Đề xuất phương án mới xử lý tài sản không rõ nguồn gốc của quan chức

Lê Hiệp
Lê Hiệp
10/08/2018 15:09 GMT+7

Ủy ban Tư pháp và cơ quan soạn thảo luật Phòng chống tham nhũng đề xuất phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước đối với tài sản không rõ nguồn gốc theo thủ tục tư pháp tại tòa án.

Chiều 10.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 26, cho ý kiến lần thứ 2 về dự án luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Báo cáo tại phiên họp, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, cơ quan thẩm tra dự án luật, cho biết tại phiên họp thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất về 3 nội dung, gồm: cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập và phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước.
Còn nội dung về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (điều 57), do vẫn còn có nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan trình dự án và các cơ quan hữu quan tiếp tục cân nhắc, nghiên cứu để lựa chọn phương án tối ưu, có căn cứ, phù hợp với thực tiễn, báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội thông qua.
Vào ngày 23.7, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì làm việc với lãnh đạo các cơ quan hữu quan để thảo luận về vấn đề này.
Tại cuộc họp, các cơ quan tham dự đã thống nhất bổ sung thêm phương án xác lập quyền sở hữu của Nhà nước tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc theo thủ tục giải quyết vụ việc, vụ án dân sự tại tòa án để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Chính trị và báo cáo Quốc hội.
Theo phương án này, đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (giải trình không có căn cứ pháp luật hoặc giải trình không phù hợp với thực tế hình thành tài sản, thu nhập tăng thêm đó) thì việc xác lập quyền sở hữu đối với tài sản, thu nhập này phải thông qua thủ tục tố tụng dân sự tại tòa án.
Theo bà Nga, ưu điểm của phương án này là vừa thể hiện được thái độ mạnh mẽ của Nhà nước đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; giải quyết được những vướng mắc trong kiểm soát tài sản, thu nhập của luật Phòng chống tham nhũng hiện hành; góp phần khuyến khích sự minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.
Về tố tụng dân sự, đối với trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đồng ý bằng văn bản với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập có đơn yêu cầu và tòa án tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục giải quyết việc dân sự, theo quy định tại Phần thứ 6 của bộ luật Tố tụng dân sự.
Trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không đồng ý với kết luận xác minh thì cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập khởi kiện và tòa án thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết vụ án dân sự, theo quy định tại Phần thứ 2 của bộ luật Tố tụng dân sự.
Phương án này không mâu thuẫn với quy định về trách nhiệm chứng minh trong tố tụng dân sự (đa số các trường hợp, nghĩa vụ chứng minh thuộc về người khởi kiện). Bởi vì luật Phòng chống tham nhũng hiện hành quy định người có nghĩa vụ kê khai phải có trách nhiệm giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm và quy định này tiếp tục được kế thừa trong dự thảo luật.
Mặt khác, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai.
“Như vậy, trong quá trình tranh tụng, tòa án phán quyết về tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước”, bà Nga giải thích và cho biết, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án luật đề nghị lựa chọn phương án này thay vì phương án thu thuế 45% và xử phạt hành chính như đã trình trước đây.
Tuy nhiên, do vẫn còn ý kiến khác nhau nên Ủy ban Tư pháp vẫn trình 2 phương án, gồm phương án xác lập quyền sở hữu thông qua thủ tục tố tụng dân sự và thu thuế để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.