Đại tướng Lê Đức Anh một thuở 'giày' nan tre vượt cát bỏng

27/04/2019 09:01 GMT+7

Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh còn có một tên gọi khác ít người biết. Tuổi thơ của đại tướng gắn với vùng đất nghèo và trải qua bao cơ cực mưu sinh, học tập.

Cậu bé Giác sáng dạ

Trong cuốn hồi ký về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh do NXB Chính trị Quốc gia ấn hành năm 2015, ông kể rằng, do hoàn cảnh của vợ chồng người cô ruột của thân phụ đại tướng không có con, nên thân phụ ông từ nhỏ được vợ chồng bà cô ruột nhận làm con nuôi; khi đến tuổi trưởng thành, thì cưới vợ rồi lần lượt sinh anh chị em đại tướng.
Do đó mặc dù quê quán ở làng Bàn Môn, xứ Truồi, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, nhưng nơi chào đời và lớn lên của anh chị em đại tướng, là nơi gia bình bà cô của bố đại tướng ở Trường Hà, xã Vinh Phú, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là vùng đất nghèo, đất đai cằn cỗi nằm bên kia phá Tam Giang, mà sau này có cây cầu Trường Hà nổi tiếng nối đôi bờ từng một thời cách sông trở đò. Sự học của đại tướng Lê Đức Anh thuở nhỏ cũng vì thế mà hết sức gian nan.
Vùng đất Trường Hà, nơi có cầu Trường Hà bắt qua phá Tam Giang vốn gắn liền với tuổi thơ cắp sách đến trường đầy khó nhọc của đại tướng Lê Đức Anh Ảnh: ĐÌNH TOÀN
Làm lụng vất vả, ăn uống kham khổ, khoai sắn là chính, nhưng bố mẹ đại tướng Lê Đức Anh vẫn chăm lo cho các con học hành. Riêng đại tướng Lê Đức Anh được bố mẹ cho là sáng dạ, nên ưu tiên cho đi học từ nhỏ. Lên 5 tuổi, ông được học chữ Nho tại nhà. Từ 6 tuổi đến 10 tuổi, ông học chữ Quốc ngữ ở làng Dưỡng Mong và Trường An Lương Đông (xã Lộc An, huyện Phú Lộc).
“Tên ba má đặt là Lê Văn Giác. Năm đầu tiên đi học, mắt kém, lại tên là Giác, vần G thì phải ngồi ở phía sau, nên thầy giáo nói với ba má tôi đổi tên sang vần A để được ngồi lên phía trên, nhìn bảng cho rõ hơn. Ba má tôi nhất trí với thầy đổi tên Giác thành tên Anh. Và tôi mang tên Lê Đức Anh từ đó” , đại tướng Lê Đức Anh viết.
[VIDEO] Tiểu sử Nguyên Chủ tịch nước - Đại tướng Lê Đức Anh
 

“Giày” nan tre vượt cát bỏng đến trường

Năm đại tướng Lê Đức Anh lên 11 tuổi, nạn đói kém, thất học đang hoành hành các làng quê Việt Nam như một thứ “giặc nội xâm”... Để không gián đoạn việc học, cậu bé có tên mới Lê Đức Anh được bố mẹ gửi ra Nghệ An sống với gia đình người chị ruột. Bằng những bữa cơm nửa đói nửa no với củ khoai củ mì, những món “nhút” truyền thống xứ Nghệ, và sự động viên hết mực của anh chị, cậu bé Giác hôm nào cũng học được hết bậc tiểu học và quay trở lại quê nhà ở Trường Hà, Vinh Phú.
Nhà văn hóa, thư viện đại tướng Lê Đức Anh ở làng Bàn Môn - nơi khích lệ tinh thần học tập của con em quê nhà đại tướng Ảnh: ĐÌNH TOÀN
“Trường xa nhà, nên buổi sáng đi học tôi thường nhịn đói. Ngày ấy, những đứa học trò nhà quê như chúng tôi không có giày dép, đi đâu cũng chân trần. Trên chặng đường tới trường ở Dưỡng Mong (nay thuộc xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang) phải qua một trảng cát, những ngày trời nắng, cát bỏng như rang, chúng tôi phải lấy những cái bẹ nan của cây tre, rồi dùng dây bẹ chuối cột dưới bàn chân để đi qua trảng cát cho đỡ bỏng chân”, đại tướng hồi tưởng.

Sớm được vun bồi tinh thần yêu nước...

