Ngày 13.1, HĐXX tiếp tục làm việc và đề nghị các luật sư tham gia thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh (52 tuổi, nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB, nguyên Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh - gọi tắt Tập đoàn Thiên Thanh) cùng đồng phạm; những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan về hành vi sai phạm trong gói tín dụng vay 4.700 tỉ đồng tại Ngân hàng BIDV, gây thiệt hại cho VNCB trên 2.550 tỉ đồng.
Đáng chú ý là nội dung các luật sư của Phạm Công Danh xét hỏi đại diện Ngân hàng Xây dựng - CB Bank (được đổi tên sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mua lại VNCB với giá 0 đồng) về số tiền 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ mà nhóm Phạm Công Danh gồm 22 cá nhân và 3 pháp nhân gửi vào VNCB.
tin liên quan
Tại sao không thể dẫn giải ông Trần Bắc Hà ra tòa?Đề nghị NHNN trả 4.500 tỉ đồng cùng lãi
Theo hồ sơ vụ án, sau khi Danh và đồng phạm vay 4.700 tỉ đồng tại BIDV, các bị cáo đã sử dụng 4.000 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB; đồng thời sau khi vay được gần 1.700 tỉ đồng tại TPBank, Danh cũng sử dụng 500 tỉ đồng để tăng vốn điều lệ cho VNCB. Như vậy, từ số tiền được quy kết là vay do hành vi “cố ý làm trái…”, Danh đã sử dụng 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ cho VNCB.
Tại những phiên tòa vừa qua, bị cáo Danh cho rằng từ 14.2.2014 - 26.7.2014, VNCB đã sử dụng hơn 7.614 tỉ đồng tiền mặt, tiền gửi NHNN, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (trong đó bao gồm 4.500 tỉ đồng gửi tại LienVietPostbank) chuyển về Sở Giao dịch NHNN để VNCB sử dụng. Nhưng sau khi tiền chuyển về Sở Giao dịch, NHNN có văn bản không đồng ý cho VNCB tăng vốn điều lệ thì đến nay NHNN và VNCB (nay là CB Bank) vẫn chưa trả lại 4.500 tỉ đồng cho bị cáo. Do vậy, Danh đề nghị NHNN trả 4.500 tỉ đồng cùng lãi phát sinh khoản tiền này để bị cáo khắc phục hậu quả cho vụ án.
Để làm rõ vấn đề, các luật sư bào chữa cho Danh đề nghị xét hỏi đại diện NHNN. Do đại diện NHNN không có mặt nên HĐXX yêu cầu thư ký triệu tập lại phía NHNN đến tòa vào sáng 15.1.
Tại tòa, đại diện CB Bank khẳng định 4.500 tỉ đồng đã hòa chung vào dòng tiền của VNCB, tuy nhiên VNCB đã sử dụng trước khi NHNN tiếp quản; đồng thời từ thời điểm NHNN tiếp quản CB Bank thì chưa ai trong 22 cá nhân và 3 pháp nhân gửi 4.500 tỉ đồng rút khoản tiền này ra, còn trước đó thì CB Bank không có dữ liệu.
Luật sư Hà Hải (1 trong 7 luật sư bào chữa cho Danh) đặt câu hỏi với đại diện CB Bank: “Theo tài liệu VNCB cung cấp cho cơ quan điều tra và theo cáo trạng, 6 mục đích chi tiêu và sử dụng khoản tiền 4.500 tỉ đồng đều vì hoạt động của VNCB, không phải vì mục đích của cá nhân ông Danh, vì vậy tiền của nhóm ông Danh gửi vào tăng vốn điều lệ nhưng không được NHNN đồng ý phải trả lại cho ông Danh”. Đại diện CB Bank trả lời: “NHNN là bên tiếp quản CB Bank nên NHNN là bên quyết định… Nếu đây là yêu cầu của Phạm Công Danh thì HĐXX xem xét chứ CB Bank không có nghĩa vụ này”.
Trần Bắc Hà đã xuất cảnh, nhập viện ?
Sáng 13.1, đại diện Viện KSND TP.HCM đề nghị HĐXX xác minh tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, rằng ông Trần Bắc Hà có xuất cảnh, nhập viện tái khám bệnh ung thư gan vào ngày 8.1 (đúng ngày đưa vụ án ra xét xử - PV) tại Singapore hay không.
Đến đầu giờ chiều 13.1, chủ tọa thông báo, đại diện ủy quyền cho ông Trần Bắc Hà là ông Nguyễn Hồng Dân đã đến làm việc với HĐXX. Theo đó, ông Dân cam kết ngày 16.1 sẽ nộp các tài liệu chứng minh ông Trần Bắc Hà đang chữa bệnh tại Singapore, gồm bản dịch bệnh án tại bệnh viện ở Singapore đối với ông Hà, bản photocopy hộ chiếu của ông Hà thể hiện ông Hà đã nhập cảnh vào Singapore ngày 7.1. Ông Dân cho biết, tất cả những tài liệu này sẽ có xác nhận của Lãnh sự VN tại Singapore để HĐXX xem xét về việc ông Hà liên tục vắng mặt theo lệnh triệu tập của HĐXX là lý do khách quan.
Đối với Phó tổng giám đốc BIDV Trần Lục Lang, đại diện Viện KSND TP tiếp tục đề nghị HĐXX triệu tập đến tòa thêm lần nữa vì hiện không có gì chứng minh ông Lang bị bệnh hiểm nghèo hoặc có sự trở ngại về mặt khách quan cũng như trở ngại theo điều 127 của bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Theo cáo trạng, ông Trần Bắc Hà, ông Trần Lục Lang có hành vi ký 12 quyết định, 12 tờ trình đồng ý chủ trương cho 12 công ty do Danh thành lập vay tiền tại BIDV chi nhánh. Tuy nhiên, do BIDV không xảy ra thiệt hại nên các cá nhân liên quan không phạm tội “vi phạm quy định về cho vay…”.
Đồng thời, kết quả điều tra xác định, không có tài liệu, chứng cứ, lời khai nào thể hiện những người liên quan trên biết các công ty vay vốn tại BIDV là do Danh thành lập, điều hành nên không đủ căn cứ xác định vai trò đồng phạm với Phạm Công Danh.
Tuy nhiên, Viện KSND tối cao đề nghị Viện KSND TP và HĐXX tiếp tục điều tra công khai tại tòa những người này. Nếu có cơ sở thì tiếp tục xử lý. Phiên tòa sẽ làm việc lại vào ngày 15.1.
Bình luận (0)