Dân bức xúc vì nộp phí mới được tiêu hủy heo nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Mạnh Cường
Mạnh Cường
05/08/2019 13:09 GMT+7

Người dân ở một số xã trên địa bàn Quảng Nam cảm thấy bức xúc khi phải nộp tiền để tiêu hủy heo chết do mắc dịch tả lợn châu Phi, trong khi đó, chính quyền địa phương khẳng định không 'can thiệp'...

Những ngày qua, một số người dân ở xã Bình Triều và Bình Quý (H.Thăng Bình) và xã Quế Xuân 2 (H.Quế Sơn, cùng Quảng Nam) cho biết họ cảm thất bất bình khi phải nộp tiền để tiêu hủy heo chết do nhiễm dịch tả lợn châu Phi

Sẽ trả tiền lại cho người dân

Theo người dân, lớn dưới 100 kg thì tổ thu dọn xác heo thu 200.000 đồng/con; heo trên 100 kg thu 300.000 đồng/con.

Nhiều điểm tập kết tiêu hủy heo còn sơ sài tại xã Bình Triều

Ảnh: Mạnh Cường

Sáng 5.8, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Thọ Hồng, Phó chủ tịch UBND xã Quế Xuân 2 (H.Quế Sơn, Quảng Nam), cho biết dịch tả lợn Châu phi xuất hiện ở 6/6 thôn của xã với khoảng 750 con heo nhiễm bệnh, tổng số heo chết buộc tiêu hủy hơn 50 tấn.

Lý giải về việc người dân phải “nộp phí” để tiêu hủy heo bệnh, ông Hồng thừa nhận việc này là sai; đồng thời khẳng định không phải chủ trương của xã.

Theo ông Hồng, những hộ dân có heo chết vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi, địa phương đã vận động dân đào hố để cơ quan chức năng đến mang xác heo đi tiêu hủy theo đúng quy trình. Tuy nhiên, có một số hộ khó khăn quá, không đào hố được nên cán bộ đã thuê xe múc để đào hố.

Người dân nói thuê xe múc và xe tải chở heo đi tiêu hủy sẽ góp tiền cùng với xã để trả tiền thuê xe nên cán bộ trong tổ tiêu hủy đã thu tiền hộ từ người dân để mang đi trả. Nhưng khi địa phương phát hiện ra vụ việc đã yêu cầu lập danh sách các hộ đã thu tiền, ông Hồng cho biết.

Cũng theo ông Hồng có tổng cộng 23 hộ dân ở thôn Phú Vĩnh và Phú Nguyên đã nộp cho tổ tiêu hủy heo của xã số tiền gần 6 triệu đồng.

“Đích thân tôi đã gửi giấy mời cho các hộ dân mà có cán bộ thu tiền, chiều nay (5.8) có mặt tại trụ sở UBND xã và tiến hành trả lại toàn bộ số tiền đã thu cho người dân. Còn chuyện heo nặng bao nhiêu, muốn mang đi tiêu hủy heo phải đóng tiền, là không hề có”, ông Hồng khẳng định.

Ngưng thu phí tiêu hủy heo chết

Trước đó, nhiều người dân liên tục phản ánh về việc muốn tiêu hủy heo phải "đóng phí". Bà H.T.C. (75 tuổi, ngụ thôn Vân Tây) có 2 con heo nái tổng trọng lượng gần 200 kg phải tiêu hủy và phải đóng 500.000 đồng.

Tương tự, anh V.Đ. (ở thôn Vân Tây, xã Bình Triều) cho biết trong đợt dịch vừa qua gia đình anh có 2 con heo chết. Khi báo với thú y, có người đến cân heo rồi thu 200.000 đồng. “Họ bảo đó là khoản tiền chở heo đi tiêu hủy. Heo càng nặng thì họ lấy tiền càng nhiều, nếu không đưa họ sẽ không chở", anh Đ. bức xúc.

H.Thăng Bình chiếm 70% tổng số heo nhiễm dịch tả lợn châu Phi phải mang đi tiêu hủy trên toàn địa bàn tỉnh

Ảnh: Mạnh Cường

Liên quan đến vấn đề dân phản ánh, ngày 29.7, UBND H.Thăng Bình ký văn bản gửi các xã, thị trấn yêu cầu chính chỉnh tình trạng thu tiền của người chăn nuôi trong quá trình tiêu hủy heo nhiễm dịch tả lợn. Chính quyền huyện đề nghị các địa phương tuyệt đối không thu tiền của người dân, nếu thu tiền công vận chuyển không đúng thì phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, yêu cầu các xã sử dụng nguồn ngân sách dự phòng, kết dư, sự nghiệp kinh tế và các nguồn ngân sách khác để triển khai phòng chống dịch.
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều, cho biết việc đội tiêu hủy heo nhiễm dịch tả lợn châu Phi mà thu tiền của người dân là không đúng quy định.

Theo giải thích của ông Ba, trong khi nhà nước chưa cấp tiền để chi trả để thuê người chở heo đi tiêu hủy nên đã “ứng trước” tiền của người dân để chi trả, sau này sẽ trả lại. Theo ước tính ban đầu, xã phải tiêu hủy khoảng 2.600 con heo bị bệnh, chi phí cho công tác này khoảng 250 triệu đồng và hiện đã thu khoảng 150 triệu đồng tiền của người dân.

Ông Ba cũng cho rằng do tiền công chi trả cho những người tiến hành tiêu hủy quá thấp nên người dân “bồi dưỡng” thêm cho họ. Đây là thỏa thuận giữa người dân với nhân công đội tiêu hủy, chứ xã hoàn toàn không thu số tiền này.

Trong khi đó, ông Ngô Tấn, Phó giám đốc Sở NN-PTNN tỉnh Quảng Nam, khẳng định việc chính quyền xã "thu phí" của người dân để đưa heo nhiễm bệnh đi tiêu hủy là hoàn toàn sai quy định. Đến thời điểm hiện tại các địa phương trên địa bàn H.Thăng Bình đã chấp hành việc ngừng thu phí để tiêu hủy heo nhiễm dịch tả lợn Châu phi.

“Theo quy định được Thủ tướng Chính phủ mới ký ban hành, hộ dân có heo chết vì nhiễm dịch tả lợn châu Phi sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/kg. Hiện dịch chưa thể khống chế và đang diễn biến rất phức tạp, riêng H.Thăng Bình có số heo chết phải tiêu hủy chiếm 70% số heo toàn tỉnh”, ông Tấn nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.