Không để tham nhũng 'hy sinh đời bố, củng cố đời con'

06/08/2017 08:07 GMT+7

Đó là một trong những ý kiến của các chuyên gia khi trả lời Thanh Niên về nỗ lực phòng chống tham nhũng .

Cụ thể, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư, đặt vấn đề: Hàng ngàn tỉ đồng tham nhũng đã đi đâu? Ông nói: “Lâu nay rất nhiều vụ án tham nhũng ngàn tỉ đồng được xét xử với những bản án hết sức nghiêm khắc đã làm nức lòng nhân dân.
Tuy vậy, tài sản thu hồi được lại không đáng là bao so với số tiền thất thoát. Hàng ngàn tỉ đồng tham nhũng đã đi đâu, được dùng vào việc gì, ai đã nhận nó vẫn là câu hỏi của nhân dân đang chờ câu trả lời từ các cơ quan quản lý nhà nước”.

tin liên quan

Phải thu hồi hết tài sản của quan tham
Việc thu hồi tài sản của quan tham 10 năm qua đã gợi lên nhiều vấn đề đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải sớm có những chính sách, biện pháp để điều chỉnh.
Vì thế, ông Doanh cho rằng muốn thu hồi sớm tài sản tham nhũng phải tăng thẩm quyền cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý các cán bộ, công chức ở cấp lãnh đạo trong kê khai tài sản.
Phải có điều khoản tạm thời phong tỏa
PGS-TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, đề xuất thắt chặt chiến dịch kiểm soát thu nhập và tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đồng thời gắn với việc tịch thu tài sản không chứng minh được nguồn gốc.
“Theo tôi, từ trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa mua và sở hữu cổ phiếu trái quy định, luật phải có điều khoản tạm thời phong tỏa, không cho giao dịch số cổ phần, cổ phiếu đang trong diện nghi vấn”, ông Long nêu quan điểm và cho rằng về lâu dài, để phòng ngừa thì phải mở rộng đối tượng kê khai tài sản, bao gồm cả những người ở cương vị lãnh đạo, quản lý cho công ty đại chúng, các quỹ đầu tư, các công ty cổ phần...
Bên cạnh đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đặt vấn đề: Vì kiểm tra, chế tài không nghiêm nên nhiều quan chức sẵn sàng “hy sinh đời bố, đời ông, củng cố đời con, đời cháu”. Qua đó, bà đưa ra giải pháp: “Phải tập trung vào những đối tượng là người thân của những người có nguy cơ tham nhũng. Những người này cũng phải kê khai tài sản của mình để tránh tình trạng tài sản tham nhũng được chuyển dịch hoặc lấy tên của người thân. Trường hợp kê khai không đủ, không đúng sẽ buộc phải bổ sung, giải trình. Giải trình không thỏa đáng, có thể bị tịch thu tài sản kê khai không thỏa đáng, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, chứng minh có dấu hiệu tội phạm để xử lý”.
Đẩy nhanh việc không dùng tiền mặt
Ở góc độ sử dụng biện pháp tài chính để PCTN, TS Cao Sĩ Kiêm, đại biểu Quốc hội khóa 13 - nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đề nghị cần đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt.
Ông Kiêm nói: “Để tránh trường hợp đối tượng chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài, một trong những giải pháp rất quan trọng là dần từng bước tiến tới quy định không dùng tiền mặt, mọi thanh toán, giao dịch đều qua tài khoản”. Đó là cơ sở để nắm bắt các hoạt động về kinh tế với những biến động về tài sản, về thu nhập của những người có chức vụ, quyền hạn, có nguy cơ tham nhũng.
Ngoài ra, qua thực tế một vài vụ việc chuyển tài sản tham nhũng ra nước ngoài, điển hình là vụ Giang Kim Đạt mà tòa án đang xét xử, ông Kiêm cho rằng việc quản lý được tài sản thông qua tài khoản sẽ tránh được trường hợp đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.