Dám nghĩ, dám làm nhưng phải đúng pháp luật

16/01/2018 07:40 GMT+7

Tại hội nghị tổng kết của Bộ Công thương sáng 15.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị định 08 về việc cắt giảm hơn 55% điều kiện kinh doanh trong tổng số điều kiện đang tồn tại thuộc phạm vi của ngành (675 điều kiện).

Cắt ngay tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, 2017 là năm ngành công thương đạt được những kết quả hết sức tích cực và toàn diện với tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt. Đáng kể nhất trong số này là tăng trưởng xuất khẩu lên đến 21% (kế hoạch là 7%). Lần đầu tiên trong lịch sử, VN thu về trên 225 tỉ USD từ hoạt động xuất khẩu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng mạnh 9,4%, cao hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của năm 2016. Công tác khai thác cơ hội từ cam kết hội nhập đã được thực hiện có hiệu quả hơn nhiều năm trước, thể hiện ở việc tất cả các thị trường mà VN có ký kết FTA đều ghi nhận tăng trưởng vượt trội. Năng lực tham gia xử lý các vấn đề về tranh chấp thương mại đã được nâng cao hơn, xử lý các vấn đề phát sinh từ hội nhập một cách bài bản và có hiệu quả hơn.
Dấu ấn khác của Bộ Công thương trong năm là cắt bỏ điều kiện kinh doanh với tuyên bố gây chấn động - cắt giảm hơn 55% tổng số điều kiện đang tồn tại thuộc phạm vi của ngành (675 điều kiện). Tuyên bố này đã được hiện thực hóa trong sáng 15.1, bằng việc Thủ tướng ký ban hành Nghị định 08 ngay tại hội trường 11 Lê Hồng Phong, nơi diễn ra hội nghị tổng kết.
Việc Bộ Công thương có được nghị định về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy mới, thu gọn đầu mối từ 35 đơn vị xuống còn 30 đơn vị trực thuộc; xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS (dùng trong xuất nhập khẩu hàng hóa quốc tế) phải kiểm tra trước thông quan; cắt giảm và đơn giản hóa 183 trong tổng số 451 thủ tục hành chính... cũng được đánh giá là một thành công lớn...
Tuy nhiên, vẫn còn những căn bệnh trầm kha chưa thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Đó là việc sức cạnh tranh của hàng hóa chưa cao, giá trị gia tăng còn thấp, ứng dụng khoa học công nghệ còn kém... nên tăng trưởng chưa bền vững. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam bày tỏ quan ngại trước xu hướng tăng cường bảo hộ, tăng rào cản kỹ thuật, truyền thông bôi nhọ của các nước gây khó khăn cho xuất khẩu nông nghiệp. Đơn cử, để bảo hộ sản xuất của nông dân, Ấn Độ đã áp dụng thuế tối thiểu cho tiêu nhập khẩu, khiến tiêu của VN đội giá từ 5.000 USD/tấn lên 8.000 USD/tấn, hàng loạt đơn hàng bị hủy bỏ. Quy định này không phù hợp với các hiệp định thương mại, nên ông Nam đề nghị Bộ Công thương và Bộ NN-PTNT cần tiếp tục đấu tranh để đảm bảo quyền lợi của hàng Việt.
Không vì chuyện này chuyện khác mà nhụt chí
Tìm cách nâng cao giá trị gia tăng của hàng hóa thông qua công nghiệp chế biến cũng là bài toán mà Thủ tướng đưa ra cho ngành công thương, vì 1 kg cà phê của VN xuất khẩu giá
2 USD, mà 1 ly cà phê qua chế biến cũng có giá 2 USD. Thủ tướng còn yêu cầu ngành công thương khắc phục việc đưa ra những chiến lược, quy hoạch lỗi thời; chưa chủ động trong nghiên cứu, phát triển công nghiệp theo hướng cách mạng công nghiệp 4.0 còn hạn chế; tính dự báo còn yếu; vẫn còn một số chính sách kìm hãm sự phát triển.
Nhắc lại những việc đã phê bình Bộ Công thương tại hội nghị năm trước, như tái cơ cấu bộ máy, nhiều vấp váp, Thủ tướng khen ngợi Bộ đã vượt qua thách thức và hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2017. “Ngành công thương biết gạt bỏ những lợi ích cục bộ, vượt lên chính mình, đồng thời cũng là bộ tiên phong trong việc cắt bỏ các thủ tục hành chính”, Thủ tướng đánh giá. Bên cạnh đó, ông cũng biểu dương việc Bộ tái cấu trúc lại bộ máy với thái độ “dũng cảm, không sợ va chạm”, cắt giảm 5 đầu mối trực thuộc bộ.
“Chúng ta có chuyện này, chuyện khác trong năm vừa rồi hay những năm trước để lại, nhưng không vì thế mà chúng ta nhụt chí, không hành động. Không hành động thì không có kết quả, nhưng lưu ý hành động phải chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng cơ chế, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, Thủ tướng khuyến khích.
Theo ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Hyundai Thành Công , năm 2017 đã chứng kiến tăng trưởng thần tốc trong tỷ trọng xe nhập khẩu từ ASEAN, từ mức dưới 20% trong năm 2016 lên 62% trong năm 2017. Trong khi đó, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô VN (VAMA), năm 2017 toàn thị trường ô tô đạt doanh số 278.600 xe, giảm khoảng 9,3% so với 2016. Khó khăn này trong năm 2018 dự báo sẽ còn tăng khi rất nhiều sản phẩm mới đang được các hãng xe Nhật Bản lên kế hoạch nhập về như Wigo (từ Indonesia), CRV, Celerio (từ Thái Lan)... Ông Đức cho rằng cơ hội của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước ngày càng bị thu hẹp và các ưu đãi hiện nay theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP về giảm thuế nhập khẩu với linh kiện ô tô là chưa đủ mạnh để tạo ưu thế đáng kể cho các sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước so với các sản phẩm nhập khẩu, cần phải có những hỗ trợ khác như: miễn thuế tiêu thụ đặc biệt với phần sản xuất trong nước của ô tô, hay tăng thời gian bảo lãnh thanh toán thuế từ 30 ngày như hiện hành lên 8 tháng..
Chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu
Chiều 15.1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới dự, chỉ đạo Hội nghị tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Kế hoạch - Đầu tư.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh: “Những thành tích kinh tế xã hội đất nước năm qua có đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch - Đầu tư”. Bộ cũng đã có nhiều cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là giấy phép con cản trở doanh nghiệp. Về nhiệm vụ của ngành năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh ngành phải tham mưu, làm rõ vai trò của kế hoạch và chống bao cấp, xin cho; công tác kế hoạch và xã hội hóa nguồn lực; thị trường và định hướng trong chỉ đạo thực hiện kế hoạch, nhất là phân bổ nguồn lực. Về đầu tư công, Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ phải chấn chỉnh mạnh mẽ công tác đấu thầu dự án theo hướng công khai minh bạch, không để kéo dài tình trạng có quân xanh -quân đỏ trong đấu thầu dù bất cứ cấp nào.
TTXVN


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.