Khi đại tướng Lê Đức Anh bước vào tuổi thiếu niên cũng là lúc bố mẹ nuôi (tức cô dượng) của thân phụ đại tướng lần lượt qua đời, nên anh chị em đại tướng được bố mẹ đưa trở về quê hương ở làng Bàn Môn, nơi có con sông Truồi nước trong xanh êm ả, mang phù sa bồi đắp cho ruộng vườn tươi tốt quanh năm.
Cũng chính nơi đây, đại tướng Lê Đức Anh đã được “dự thính” những cuộc chuyện trò của bậc ông cha, những người đau đáu về thời cuộc, và sớm hun đúc tinh thần cách mạng.
Nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh cùng chị gái là Lê Thị Xoan viếng mộ thân mẫu Lê Thị Thoa ở làng Bàn Môn năm 2002 (ẢNH Đ.TOÀN CHỤP LẠI TƯ LIỆU GIA ĐÌNH)
Cũng ở làng Bàn Môn mà cậu thanh niên sáng dạ sớm được vun bồi tinh thần yêu nước từ cụ Lê Bá Dị, người cậu họ đại tướng, làm Bí thư của một trong những chi bộ cộng sản đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế (ra đời tại đình làng Bàn Môn năm 1930). Cũng chính vị tiền bối này đã sưu tầm rất nhiều sách báo viết về tình hình trong và ngoài nước rồi đưa cho chàng thiếu niên Lê Đức Anh đọc. Và cũng chính ông Lê Bá Dị đã kết nạp vị đại tướng sau này vào Đảng Cộng sản lúc 18 tuổi (năm 1938) ngay trên quê nhà.
Cuối năm 1939, chàng trai Lê Đức Anh từ biệt bố mẹ, gia đình, quê hương để vào miền Nam, bắt đầu một quãng đời xa quê, học tập, chiến đấu dọc ngang bao chiến trận; cống hiến hết mình vì sự nghiệp cách mạng...
Đại tướng Lê Đức Anh từng từ chối xây nhà lưu niệm, mà chỉ đồng ý xây nhà văn hóa, thư viện cho có chỗ con em quê hương đọc sách, học tập Ảnh: ĐÌNH TOÀN

Từng từ chối xây nhà lưu niệm

Các bậc cháu chắt trong họ tộc của đại tướng Lê Đức Anh vẫn còn nhớ chuyện một số người muốn hỗ trợ vật chất để xây dựng nhà lưu niệm của đại tướng trên quê hương làng Bàn Môn, nhưng ông từ chối và cuối cùng ông chỉ đồng ý phương án xây dựng ngôi nhà văn hóa, thư viện đại tướng Lê Đức Anh.
Khu nhà văn hóa, thư viện mang tên đại tướng Lê Đức Anh tọa lạc trên khu đất nằm phía trước ngôi nhà thờ nhỏ thờ bố mẹ, ông bà đại tướng ở trung tâm làng Bàn Môn.
Thủ bút Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc đến thăm nhà văn hóa và quê hương nguyên Chủ tịch nước, đại tướng Lê Đức Anh, lúc Thủ tướng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Chính phủ Ảnh: ĐÌNH TOÀN

“Còn nhớ trước đây khi làm cái nhà văn hóa, có đại tướng về (năm 2012 - PV), ông ra đứng đây có cả tôi nữa. Đại tướng kể lại chuyện xưa lấy câu câu cá bống. Rồi hỏi han con cháu làm ăn như thế nào, sức khỏe ra sao; khuyên nhủ con em trong làng cố gắng học tập sau này giúp ích cho xã hội”, cụ Trần Hữu Thuyến, 81 tuổi, ở làng Bàn Môn kể.

Ngôi nhà văn hóa, thư viện mang tên đại tướng Lê Đức Anh được khánh thành năm 2012 sau 1 năm xây dựng, để làm nơi trưng bày hình ảnh, sách vở, tư liệu, hiện vật liên quan đến đại tướng; cũng như sách vở khoa học thường thức để nhà văn hóa, thư viện trở thành nơi đọc sách, trau dồi kiến thức văn hóa, lịch sử, nâng cao dân trí nói chung cho con em quê hương Bàn Môn.

Sau 7 năm sử dụng, công trình này nay đã hư hỏng nhiều hạng mục. Những ngày này, một số thợ thầy, nhân công cũng đã gấp rút sửa chữa, gia cố, tu bổ khu nhà văn hóa, thư viện đại tướng Lê Đức Anh để con cháu trong làng tiếp tục đến sưu tra tài liệu, sách vở...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.