo xét nghiệm Covid-19 tại Bệnh viện (BV) Quân y 17 với công suất 400 mẫu/ngày và có thể tăng lên 1.000 mẫu/ngày, với trang thiết bị hiện đại. Trong đó, có xe labo vốn được dùng trong giám sát và chẩn đoán của Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, cùng các khu kỹ thuật xét nghiệm Covid-19. Bộ Quốc phòng cũng đưa các chuyên gia y tế thuộc BV Y học dự phòng quân đội vào hỗ trợ TP.Đà Nẵng, nhất là nhiệm vụ xét nghiệm người dân trên diện rộng toàn TP.
Bộ Công an cũng hoàn thành labo xét nghiệm tại Bệnh viện 199 (Q.Sơn Trà, Đà Nẵng). Như vậy, hiện địa bàn TP.Đà Nẵng có 5 đơn vị xét nghiệm Covid-19: Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng, BV Đà Nẵng, BV Phổi, BV Quân y 17, BV 199.
Nhu cầu xét nghiệm tăng cao
Từ chiều qua 5.8, lực lượng lấy mẫu của CDC Đà Nẵng đã khởi động việc lấy mẫu theo nhóm ở một số khu vực cộng đồng, khu dân cư có số lượng mẫu xét nghiệm lớn để áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm. Tuy nhiên, địa chỉ cụ thể các khu vực này chưa được cơ quan chuyên môn công bố.
Tiếp tục chi viện y bác sĩ đến Đà Nẵng
|
Theo CDC Đà Nẵng, khâu chủ trì lấy mẫu, khoanh vùng lấy mẫu do chính CDC chủ trì; các mẫu lấy về sẽ được phân bổ đến các cơ sở xét nghiệm tại Đà Nẵng.
Việc Đà Nẵng thống nhất áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm đối với một số khu vực cộng đồng dân cư có số lượng mẫu xét nghiệm lớn cho thấy nhu cầu thực tế xét nghiệm của vùng tâm dịch Covid-19 rất cao.
Tính từ ngày 25.7 - 5.8, TP.Đà Nẵng giám sát, cách ly và xác định được 8.656 đối tượng F1, 6.512 đối tượng F2 và thực tế đang cách ly 4.241 F1 tại các cơ sở y tế, 4.315 F1 tại khu cách ly tập trung, 100 F1 tại nhà. Một cán bộ CDC Đà Nẵng cho biết với số lượng ca nhiễm mới phát hiện mỗi ngày lên đến hàng chục trường hợp, thì việc truy vết các nhóm 5 đối tượng ưu tiên (Thanh Niên đã thông tin) như người tiếp xúc trực tiếp, nhân viên y tế, người có bệnh nền, có vấn đề sức khỏe như sốt, ho, khó thở, người dân trong các khu dân cư, nơi cư trú... phải thực hiện trong suốt 14 ngày liên tiếp, theo quy định mới của CDC Đà Nẵng. Như vậy, riêng con số truy vết dịch tễ trong nhóm 5 đối tượng ưu tiên xét nghiệm Covid-19 sẽ lên đến cả chục ngàn ca mỗi ngày.
Áp lực kiểm soát dịch
Covid-19 cũng đã “lan” ra khu vực ngoại thành, khi xuất hiện dịch bệnh tại thôn Lệ Sơn Nam, xã Hòa Tiến (H.Hòa Vang) và đây là khu vực ngoại thành đầu tiên tại Đà Nẵng bị phong tỏa, do ghi nhận 7 ca dương tính với Covid-19. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Đà Nẵng đã gấp rút lấy mẫu toàn bộ gần 1.700 người (gồm 1.600 nhân khẩu của thôn, còn lại là cán bộ địa phương làm nhiệm vụ phòng chống dịch).
|
Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm
Theo ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, với xét nghiệm nhóm, ngành y tế sẽ lấy dịch ở hầu họng của từng người trong một gia đình, sau đó cho vào một ống xét nghiệm để cho ra kết quả. Nhiều mẫu bỏ vào ống xét nghiệm để xét nghiệm gộp nhằm cho ra kết quả nhanh hơn rất nhiều so với xét nghiệm từng mẫu, tăng tốc độ xét nghiệm. “Cụ thể, nếu mẫu gộp dương tính với Covid-19 thì sẽ làm tiếp đợt 2 để tìm ra cá thể dương tính. Việc này sẽ cho ra kết quả nhanh và tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều. Việc áp dụng phương pháp xét nghiệm nhóm, một số nước đã áp dụng để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm”, ông Thơ nói.
