Theo dự thảo tờ trình, Bộ LĐ-TB-XH lý giải mục đích việc điều chỉnh lần này nhằm cụ thể hóa các quy định tại điều 57 luật BHXH năm 2014; đồng thời xử lý vấn đề lương hưu thấp đối với những người nghỉ hưu trước năm 1995 theo phản ánh của các cử tri, đại biểu Quốc hội. Từ đó, Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án điều chỉnh: phương án 1 sẽ tăng 10%, nếu điều chỉnh từ ngày 1.7; phương án 2 tăng 15%, điều chỉnh từ 1.1.2022.
Với phương án 1, Bộ LĐ-TB-XH giải thích mức tăng này để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp BHXH. Dự kiến, số người được điều chỉnh từ ngân sách nhà nước chi trả hơn 925.000, với kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỉ đồng (bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế). Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ BHXH khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng.
Về phương án 2, Bộ LĐ-TB-XH lý giải mức tăng này đảm bảo bù đắp trượt giá duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế 3 năm liên tiếp, từ 2019 - 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020 - 2021. Theo phương án này, ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ BHXH chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.
Ông Trần Hải Nam, Phó vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH), cho biết: “Dự thảo mới bắt đầu lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ LĐ-TB-XH sẽ có quan điểm về phương án cụ thể sau khi nhận được các ý kiến góp ý để trình Chính phủ quyết định”.
Ngoài ra, riêng đề xuất điều chỉnh lương hưu, tại dự thảo, Bộ LĐ-TB-XH đề xuất điều chỉnh mức hưởng cho những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng. Nếu đề xuất được thông qua, sẽ có khoảng 426.000 người thuộc 8 nhóm thụ hưởng.
Bình luận (0)