Bán chui hàng chục lô đất
Theo đơn tố cáo của người dân, từ năm 2012 - 2015, UBND xã Phúc Thành, đứng đầu là ông Đinh Văn Dương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, đã quyết định bán trái thẩm quyền hàng chục lô đất nông nghiệp hai bên đường liên thôn và liên xã cho người dân. Đến nay, nhiều người đã làm nhà ở trên diện tích đất này. Việc bán đất núp dưới danh nghĩa đổi đất của dân bị giải tỏa để làm đường giao thông xây dựng nông thôn mới.
Anh Nguyễn Văn Đ. (ngụ tại xóm 15, xã Phúc Thành) cho biết nghe tin xã bán đất ở, ngày 20.7.2015, anh Đ. đã mua 200 m2 đất đang trồng lúa nằm ven đường làng, thuộc khu vực cùng xóm, với giá 90 triệu đồng. Sau khi nộp tiền, anh được cán bộ xã trao phiếu thu ghi lý do nộp tiền là “thu tiền giải phóng mặt bằng đất dặm dân cư”, có chữ ký của Chủ tịch UBND xã, kế toán trưởng, thủ quỹ, người lập phiếu.
Anh Nguyễn Văn H. (ngụ tại xóm 15) cũng mua 270 m2 đất của xã, cho biết khi nộp tiền mua đất, xã cũng chỉ phát giấy thu nộp tiền với nội dung tương tự. “Tôi thắc mắc thì được cán bộ xã trả lời chỉ tờ giấy này thôi. Đất đã mua 2 năm rồi nhưng chúng tôi chưa được cấp bìa đỏ”, anh H. cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Thanh Niên, năm 2012, UBND xã Phúc Thành có tờ trình gửi UBND huyện Yên Thành xin chủ trương quy hoạch đổi đất làm đường giao thông nông thôn, xin quy đổi 20.000 m2 đất tại các khu vực của 15 xóm để làm đường. Tuy nhiên, sau khi cho các phòng ban kiểm tra thực tế, UBND huyện Yên Thành đã không đồng ý cho thực hiện phương án này.
Làm việc với phóng viên Báo Thanh Niên, ban đầu ông Đinh Văn Dương, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Thành, chối quanh không có chuyện xã bán đất cho dân. Theo ông Dương, để có quỹ đất xây dựng nông thôn mới, xã đã vận động người dân hiến đất ruộng khi dồn điền đổi thửa và mỗi khẩu có đất ruộng đã tự nguyện hiến 55 m2. Diện tích này khi dồn điền, được dồn về nằm dọc hai bên các trục đường liên thôn để bồi thường cho các hộ gia đình bị mất đất khi làm đường và làm nhà văn hóa xóm.
Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi về các phiếu thu do xã cấp ghi “thu tiền giải phóng mặt bằng đất dặm dân cư”, mỗi hộ từ 90 - 120 triệu đồng mà người dân đã nộp là tiền gì, khi họ khẳng định là mua đất, ông Dương mới chịu thừa nhận xã bán đất và nói không nhớ đã bán bao nhiêu lô đất, thu được bao nhiêu tiền, nhưng đã nộp kho bạc nhà nước, sau đó xin rút về để xây dựng nông thôn mới.
Để tìm hiểu số tiền thu được từ bán đất có được nộp về kho bạc như khẳng định của ông Dương, chúng tôi đã tìm đến Kho bạc huyện Yên Thành. Sau khi cho tra cứu tên những hộ dân đã mua đất năm 2015, đã nộp tiền cho xã, ông Phan Văn Tuệ, Giám đốc Kho bạc Nhà nước huyện Yên Thành, khẳng định năm 2015, những hộ dân này không có tên trong danh sách những người đã nộp tiền chuyển quyền và mục đích sử dụng đất của xã Phúc Thành.
Quyền lợi người dân treo… đầu gậy!
Một số người dân đã mua đất do UBND xã Phúc Thành bán vào năm 2015 cho biết họ đang lo lắng vì mua đất bán chui nên có nguy cơ không được cấp sổ đỏ, thậm chí bị thu hồi, theo quy định tại khoản 5, điều 23, Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều luật Đất đai 2013.
tin liên quan
Xã bán đất ‘chui’, dân không được cấp sổ đỏUBND xã Minh Thành (H.Yên Thành, Nghệ An) bán đất trái thẩm quyền cho hàng chục hộ dân, khiến họ bị “treo” sổ đỏ suốt 10 năm nay.
Ông Phan Văn Tuyên, Chủ tịch UBND huyện Yên Thành, cho biết huyện đã thành lập đoàn thanh tra để thanh tra toàn bộ việc bán đất của xã Phúc Thành.
Bình luận (0)