Đại sứ Nguyễn Hồng Thao được bầu vào ILC là cơ hội lớn cho Việt Nam

04/11/2016 17:45 GMT+7

Việc tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế (ILC) là cơ hội lớn để Việt Nam xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia, chủ động và tích cực xử lý các vấn đề quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung về sự kiện lần đầu tiên Việt Nam có đại diện trong Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc (LHQ). Trả lời báo chí ý nghĩa của việc ứng cử thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của LHQ, ông Lê Hoài Trung cho biết :
Ủy ban Luật pháp Quốc tế (ILC) được thành lập theo Nghị quyết số 174 (II) ngày 21.11.1947 của Đại hội đồng LHQ với 34 thành viên là những người được thừa nhận có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn. Nhiệm vụ của ILC là thúc đẩy quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ pháp luật quốc tế.
Đến nay, ILC đã góp phần xây dựng được các văn bản quốc tế quan trọng, tiêu biểu là Công ước Viên về Quan hệ Ngoại giao năm 1961, Công ước Viên về luật Điều ước năm 1969; Công ước Viên về Thừa kế Quốc gia liên quan đến Điều ước năm 1996; Quy chế Rome của Tòa Hình sự Quốc tế năm 1998; và bộ Điều khoản về Trách nhiệm Quốc gia đối với Hành vi sai phạm quốc tế năm 2001…
Việt Nam quyết định ứng cử làm thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế xuất phát từ đường lối đối ngoại chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương. Đồng thời thể hiện lập trường nguyên tắc giải quyết hòa bình tranh chấp quốc tế, trên cơ sở luật pháp quốc tế, thúc đẩy pháp quyền ở cấp độ quốc tế, cũng như ủng hộ các tiến trình ngoại giao pháp lý, đề cao quá trình pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế tại ILC.
Việc tham gia Ủy ban Luật pháp quốc tế là cơ hội lớn để Việt Nam xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ chuyên gia pháp lý của mình, chủ động và tích cực xử lý các vấn đề quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế. Đây cũng là sự khích lệ đối với những người làm về luật pháp quốc tế của Việt Nam.
Việc ứng cử viên Việt Nam trở thành thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế thể hiện vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, mối quan hệ hữu nghị rộng mở của Việt Nam, ghi nhận sự đóng góp, nỗ lực tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của cộng đồng quốc tế, trong đó có lĩnh vực luật pháp quốc tế.
Xin Thứ trưởng cho biết về quá trình chuẩn bị và kết quả ứng cử của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao?
 Trong năm 2015, Bộ Ngoại giao đã xây dựng phương án lựa chọn ứng cử viên để ứng cử vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2021 theo các tiêu chí: có trình độ và năng lực trong lĩnh vực luật quốc tế cả về lý luận và thực tiễn; chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực luật quốc tế, kể cả thủ tục giải quyết tranh chấp quốc tế; có trình độ tiến sĩ, từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng, có kinh nghiệm hoạt động lâu năm trong lĩnh vực công pháp quốc tế, có công trình nghiên cứu, bài báo xuất bản bằng tiếng Anh hoặc một trong các ngôn ngữ khác của LHQ và thông thạo từ hai ngôn ngữ của LHQ trở lên.
Qua quá trình giới thiệu và lựa chọn, Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí với đề xuất của Bộ Ngoại giao đề cử tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao làm ứng cử viên của Việt Nam vào Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2021.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao hoàn thành học vị tiến sĩ Luật tại Đại học Pantheon-Sorbone (Pháp) năm 1996, với gần 40 năm kinh nghiệm công tác pháp lý và ngoại giao, hiện là Đại sứ Việt Nam tại Kuwait, từng giữ vị trí Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, tham gia nhiều đoàn đàm phán về biên giới lãnh thổ, đã xuất bản nhiều đầu sách, báo về luật pháp quốc tế. Tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao là chuyên gia về công pháp quốc tế, luật môi trường, luật biển, phân định biên giới.
