Sáng 23.5, tiếp tục kỳ họp 9, Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Một trong những vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu là đề xuất cho phép TP.Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch thành phố.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) nhất trí với đề xuất của Chính phủ trong việc cho phép Đà Nẵng được tiếp tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để đảm bảo tính kịp thời, không bỏ lỡ thời cơ, nhất là phát huy lợi thế đất đai, nguồn lực đặc biệt lớn trong giai đoạn này để mời gọi thu hút đầu tư, tăng nguồn lực cho đầu tư và phát triển.
Tuy nhiên, theo đại biểu Gia Lai, vấn đề đặt ra là việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ nhưng đảm bảo nguyên tắc nghiêm ngặt, tuyệt đối không phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. Bên cạnh đó, gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi về hưu hoặc chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch của nhiệm kỳ trước gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cũng đồng tình cho rằng cần có sự phân quyền, thẩm quyền để điều chỉnh quy hoạch. Từ đó, ông Trí đồng ý với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật đề nghị Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định phân cấp cho chính quyền thành phố Đà Nẵng phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, gắn với những điều kiện nhất định, đồng thời đơn giản trình tự, thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhưng vẫn phải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện.
“Tôi cũng đề nghị TP.Đà Nẵng phải giải quyết triệt để những vi phạm về đất đai, đặc biệt là việc người nước ngoài, nhất là người Trung Quốc mượn danh hoặc núp bóng liên doanh nhằm mua đất, lấy đất địa phương, kể cả những vùng nhạy cảm”, đại biểu Trí nói và cho biết, đây là vấn đề mà báo chí, dư luận đang đề cập khá nhiều.
“Việc này Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội trong kết luận cũng đã nêu và đề nghị tổng rà soát của cả nước, ở nhiều địa phương chứ không riêng gì Đà Nẵng cho nên đề nghị phải tập trung vào làm việc này”, ông Trí nói thêm.
Trước đó, như Thanh Niên đưa tin, trả lời cử tri mới đây, Bộ Quốc phòng cho biết, tại Việt Nam có 134 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động. Các doanh nghiệp này sử dụng đất với tổng diện tích 162.467,7 ha (trong đó có 943,7 ha thuộc khu vực biên giới đất liền và 5.393,7 ha khu vực biên giới biển, kể cả mặt biển).
Tại TP.Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng cho hay, từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển TP.Đà Nẵng có 134 lô, 1 thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người Trung Quốc đang sở hữu, “núp bóng” sở hữu và thuê của UBND TP.Đà Nẵng.
Cũng theo Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở TP.Đà Nẵng, người Trung Quốc chủ yếu dựa theo 2 hình thức: thứ nhất, là thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam. Thứ hai, người Trung Quốc đầu tư tiền cho cá nhân người Việt Nam (chủ yếu người Việt gốc Hoa) để mua đất.
Liên quan tới quản lý, sử dụng đất đai, tại báo cáo gửi Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước cũng đã kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với UBND TP.Đà Nẵng, Chủ tịch UBND thành phố và một số cơ quan khác có liên quan đến các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2017 trên địa bàn thành phố.
|
Bình luận (0)