Đại án 'đất vàng' Q.1, TP.HCM: 'Các bị cáo đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội'

Vũ Hân
Vũ Hân
26/04/2021 15:58 GMT+7

Đại diện Viện kiểm sát cho rằng, các bị cáo Vũ Huy Hoàng , Nguyễn Hữu Tín.. "đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội"; và "những lời luật sư bào chữa là những lời nguy biện để chối bỏ hành vi sai trái”.

Sáng 26.4, phiên xét xử cựu Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và 9 bị cáo khác trong vụ biến lô "đất vàng" 6.000 m2 2-4-6 Hai Bà Trưng (Q.1, TP.HCM) từ tài sản nhà nước sang tài sản tư nhân tiếp tục với phần tranh tụng của luật sư và đại diện Viện kiểm sát.
3 kiểm sát viên đại diện cho Viện kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội (VKS) giữ quyền công tố tại phiên tòa đã thay nhau đối đáp với quan điểm của các luật sư trong hơn 2 tiếng đồng hồ.
Các phóng viên không được nghe 49 phút đầu đối đáp của VKS, vì tín hiệu tại phòng báo chí bị trục trặc.
Đại diện VKS nhấn mạnh, bị cáo Nguyễn Hữu Tín, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM, bị truy tố quanh 2 hành vi chính là ký Công văn 2493 chấp nhận cho Sabeco Pearl làm chủ đầu tư dự án; và ký Công văn 3186 cho Sabeco Pearl thuê hơn 6000 m2 đất 2-4-6 Hai Bà Trưng với thời gian 50 năm.
Để ký được văn bản này, bị cáo Tín phải có tham mưu của Sở TN-MT, Sở KH-ĐT và Văn phòng UBND TP.HCM.
Quá trình điều tra, đại diện VKS cho rằng, bị cáo Tín “đã rất dũng cảm thừa nhận hành vi của mình, thừa nhận sai phạm”, nhưng các luật sư vẫn bày tỏ băn khoăn về tội danh và mức hình phạt bị cáo được đề nghị (5 - 6 năm tù), trong khi các bị cáo cấp dưới được đề nghị mức 2 - 3 năm tù và 3 - 4 năm tù.
Theo VKS, đáng lẽ khi Sabeco không có tiền thực hiện dự án (phải nộp tiền sử dụng đất hơn 1.000 tỉ đồng) thì UBND TP.HCM phải thu hồi dự án, sau đó đấu giá, chứ không phải tiến hành các thủ tục để chuyển quyền chủ đầu tư, sau đó là quyền sử dụng đất sang cho Sabeco Pearl (đối tác mà Sabeco góp vốn để thực hiện dự án văn phòng tại lô đất này, rồi thoái vốn khi Sabeco Pearl đã được giao sử dụng lô đất trong 50 năm).
Nhóm bị cáo tại Sở KH-ĐT đã cố ý làm trái khi tự ý thay đổi đề nghị công nhận chủ đầu tư cho Sabeco Pearl, dù bị cáo Nguyễn Hữu Tín có chỉ đạo phải lấy ý kiến các sở, ngành liên quan.
Nhóm bị cáo tại Sở TN-MT, Văn phòng UBND TP.HCM cho rằng mình chỉ có trách nhiệm tham mưu, còn chủ trương là do bị cáo Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo xuống, cũng được đại diện VKS nhận định là “ngụy biện”.
“Nếu văn phòng chỉ cần tổng hợp, không cần kiểm tra, thẩm định, thì chỉ cần lấy học sinh lớp 12, đào tạo 1 khóa tin học văn phòng, chứ không phải phấn đấu cả đời để được làm trưởng phòng rồi phó chánh văn phòng, phải học qua trường nọ trường kia, phải qua lớp bồi dưỡng này bồi dưỡng khác làm gì”, đại diện VKS nêu quan điểm, và dẫn căn cứ là quy chế làm việc nội bộ của UBND TP.HCM yêu cầu các cán bộ đều phải có ý kiến thẩm định độc lập.
Tương tự, đại diện VKS cũng dẫn Thông tư liên tịch số 50 giữa Bộ Nội vụ và Bộ TN-MT, cho rằng trách nhiệm của Sở này là “thẩm định tính pháp lý của việc giao đất cho thuê đất, chứ không phải cứ trên bảo là dưới làm”.
“Nếu thế, thì chỉ cần mình bị cáo Nguyễn Hữu Tín và một đám học sinh cấp 3 là thực hiện được hết trách nhiệm của Sở TN-MT và UBND thành phố, không cần các tiêu chuẩn về công chức, viên chức, cũng không cần ngân sách để trả phụ cấp chức vụ cho các bị cáo”, đại diện VKS nói, và nhấn mạnh mỗi người đều làm với trách nhiệm và quyền của mình, một số bị cáo và luật sư cho rằng vì bị cáo Nguyễn Hữu Tín chỉ đạo xuống nên các bị cáo bắt buộc phải làm là không đúng.
Cũng theo đại diện VKS, thiệt hại của vụ án này là quyền sử dụng đất được giao trái pháp luật, và VKS đã kiến nghị tòa tuyên hủy bỏ quyết định giao đất, nên hậu quả đã được khắc phục, không yêu cầu các bị cáo bồi thường.

