Không có vùng cấm chống tham nhũng, nhưng có vùng tránh, vùng nể?

29/11/2017 11:54 GMT+7

Nêu câu hỏi với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ, Hà Nội) băn khoăn về việc nói không có vùng cấm chống tham nhũng , nhưng có vùng tránh, vùng nể không?

Sáng nay (29.11), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và quận Ba Đình (Hà Nội) sau kỳ họp thứ 4 của Quốc hội.
Chống tham nhũng vẫn là vấn đề nóng được các cử tri đặc biệt quan tâm nêu lên với Tổng bí thư và các đại biểu quốc hội. Theo cử tri Phan Văn Nhâm (quận Tây Hồ), chống tham nhũng khác với các cuộc chiến tranh thông thường khác, phải liên tục, bền bỉ, kéo dài, nhưng diễn ra không phân tuyến nên rất khó.
“Cử tri thống nhất với quan điểm của Đảng, Nhà nước phải kiên trì, nhưng vừa qua trên nóng dưới lạnh, trên mạnh dưới từ từ. Lạnh có nhiều nguyên nhân, ít nhiều do người đứng đầu có dấu hiệu nhúng chàm không dám nhận, không dám sửa, trong một cơ quan có quá nhiều người nhà nên bao che cho nhau”, ông Nhâm nói. Ông Nhâm cũng bày tỏ băn khoăn về việc nói không có vùng cấm trong phòng chống tham nhũng nhưng có vùng né, vùng nể không?.
Cử tri này cũng thiết tha đề nghị Quốc hội nhanh chóng hoàn thiện thông qua luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi, vì kỳ họp thứ 6 mới thông qua thì hơi muộn. Cử tri mong muốn Đảng, Chính phủ thực hiện cuộc chiến chống tham nhũng không ngừng, không dừng, không nghỉ, là cách bảo vệ tài sản quốc gia, bảo vệ chế độ.
Bên cạnh đó, các luật được xây dựng ban hành cũng cần được giám sát chặt chẽ, vì “kỹ năng lách luật của chúng ta đẳng cấp lắm”, khắc phục tình trạng nhiều cơ quan văn bản sáng ban hành, trưa thu hồi, chiều xin lỗi.
Cử tri Nguyễn Hồng Toán (quận Tây Hồ) cho rằng, chỉ đạo của Tổng bí thư và Nhà nước về chống tham nhũng hết sức tâm huyết, nhưng ở trên mạnh, dưới làm chưa tốt, coi nhẹ. Dẫn ra ví dụ sai phạm trong đền bù, tái định cư dự án thuỷ điện Sơn La, theo ông Toán, một dự án, một địa bàn mà 17 cán bộ bị bắt giam thì phải hỏi trách nhiệm của bí thư, chủ tịch tỉnh như thế nào?.
Cử tri này cho rằng “nhà nước chưa kiên quyết, chưa thật mạnh, đã phát hiện ra phải xử nghiêm. Nhưng ta vẫn nặng về vấn đề cảnh cáo Đảng, khiển trách, cho nghỉ hưu, chuyển từ vị trí này sang vị trí khác”. Như trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái, phát hiện ra biệt thự kếch xù nhưng sau kỷ luật lại chuyển sang vị trí Phó chánh văn phòng HĐND tỉnh. “Chúng ta cứ nhẹ nhàng êm ái không thể giáo dục được cán bộ, cần phải xử lý dứt điểm tham nhũng”, ông Toán nêu.
Ở dưới đang nóng dần lên rồi
Chia sẻ với cử tri, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh quyết tâm của T.Ư rất cao về tổ chức bộ máy, Quốc hội thống nhất, Chính phủ đang triển khai, tất cả đều đồng thuận. Ví dụ kỳ họp Quốc hội đưa ra cơ chế đặc thù cho TP.HCM, mấy năm bàn, thành phố lớn đóng góp cho đất nước nhiều như thế cần có cơ chế đặc thù. Bộ Chính trị họp bàn có kết luận, Chính phủ chuẩn bị đề án trình ra, Quốc hội thảo luận rất thẳng thắn, biểu quyết hơn 90% đại biểu đồng thuận.
Hay dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, cũng họp mấy lần, nhiều ý kiến như làm toàn bộ hay từng đoạn, để dân chủ đưa ra xin ý kiến Quốc hội, thảo luận rất sôi nổi, biểu quyết thông qua cũng nhất trí cao.
Cũng theo Tổng bí thư, vấn đề nhân sự lần này làm rất nhịp nhàng, kiện toàn chức danh Tổng thanh tra Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Sau khi T.Ư họp, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng - phóng viên) thì phải đồng bộ hoá về bộ máy, chỉ một thời gian là kiện toàn.
“Sự chuẩn bị, phối hợp rất nhịp nhàng, chặt chẽ, vì đồng thuận cao, dân chủ nhẹ nhàng lắng nghe. T.Ư đưa ra, Quốc hội bàn, T.Ư lại lắng nghe, tiếp thu, đây là cách làm rất hay", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, đấu tranh phòng chống tham nhũng, kỳ tiếp xúc cử tri nào cũng được đề cập, Quốc hội lần nào họp cũng bàn thảo, T.Ư đưa ra nhiều nghị quyết, dù rất cố gắng làm có hiệu quả, bài bản hơn, tâm phục khẩu phục hơn, nhưng chúng ta cũng chưa hài lòng so với yêu cầu phải làm.
“Tôi nhiều lần nói đây là cuộc đấu tranh rất lâu dài, phải kiên trì, bước đi chắc chắn, làm nhưng phải ổn định, cốt để đánh thức người ta, mở đường cho người ta thay đổi đó là thành công. Hiện nay, yếu vẫn là khâu điều tra, làm sao chứng cứ phải rõ ràng, tội phạm phải chịu nhưng cũng không thể để lâu “hoá bùn”, Tổng bí thư nói.
Cũng theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chống tham nhũng quan trọng là thu hồi tài sản cho nhà nước, quy định trả lại tài sản thì đỡ hình thức xử phạt. Vừa rồi, Quốc hội khái quát trên nóng dưới lạnh, nhưng ở dưới đang nóng dần lên rồi. Muốn thế, lòng dân phải thuận, tất cả phải đồng lòng nhất trí, lò đã nóng lên không ai có thể đứng ngoài cuộc. Luật pháp là công cụ bảo đảm để chúng ta làm cho tốt.
Luật Phòng chống tham nhũng cũng rất muốn thông qua sớm nhưng phải làm cho chuẩn, chúng ta cũng đã sửa nhiều lần, cố gắng lần này làm cho cơ bản, tập trung vào các khâu yếu, không thể chỉ kêu gọi, giáo dục suông mà phải bằng luật pháp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.