Trong năm 2016, Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán Việt Nam tại các nước, các Phái đoàn Việt Nam tại New York, Geneva đã tích cực giới thiệu Đại sứ Nguyễn Hồng Thao với bạn bè quốc tế. Đặc biệt, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã làm trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên của Tổ chức tư vấn pháp lý Á-Phi (AALCO) tại Ấn Độ (tháng 5.2016), thành viên đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị quốc gia thành viên Công ước luật Biển tại New York (6.2016) và các cuộc họp của Ủy ban Pháp lý Đại hội đồng LHQ (tháng 10.2016).
Ngày 3.11.2016 vừa qua, tại khóa họp 71 của Đại hội đồng LHQ, ứng cử viên của Việt Nam, Đại sứ tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử thành viên ILC nhiệm kỳ 2017 - 2021 với 120 phiếu. Tại kỳ bầu cử này, Việt Nam ứng cử trong nhóm nước khu vực châu Á với 10 ứng cử viên cho 7 vị trí.
Kết quả bỏ phiếu ngày 3.11.2016 cho thấy, ứng cử viên Việt Nam có được sự tin tưởng của bạn bè quốc tế; cũng như thể hiện niềm tin của cộng đồng quốc tế đối với vai trò tích cực và ngày càng tăng của Việt Nam đối với quá trình pháp điển hóa, phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế nói riêng và sự tham gia của Việt Nam tại các diễn đàn đa phương LHQ nói chung.
 Xin Thứ trưởng cho biết kế hoạch sắp tới của Đại sứ Nguyễn Hồng Thao khi làm thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017 - 2021 ?
Các thành viên ILC hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho Chính phủ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao sẽ có những hỗ trợ tích cực nhằm đảm bảo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao sẽ có nhiệm kỳ thành công tại Ủy ban Luật pháp quốc tế, có đóng góp tích cực và hiệu quả vào công tác của Ủy ban này; góp phần thúc đẩy pháp điển hóa và phát triển tiến bộ luật pháp quốc tế, nhằm tăng cường pháp quyền ở cấp độ quốc tế, vì hòa bình, hợp tác, phát triển phù hợp với Hiến chương LHQ, vì lợi ích của tất cả các quốc gia thành viên LHQ, đặc biệt là các các nước đang phát triển. Bộ Ngoại giao cũng hy vọng với cương vị thành viên ILC, Đại sứ tiến sĩ Nguyễn Hồng Thao sẽ thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển ngành luật pháp quốc tế tại Việt Nam, trở thành đại diện xứng đáng cho Việt Nam tại các diễn đàn luật pháp quốc tế...
 Với việc có đại diện của mình ở ILC thì Việt Nam có thúc đẩy vấn đề cụ thể nào không thưa ông?
Tôi muốn nhắc lại một ý đã nói ở trên, đó là các thành viên ILC hoạt động với tư cách cá nhân, không đại diện cho Chính phủ. Chúng ta cần nhớ rằng một trong những yêu cầu mà các nước ủng hộ cho một ứng cử viên vào ILC là ứng viên có khả năng và cam kết trong quá trình hoạt động ở ILC sẽ thúc đẩy và vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là người đã hoạt động lâu trong lĩnh vực lập pháp quốc tế và cũng đã làm việc lâu năm ở Bộ Ngoại giao Việt Nam, nên tôi cho rằng Đại sứ am hiểu những quan tâm của chính phủ Việt Nam. Việt Nam là một nước đang phát triển thì Việt Nam càng quan tâm đến lợi ích của các nước đang phát triển. Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là ứng cử viên của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lại càng phải chú ý đến lợi ích chung của các nước trong khu vực, cũng như lợi ích của cộng đồng quốc tế. Chắc chắn những những mối quan tâm của Việt Nam phải phù hợp với quan tâm, lợi ích chung của khu vực và quốc tế mới thì mới có thể nhận được sự ủng hộ và có đóng góp tích cực.
Tôi cho rằng Chính phủ và các cơ quan của Việt Nam có thể trao đổi với Đại sứ Nguyễn Hồng Thao về những quan tâm của mình để trong quá trình làm việc Đại sự chú ý đến những quan tâm đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.