Núi đất bất ngờ sạt lở sau nhiều ngày mưa lớn vùi lấp 4 ngôi nhà, bên trong có 18 người đang ngủ lúc 1 giờ ngày 12.10, biến xóm Khanh thanh bình của xã Phú Cường (H.Tân Lạc, Hòa Bình) thành nơi đau thương tang tóc.
Dựng lán trại làm đám tang chungCho đến 16 giờ ngày 12.10, nạn nhân thứ 9 trong vụ sạt lở núi tại xóm Khanh là bà Đinh Thị Đằng được nhận dạng và bàn giao cho người thân đưa về nhà an táng.
|
Thẫn thờ nhìn quan tài chị họ, anh Đinh Công Bơi buồn bã cho biết chưa khi nào dòng họ lại đau đớn chồng chất, mất nhiều người thân đến thế. Ngôi nhà bên QL6 này quá nhỏ, nên sau khi họp bàn, họ hàng nhà anh Bơi quyết định dựng lán trại ngay bên đường để làm đám tang chung. Chỉ tính riêng nhà bà Đằng có 4 người (tính cả chồng và 2 con trai) bị chôn vùi trong đống đổ nát. Đến chiều qua, chồng và con trai bà Đằng vẫn bặt vô âm tín. Khu lán trại với 4 chiếc quan tài xếp thành dãy này không lúc nào ngơi tiếng khóc bi thương.
Ông Đinh Công Hưng (49 tuổi, ở xóm Khanh) bàng hoàng kể, gia đình ông may mắn thoát chết, chỉ bị cuốn trôi mất 6 con trâu trị giá hơn 100 triệu đồng. Đứng ở đầu nhà con trai cả, ông Hưng chỉ tay về ngôi nhà gần như còn nguyên của mình, cho biết may mắn đến kỳ lạ cho gia đình ông là đất đá ập xuống chỉ sợt qua chuồng trâu. “Tôi đi ngủ ở lều canh rẫy cách hiện trường 300 m, vợ và con trai út ngủ ở nhà. Con trai cả đã lập gia đình xây nhà riêng cách đó không xa. Nửa đêm, tôi bị đánh thức bởi những tiếng ục ục, sau đó là tiếng nổ lớn nghe như sấm, rồi cứ đất đá rào rào đổ xuống như sập trời. Tôi định chạy về thì con trai gọi điện báo cả xóm bị núi sạt chôn vùi rồi!”, ông Hưng kể.
Cũng theo ông Hưng, xóm Khanh có hơn 100 hộ, đa phần đều anh em thuộc 2 dòng họ Đinh và Bùi Văn. Trong số 18 nạn nhân bị chết và mất tích do sạt lở núi, có 13 người trong dòng họ Đinh nhà ông Hưng, gồm cả gia đình em trai với 4 người chết và mất tích. Nhỏ tuổi nhất trong các nạn nhân là cháu Đinh Công Thắng (3 tháng tuổi), cao tuổi nhất là bà Đinh Thị Son, 79 tuổi, đang mất tích.
Nỗ lực tìm người
Ghi nhận tại hiện trường, trong ngày 12.10, bất chấp mưa lớn, công tác cứu hộ cứu nạn vẫn được các lực lượng quân đội, công an tiến hành khẩn trương với hy vọng tìm thấy những người đang mất tích.
Vách núi sạt lở loang lổ bùn đất với chiều cao hàng chục mét, rộng hàng nghìn mét. Bên dưới lớp bùn đất là những hòn đá to bằng ngôi nhà, khiến công tác tìm kiếm cứu nạn rất gian nan. Trong ngày, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình duy trì lực lượng thường trực với 300 cán bộ, chiến sĩ luân phiên dùng cuốc xẻng, xà beng và các thiết bị dò nơi nghi vấn có người bị vùi lấp. 4 chiếc máy xúc miệt mài khơi bùn đất và san gạt đá, kiên nhẫn mở lối cho các đội tìm kiếm cứu nạn tiếp tục tiến sâu vào hiện trường.
tin liên quan
Tìm thấy nạn nhân thứ 9 trong vụ sạt lở núi ở Hòa BìnhChiều nay 12.10, các lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường vụ sạt lở núi ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đã tìm thấy thêm 1 nạn nhân thứ 9. Tính đến chiều nay còn 9 nạn nhân đang mất tích.
|
|
Trực tiếp chỉ huy và điều động các phương tiện, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, đại tá Vũ Thành Nam, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình, cho hay dù nỗ lực với cường độ cao nhất nhưng công tác tìm kiếm cứu nạn chưa mang lại nhiều kết quả, khi đến chiều 12.10 vẫn còn 9 người mất tích. Khó khăn lớn nhất là hiện trường quá rộng, khối lượng bùn đất, đá quá nhiều nên công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ xác định diễn ra trong nhiều ngày.
Cũng trong chiều qua, lực lượng công binh đã đến hiện trường để tham gia tìm kiếm người mất tích. Bên cạnh đó, đội chó nghiệp vụ của Bộ Công an được điều động hỗ trợ dò tìm tung tích nạn nhân mất tích.
Theo đại tá Vũ Thành Nam, trong ngày hôm nay (13.10), công tác tìm kiếm cứu nạn sẽ tính toán và sử dụng phương án khoan nổ mìn phá đá tảng để tiếp tục tiến sâu vào hiện trường.
Thủ tướng thị sát công tác chống lũ tại Ninh Bình
Sáng 12.10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hủy chuyến công tác tiếp xúc cử tri tại TP.Hải Phòng để vào Ninh Bình thị sát, chỉ đạo công tác phòng chống mưa lũ. Cùng đi với Thủ tướng còn có Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và đoàn công tác của Chính phủ.
Có mặt tại đập tràn Lạc Khoái (thuộc xã Gia Lạc, H.Gia Viễn, Ninh Bình) nghe lãnh đạo tỉnh Ninh Bình báo cáo sơ bộ về tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh Ninh Bình những ngày qua, Thủ tướng trực tiếp lên ca nô thị sát tình hình nước lũ trên sông Hoàng Long.
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục theo dõi sát tình hình thời tiết, trực ban 24/24, thành lập ban chỉ huy ngay tại đập tràn, tổng kiểm tra, gia cố hệ thống đê điều - hiện đã “no nước”, có nguy cơ thẩm thấu. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần cương quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, tiến hành cưỡng chế di dời khi cần thiết.
* Kiên quyết sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm, đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khi đến thị sát hiện trường vụ sạt lở núi vùi lấp 18 người ở xóm Khanh, xã Phú Cường, H.Tân Lạc, Hòa Bình. Phó thủ tướng chỉ đạo: “Nhiệm vụ hàng đầu là huy động lực lượng, phương tiện để tìm kiếm bằng được thi thể các nạn nhân. Kiểm tra, rà soát, kiên quyết sơ tán dân ra khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở và tiếp tục có các giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại về tính mạng, tài sản của nhân dân”.
Ngọc Minh - Lê Quân
|
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão
Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết áp thấp nhiệt đới ở phía đông của Philippines đã mạnh lên thành bão, tên quốc tế là Khanun. Lúc 19 giờ ngày 12.10, vị trí bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc và 123,6 độ kinh đông, cách đảo Luzon (Philippines) khoảng
170 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 13.10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,4 độ vĩ bắc và 118,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 670 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 12.
P.Hậu
|
Bình luận (0)