Đánh giá cán bộ phải thật sự trong sáng, công tâm

09/12/2017 09:34 GMT+7

Ngày 8.12, tại trụ sở T.Ư Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị cho ý kiến về kết quả kiểm tra công tác cán bộ thời gian qua.

Cụ thể, Bộ Chính trị đã lập 5 đoàn kiểm tra tại 10 địa phương và 5 cơ quan T.Ư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử ban hành kèm theo Quyết định số 68-QĐ/TW ngày 4.7.2007 của Bộ Chính trị khóa X.
Không phải cứ luân chuyển là để lên cao hơn
Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng bí thư nhấn mạnh công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt. Bác Hồ từng nói, mọi việc thành bại đều do cán bộ, bố trí cán bộ đúng là khác, bố trí sai là khác, rất nguy hiểm. Chính vì thế, vừa qua Đảng đã ban hành một loạt văn bản cụ thể, đồng thời cử các đoàn đi kiểm tra về công tác cán bộ và sang năm Hội nghị T.Ư sẽ bàn chuyên đề về công tác cán bộ. Qua những điểm này cho thấy công tác cán bộ ngày càng được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn.
Tổng bí thư nhấn mạnh: Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ là để có tầm nhìn xa, có cái khung để đào tạo, bố trí cán bộ, nên phải “động” và “mở”. Làm quy hoạch cán bộ không phải là làm công tác nhân sự, quy hoạch cán bộ cũng không phải là cái “khuôn cứng”. Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn là trên cơ sở quy hoạch, nhưng đồng thời cũng phải mở rộng ra, chứ không phải chỉ nằm trong quy hoạch. Đào tạo nguồn là rất tốt, rất cần thiết, chứ không phải tranh thủ, phấn đấu vào lớp nguồn cốt để có cái mác lớp nguồn vào T.Ư, vào cấp ủy…
Hay luân chuyển cán bộ, nó khác với điều động cán bộ. Không phải cứ đi luân chuyển là để lên cao hơn, để về giữ chức nọ chức kia. Phấn đấu để được đi luân chuyển, “chạy” luân chuyển, về nơi nào thuận, dễ, ngon ăn, nhưng về chỉ làm cấp phó chẳng thể hiện được gì, chưa đủ 3 năm lại ngấp nghé đòi về… Rồi cứ nghĩ đi luân chuyển để làm cán bộ chứ không phải để trưởng thành. Cho nên, phải uốn nắn, sau này đã có quy định đi luân chuyển phải đủ 36 tháng mới được về.
Tổng bí thư lưu ý, công tác đánh giá cán bộ là rất khó, thông tin phải đầy đủ, nhiều kênh, nhiều chiều, thật sự trong sáng, công tâm, khách quan. Lấy phiếu tín nhiệm cũng là một cách đánh giá cán bộ, vừa qua Quốc hội, trong Đảng, các địa phương đã làm. Tuy nhiên, không cẩn thận lại là hình thức, hợp thức hóa để phiếu cao lên, mai kia cứ căn cứ phiếu đánh giá để đề bạt cán bộ.
Về công tác bố trí, sử dụng cán bộ, Tổng bí thư chỉ ra rằng có việc đề bạt, có việc phân công, có việc giới thiệu sang chính quyền, cần phải công tâm, khách quan. “Tại sao người ta nói: Quan hệ, tiền tệ, hậu duệ, cuối cùng mới là trí tuệ? thân quen “cánh hẩu”, thích thì đưa vào, tạo vây cánh cho mình, rồi nói cho thật hay, cơ cấu, độ tuổi thế này, triển vọng thế nọ… đều liên quan đến đánh giá cán bộ cả. Gia đình, anh em, vợ con không nên bố trí ở một nơi. Nếu thật sự có tài, gia đình cách mạng, chúng ta khuyến khích, hoan nghênh, nhưng không vì thế mà đưa lên để tạo vây cánh”, Tổng bí thư nhắc nhở.
Rồi quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm. Nhưng tại sao vừa qua có dư luận: Cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai.
Cuối cùng là trách nhiệm của đứng đầu, rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể...
Đánh giá cán bộ có nơi còn hình thức, nể nang
Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra của 5 đoàn công tác cho thấy, các cấp ủy, tổ chức Đảng đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, kết luận, quy định và hướng dẫn của T.Ư về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử. Công tác đánh giá cán bộ từng bước được đổi mới về nội dung và phương pháp; công tác quy hoạch cán bộ đã đi dần vào nền nếp, cơ bản đảm bảo phương châm “động” và “mở”, thực hiện đầy đủ các bước theo quy trình; việc rà soát, bổ sung quy hoạch được thực hiện nghiêm túc. Công tác đào tạo, bồi dưỡng và tạo nguồn cán bộ gắn với thực hiện luân chuyển để rèn luyện cán bộ được quan tâm; việc kết hợp luân chuyển, điều động cán bộ với sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương bắt đầu có sự chuyển biến. Công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử cơ bản đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền quyết định, từng bước đi vào nền nếp, đạt được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức…
Tuy nhiên, qua kiểm tra cũng cho thấy, một số nơi việc tổ chức quán triệt Kết luận số 24-KL/TW, Quyết định số 68-QĐ/TW và các văn bản hướng dẫn của T.Ư về công tác cán bộ chưa sâu rộng, chưa kịp thời; một số cấp ủy, tổ chức Đảng nhận thức chưa đầy đủ, sâu sắc về công tác quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu cán bộ ứng cử; có nơi còn nhầm lẫn giữa luân chuyển cán bộ theo quy hoạch với điều động cán bộ.
Một số tổ chức Đảng đánh giá cán bộ chưa đúng thực chất, còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, tinh thần tự phê bình và phê bình chưa cao. Công tác quy hoạch cán bộ của một số địa phương, đơn vị, nhất là cấp xã còn hạn chế, chưa đảm bảo cơ cấu 3 độ tuổi, số lượng quy hoạch vào mỗi chức danh chưa đủ theo yêu cầu; quy hoạch còn mang tính cục bộ, khép kín trong nội bộ, chưa đảm bảo phương châm “động” và “mở”; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số của một số địa phương, đơn vị còn thấp so với quy định. Có nơi cán bộ được quy hoạch điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ, năng lực không đảm bảo; việc rà soát, thẩm định cán bộ trước khi quy hoạch chưa toàn diện.
Công tác luân chuyển cán bộ chưa đồng bộ, số lượng cán bộ được luân chuyển chưa nhiều, chủ yếu được luân chuyển từ tỉnh về huyện, từ huyện về tỉnh và giữa các ngành, việc luân chuyển từ huyện sang huyện, xã sang xã, từ khối nhà nước sang khối Đảng, đoàn thể còn hạn chế; chưa có giải pháp theo dõi, đánh giá cán bộ luân chuyển.
Công tác bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử có nơi còn tư tưởng cục bộ; tính tiền phong gương mẫu của một bộ phận cán bộ chưa cao, ngại việc khó, thích nhận việc dễ, có lợi ích. Quy trình bổ nhiệm có trường hợp chưa chặt chẽ, chưa đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không nằm trong quy hoạch được phê duyệt, bổ nhiệm số lượng cấp phó vượt quy định; có trường hợp bổ nhiệm quá nhanh, không đủ điều kiện, tiêu chuẩn…

tin liên quan

Chống tham nhũng không thể kêu gọi, giáo dục suông
Chống tham nhũng vẫn là vấn đề nóng được các cử tri đặc biệt quan tâm nêu lên với Tổng bí thư và các đại biểu Quốc hội tại buổi tiếp xúc sau kỳ họp thứ 4 Quốc hội tại các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm (Hà Nội) hôm qua 29.11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.