Đất công mà như... đất vô chủ !

01/07/2020 06:01 GMT+7

Bạn đọc Thanh Niên bày tỏ sự bức xúc vì đất công, thuộc dự án công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, bị lấn chiếm trong thời gian dài.

Trong loạt bài Ngang nhiên “xẻ thịt” đất công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc, Thanh Niên thông tin, dự án này nằm trên địa bàn Q.9 (TP.HCM) và TP.Dĩ An (Bình Dương) được Thủ tướng phê duyệt năm 1996, sau khi điều chỉnh có quy mô diện tích rộng 395 ha, dự kiến xây dựng các công trình văn hóa tâm linh, lịch sử hướng về cội nguồn và các giá trị văn hóa dân tộc không chỉ của riêng TP.HCM mà còn phục vụ người dân các tỉnh lân cận. Năm 2001, cơ quan chức năng bắt đầu thu hồi đất, giao cho Ban Quản lý công viên Lịch sử - văn hóa dân tộc (BQL) khoảng 353 ha để quản lý, sử dụng và đầu tư các dự án thành phần. Từ năm 2003 - 2017, BQL tự ý ký kết 19 hợp đồng cho thuê mặt bằng với 15 doanh nghiệp; một số hợp đồng khác có tiêu đề “hợp tác đầu tư” nhưng thực chất cũng là cho thuê mặt bằng, với tổng diện tích lên đến hơn 35 ha.

Đây có thể là “nhóm lợi ích” chia chác nhau không ?

Kết luận thanh tra số 25/2018 xác định, BQL đã không báo cáo xin ý kiến của UBND TP.HCM về việc cho thuê đất, ký các hợp đồng cho thuê đất không phù hợp mục đích sử dụng đất và không đúng chức năng, nhiệm vụ được giao; kiến nghị phải chấm dứt ngay việc cho thuê đất trái phép. Tuy nhiên, kiến nghị này bị “phớt lờ”. Trong khi đó, giải trình về việc tùy tiện cho thuê mặt bằng, BQL cho rằng “để có thêm kinh phí trang trải hoạt động, giảm một phần áp lực cho ngân sách; đồng thời giúp giữ đất, tránh bị lấn chiếm trái phép”(!). Sau đó, UBND Q.9 được giao nhiệm vụ xử lý, thu hồi mặt bằng và đã ban hành 11 quyết định cưỡng chế yêu cầu trả lại đất, nhưng đến tháng 1.2020 mới chỉ có 6 đơn vị tự giác di dời tài sản ra khỏi công viên; 5 đơn vị khác vẫn tiếp tục sử dụng trái phép.

Các khu đất này sát sông. Trong khi đó, đang thiếu đất làm cảng sông cho các hoạt động công nghiệp, nên dùng làm công viên văn hóa thì cũng phải hy sinh một mảng. Đã làm cũng phải làm sớm, để lâu quá thì sinh “lầy”.

Ngô Mạnh

Trước thực trạng này, bạn đọc (BĐ) ngán ngẩm: Thu hồi một khu đất chẳng phải dễ dàng. Chỉ vì cái sai của một vài cá nhân giờ lại phải “tái thu hồi” với biết bao hệ lụy kèm theo và vẫn chưa có hồi kết. Nhưng đáng nói là cũng đã gần 2 năm, với hàng loạt sai phạm, chưa ai bị xử lý kỷ luật thì khó lòng mà ngăn được những việc sai phạm tương tự như thế này trong tương lai. Sao không kiên quyết xử lý ngay từ lúc có dấu hiệu vi phạm?
BĐ Thùy Ngân đặt vấn đề: “Quản lý lỏng lẻo thế, nên cá nhân hay doanh nghiệp mới có khả năng “thôn tính”, lấn chiếm. Đây có thể là nhóm lợi ích chia chác nhau không? Đề nghị cần phải giải quyết mạnh tay và lập tức - như nhiều trường hợp khác lấn chiếm đất công tại TP - chứ không thể để kéo dài đợi “quy trình” hay báo cáo nữa”.

Công an cần vào cuộc

“Nếu đã chốt việc cho thuê sai, “tái chiếm đất”, sao lại còn phải chờ BQL báo cáo rồi vận động? Cái này có thể áp dụng các quy định về luật pháp để cần thiết thì cưỡng chế”, BĐ Nguyễn Vũ Tuấn Anh bày tỏ quan điểm.

Đọc xong mà thấy tức. Tại sao BQL vi phạm thì chỉ bị rút kinh nghiệm? Tài sản nhà nước thất thoát giờ tính sao?     

Trung Niên

BĐ Văn Dũng thắc mắc: “Sự việc sai phạm quá rõ ràng nghiêm trọng... Vì sao không kỷ luật mang tính răn đe một cách nghiêm khắc, thậm chí truy tố để làm gương cho những ai cố tình công khai ngang nhiên sai phạm, mà lại chỉ thu hồi và báo cáo?”. Đồng quan điểm, BĐ Huyền Mai cũng cho rằng việc cho thuê đất rõ ràng là sai; nếu không có biện pháp xử lý, thu hồi kịp thời sẽ gây ra tranh cãi, bức xúc lớn trong cộng đồng. Cũng cần phải xử lý, kỷ luật những cá nhân có liên quan đến những sai phạm này. BĐ đề nghị công an vào cuộc điều tra làm rõ, vì khoản tiền nhà nước thất thu rất lớn.
“Đất công mà như... đất vô chủ! Có thật vậy sao? Cho thuê đất, nộp tiền là đã “có chủ”. Còn việc quản lý vô trách nhiệm thì phải xử lý. Để lấn chiếm tràn lan mà không lên tiếng là có vấn đề. BQL ở đâu, làm gì? Điều này phải được làm rõ. Không thể để một số cá nhân thao túng như thế”, BĐ Dương Văn Tuấn viết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.