Quảng Nam chưa tính “xét nghiệm nhóm”
|
Bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng, cũng nhìn nhận việc Đà Nẵng đang triển khai các hoạt động lấy mẫu xét nghiệm theo nhóm, 3 - 5 người trong gia đình, là để “tăng tốc độ xét nghiệm”. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu của cả nhóm cùng một lúc rồi bỏ chung vào 1 ống, kết quả xét nghiệm vẫn đảm bảo. Không lấy 5 ống trộn vào với nhau, vì như vậy sẽ gây tăng thể tích, nồng độ giảm có thể dẫn đến kết quả âm tính giả…
|
Kỳ vọng “khoanh vùng diện rộng”
Theo một chuyên gia y tế dự phòng tại Đà Nẵng, việc xét nghiệm nhóm tại Đà Nẵng được xem là phù hợp so với cấp độ dịch hiện tại ở địa bàn, nhằm hạn chế, khoanh vùng dịch. Vị này cho biết, nếu các nước xét nghiệm nhóm 10 thì Đà Nẵng đang thực hiện theo nhóm 4 - 5 có liên quan dịch tễ, nếu nhóm 6 trở lên thì phải chia nhỏ ra. Cụ thể, 1 ống dung tích mồi 2 ml để làm xét nghiệm Realtime PCR từ mẫu dịch họng, thì sẽ có 4 - 5 mẫu thuộc nhóm liên quan
(ví dụ yếu tố gia đình, nhóm người thân) sẽ đưa vào 1 ống. Khi đó, nồng độ vi rút vẫn đảm bảo xét nghiệm, không bị loãng hơn, vẫn đọc trong ngưỡng dung dịch mồi gói gọn là 2 ml.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP.Đà Nẵng, cho biết về mặt kỹ thuật, sẽ dồn nhóm mẫu lại xét nghiệm theo nhóm để khoanh vùng trên diện rộng. Cơ quan chuyên môn của Đà Nẵng đã phối hợp với các viện, các chuyên gia đầu ngành của VN nâng cấp năng lực xét nghiệm một cách nhanh nhất cho Đà Nẵng bằng những kỹ thuật xử lý xét nghiệm mới, cho kết quả tối ưu để đáp ứng khoanh vùng diện rộng.
“CDC Đà Nẵng chịu trách nhiệm về mặt kỹ thuật xét nghiệm và chất lượng xét nghiệm cho kết quả chính xác nhất khi nâng năng lực xét nghiệm lên 20.000 - 30.000 mẫu/ngày”, bà Yến cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hiện có 2 loại xét nghiệm là xét nghiệm có thể phát hiện ra vi rút và xét nghiệm tính kháng thể trong máu của người được xét nghiệm. Đối với TP.Đà Nẵng, do bệnh dịch lây nhiễm tương đối lâu trong cộng đồng nên cả 2 loại xét nghiệm này đang rất cần thiết để tìm ra người mang kháng thể. Bên cạnh đó, đang còn những bệnh nhân có nguy cơ là bệnh nhân mới, bệnh nhân tiềm tàng, qua đó phải sử dụng xét nghiệm Realtime PCR để xác định.
“Chúng tôi đã có thử nghiệm, khi chúng ta gộp và test đơn lẻ thì kết quả không có nhiều khác biệt, chỉ có sự khác biệt về thời gian”, PGS-TS Lê Thị Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, khẳng định và cho rằng: “Với Đà Nẵng phải tùy từng đối tượng để lấy mẫu. Ở cộng đồng thì có thể áp dụng, nhưng với các bệnh nhân nghi ngờ, cần thiết phải cách ly thì không nên. Khi đã làm ra quy trình thì phải chia rõ ràng đối tượng”.
Bình luận (0)