Chiều 12.4, HĐXX TAND TP.Hà Nội đã tiến hành thẩm vấn đối với các bị cáo trong vụ án gây thất thoát 830 tỉ đồng tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO).
Là người đầu tiên được HĐXX gọi xét hỏi, bị cáo Trần Trọng Mừng, cựu Tổng giám đốc TISCO, bày tỏ quan điểm không đồng tình khi cáo trạng cáo buộc bị cáo giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu trong vụ án, đồng thời đề nghị tòa xem xét lại tội danh “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
“Tôi thấy trong cáo trạng có những nội dung liên quan đến tôi không chính xác, nói tôi tổ chức thực hiện việc ký kết điều chỉnh hợp đồng, nhưng khi đó tôi đã nghỉ hưu rồi nên cần phải xem xét lại”, bị cáo Mừng nêu.
Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định, bị cáo Trần Trọng Mừng với nhiệm vụ quyền hạn là Tổng giám đốc TISCO (chủ đầu tư dự án), chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả dự án, khi nhà thầu vi phạm hợp đồng thì phải thực hiện việc xem xét dừng, chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng, báo cáo người có thẩm quyền xem xét hủy đấu thầu, đấu thầu lại theo quy định để đảm bảo hiệu quả cho dự án.
Tuy nhiên, bị cáo đã không thực hiện mà chỉ đạo đàm phán với nhà thầu tách phần C ra khỏi hợp đồng EPC; ký các văn bản báo cáo Tổng công ty thép Việt Nam (VNS) và Bộ Công thương xin đề nghị điều chỉnh giá đối với phần C của hợp đồng; giới thiệu và chấp thuận nhà thầu phụ là VINAINCON không đủ năng lực để thực hiện phần C, không có cơ sở pháp lý.
“Hành vi sai phạm của Trần Trọng Mừng là nguyên nhân chính dẫn đến TISCO không kiểm soát được chi phí đầu tư; không buộc được trách nhiệm nhà thầu về tiến độ, giá trị hợp đồng, làm dự án phải tạm dừng thi công, gây thất thoát đặc biệt nghiêm trọng tài sản nhà nước, với vai trò chính, chỉ đạo và tổ chức thực hiện hành vi phạm tội", cáo trạng nêu.
Khai báo tại tòa, bị cáo Trần Trọng Mừng cho biết bản thân nhận thức rõ về hợp đồng EPC số 01 của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 mà TISCO đã ký với nhà thầu Tập đoàn khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Đây là dạng hợp đồng trọn gói, không thay đổi. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi phát hiện MCC có một số vi phạm như chậm tiến độ, TISCO đã nhắc nhở, đốc thúc, đồng thời có báo cáo về chậm tiến độ của nhà thầu lên VNS và Bộ Công thương.
Cũng theo bị cáo Mừng, thời điểm đó, bị cáo đã ký văn bản gửi VNS chuẩn bị phương án kiện MCC ra tòa án quốc tế. Thực tế, các bên liên quan cũng ký hợp đồng pháp lý với hãng luật ở Singapore để thay mặt chủ đầu tư trao đổi với MCC nếu hợp đồng không được thực theo tiến độ hiện sẽ chấm dứt.
“Chúng tôi đã đề ra và xem xét hết sức thận trọng. Dừng hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, phạt MCC thì chúng tôi luôn nhận được sự chỉ đạo từ VNS đến Bộ Công Thương nói tìm mọi biện pháp”, bị cáo Mừng khai.
Trước câu hỏi vì sao TISCO đề nghị VNS và Bộ Công thương điều chỉnh tổng mức đầu tư khi hợp đồng là trọn gói, bị cáo Mừng cho biết đã căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư 09 của Bộ Xây dựng về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
Đáng chú ý, bị cáo Mừng cho biết, việc đề xuất tăng mức đầu tư dự án thêm 15,5 triệu USD là Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) tính toán. Mặt khác, việc TISCO đề xuất VINACOIN làm nhà thầu phụ cho dự án là do một lãnh đạo của Bộ Công thương khi đó giới thiệu.
“Đây là công ty của Bộ Công thương, thuộc quản lý của bộ, đã tham gia vào nhiều dự án lớn nên chúng tôi tin tưởng”, bị cáo Mừng khai, và cho rằng sau khi Hợp đồng EVC số 01 của dự án được tách ra và điều chỉnh về giá, thì bị cáo đã nghỉ hưu nên không nắm được nội dung cụ thể.
Bình luận (0)