"Các bị cáo đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội"

Về việc tại sao cáo trạng quy kết bị cáo Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công thương, có vai trò chính, thực hiện xuyên suốt trong quá trình chuyển lô đất từ quyền quản lý của nhà nước sang tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại, đại diện VKS cho rằng, với tư cách thành viên Chính phủ, bị cáo Vũ Huy Hoàng nhận thức rất rõ các Nghị quyết 94 (2011) và 26 (2012) của Chính phủ không cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành.
Năm 2011, khi Sabeco không bố trí được hơn 1.000 tỉ đồng để thực hiện dự án, Bộ Công thương (cụ thể là cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, hiện đang bỏ trốn), lại có văn bản yêu cầu Sabeco tìm đối tác để liên doanh thực hiện dự án. Bị cáo Vũ Huy Hoàng có bút tích yêu cầu Sabeco báo cáo đối tác lên để Bộ Công thương quyết định.
“Sabeco có giới thiệu doanh nghiệp nọ, doanh nghiệp kia, nhưng việc lựa chọn là của Bộ. Nội dung này có bút tích của bị cáo Vũ Huy Hoàng để lại trong hồ sơ vụ án. Đây thể hiện việc chỉ đạo trực tiếp, thậm chí quyết định, ép buộc cấp dưới thực hiện ý chí của mình”, VKS cáo buộc.
Hành vi tiếp theo của bị cáo Vũ Huy Hoàng mang tính chất quyết định là duyệt giá thoái vốn khỏi Sabeco Pearl thấp hơn giá thực tế. Bị cáo Hoàng chủ trì cuộc họp quyết định giá sàn để thoái vốn là 13.247 đồng/cổ phiếu khi chỉ còn 10 ngày nữa là bị cáo nghỉ hưu, trong khi mức giá được Hội đồng thẩm định T.Ư đánh giá là 31.000 đồng/cổ phiếu.
“Bị cáo có vai trò xuyên suốt từ khi yêu cầu góp vốn, buộc Sabeco phải tìm nhà đầu tư mới, dù Sabeco Land đã giải thể vì không có tiền; rồi sau khi thực hiện các thủ tục chuyển quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl xong là yêu cầu thoái vốn bằng Văn bản 1450. Đây rõ ràng là hành vi chỉ đạo trực tiếp chứ không có gì gián tiếp cả, có bút tích hẳn hoi”, theo đại diện VKS.
“Nếu ai có đọc tác phẩm Sherlock Holmes của nhà văn Conan Doyles ở miền Nam nước Anh, thì sẽ thấy, các bị cáo đã để lại những dấu vết không thể chối cãi, như cái tàn thuốc lá, các dấu chân, các vệt bánh xe. Các bị cáo đã để lại dấu chân trên con đường phạm tội. Những lời luật sư bào chữa cho các bị cáo là những lời nguy biện để chối bỏ hành vi sai trái”, đại diện VKS ví von, đồng thời khẳng định, VKS đã truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Phản bác lại quan điểm của VKS, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (bào chữa cho bị cáo Vũ Huy Hoàng) một lần nữa cho rằng, sau hơn 2 tiếng đồng hồ, VKS vẫn không “tranh luận” mà chỉ “chắt lọc lại cáo trạng”.
Luật sư cho rằng, 4 nội dung ông đưa ra để đặt câu hỏi về vai trò của bị cáo Vũ Huy Hoàng đều không được giải đáp, như căn cứ nào để cho thấy ông Vũ Huy Hoàng chỉ đạo cấp dưới dùng quyền sử dụng đất góp vốn? Rồi việc thoái vốn được thực hiện khi ông Hoàng đã nghỉ hưu; hậu quả thiệt hại 2.700 tỉ đồng dựa trên chỉ tiêu quy hoạch là có căn hộ ở và cho thuê, mà ban đầu không có; việc chuyển từ người nộp tiền, người đứng tên sổ đỏ là Sabeco sang Sabeco Pearl thì ông Hoàng không được biết, nên luật sư Thiệp cho rằng, cần xem lại việc ông Hoàng là đầu vụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.