Đi tìm Kỳ lân châu Á:​ Bức ảnh sao la chấn động

20/06/2020 09:09 GMT+7

Khi sao la xuất hiện trong một bức ảnh được chụp vào lúc 18 giờ 16 phút ngày 7.9.2013, những người làm công tác bảo vệ rừng như vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Có lúc, những người làm công tác bảo tồn hoài nghi về sự tồn tại của sao la ở núi rừng Trường Sơn. Nhưng rồi năm 2013, bức ảnh chụp được sao la trong rừng rậm Quảng Nam đã gây chấn động, dấy lên nhiều hy vọng bảo tồn loài động vật quý hiếm bậc nhất thế giới...

Khám phá nghẹt thở

Chuyện phát hiện sao la “bằng xương bằng thịt” vào năm 1998 tại Thừa Thiên - Huế lui dần vào quá khứ khi chúng bặt tăm suốt thời gian dài sau đó. Kể cả khi khu bảo tồn (KBT) sao la lập tại H.A Lưới (Thừa Thiên - Huế) năm 2010, một năm sau lập KBT tại Quảng Nam. Với diện tích khoảng 30.000 ha của 2 KBT liền kề, tìm sao la chẳng khác gì mò kim đáy bể.

Bức ảnh gây chấn động giới bảo tồn sau thời gian “mò kim đáy bể”

Thế rồi, nó xuất hiện, trong một bức ảnh được chụp vào lúc 18 giờ 16 phút ngày 7.9.2013. Những người làm công tác bảo vệ rừng như vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Năm đó, tại Quảng Nam, thông tin “bẫy” được sao la qua thiết bị ảnh gây xôn xao suốt mấy tháng liền.
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 13.11.2013, TS Văn Ngọc Thịnh, Giám đốc WWF Việt Nam, tỏ ra phấn khích: “Lần đầu tiên nhìn các bức ảnh, chúng tôi đã không thể tin vào mắt mình. Sao la được những nhà bảo tồn Đông Nam Á coi là một “báu vật”, nên chúng tôi vô cùng hạnh phúc. Đây là một khám phá nghẹt thở, một số người tin rằng sao la đã biến mất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Ghi nhận này làm sống lại hy vọng về sự phục hồi quần thể của loài này”.
Hôm biết tin phát hiện sao la, ông Thịnh đang tham dự hội nghị thường niên của Tổ chức WWF tại Thụy Sĩ. Trong niềm tự hào dâng cao, ông đã công bố với đại diện của gần 200 quốc gia rằng Việt Nam chính thức tái phát hiện sao la qua bẫy ảnh tại khu vực rừng sâu thuộc tỉnh Quảng Nam. Ông nhớ lại, lúc đó những người dự họp hết sức ngỡ ngàng. Bởi suốt 15 năm qua, các chuyên gia vẫn chưa trả lời câu hỏi lớn là liệu sao la quý hiếm ở trung Trường Sơn, vùng biên giới Việt - Lào có còn tồn tại hay không…
Khi tiếp cận những bức ảnh này, ông William Robichaud, thời điểm đó đang là điều phối viên Nhóm bảo tồn sao la (Ủy ban Bảo tồn loài - IUCN), đã thốt lên rằng đây là bức ảnh chụp loài hoang dã quan trọng nhất của châu Á và có thể là của thế giới trong vòng 10 năm qua. “Anh em làm công tác bảo tồn sao la thường nói vui với nhau “con sao la ăn sáng ở A Lưới, rồi chiều tối về Tây Giang ngủ”. Đôi lúc có chút ganh tị vì KBT sao la Quảng Nam ghi được bức ảnh, còn ở A Lưới thì chưa. Nói vui vậy thôi, bức ảnh đã gỡ bỏ những hoài nghi về sự tồn tại loài sao la cũng như áp lực dư luận đối với chúng tôi, rằng bảo tồn sao la mà đã… thấy nó chưa?”, một cán bộ KBT sao la Thừa Thiên - Huế chia sẻ.

Anh Lê Ka Thắng - người đặt chiếc “bẫy ảnh” đã chụp được bức ảnh quý giá ghi nhận sự tồn tại của sao la

Ảnh: Hoàng Sơn

“May mắn đến trong… 1 giây”

Bức ảnh trắng đen hiển thị thời điểm chụp sao la vào lúc 18 giờ 16 phút 20 giây ngày 7.9.2013, nhiệt độ ngoài trời 16 độ C. Ở bìa phải bức ảnh, con sao la đang cúi đầu dò đường. Phần đầu con sao la gần như không ghi nhận được. Nhưng đặc điểm quan trọng nhất là cặp sừng dài, nhọn, cong vút về phía sau vẫn kịp lưu lại trong bức ảnh.
Không nghi ngờ gì nữa, các nhà khoa học khẳng định sao la đã được tái phát hiện sau 15 năm vắng bóng. Thông tin này đã thôi thúc các hãng tin nổi tiếng trên thế giới, những nhà nghiên cứu nước ngoài tìm đến, cùng các nhóm tuần tra của KBT sao la Quảng Nam vào rừng ghi nhận.
“Lần nào họ cũng tìm gặp tôi rồi hỏi: Làm thế nào tôi có thể chụp được bức ảnh quý giá này? Nhưng thú thật tôi gặp may vì đó là thiết bị chụp ảnh tự động mà thôi. May mắn đã đến trong 1 giây. Nếu chậm 1 giây thôi, khi con sao la vút qua, máy không ghi nhận được cặp sừng đặc trưng thì đến nay vẫn không thể khẳng định loài sao la còn tồn tại”, anh Lê Ka Thắng, cán bộ KBT sao la Quảng Nam, trải lòng. Anh Thắng chính là người đã đặt thành công chiếc “bẫy ảnh” ghi nhận sự tồn tại của sao la ở một tiểu khu bí mật trong lâm phận quản lý.
Đó là một ngày giữa mùa mưa. Nước từ các khe suối dâng lên cao, anh cùng một cán bộ khác len lỏi qua những cánh rừng ẩm ướt, vượt qua những vách đá dựng đứng để đến một con suối nhỏ. “Khu vực này tôi đã đặt “bẫy ảnh” trong nhiều tháng liền và ghi nhận có nhiều dấu vết sao la để lại trên đám môn thục. Đây là món khoái khẩu của sao la. Khác với các loài động vật khác, sao la khi gặp môn thục sẽ ăn đến tận gốc và ăn hết cả vạt”, anh Thắng kể.
Cứ thế, ròng rã 2 tháng đặt “bẫy ảnh” không có kết quả gì. Không nản, anh tiếp tục tìm vị trí mới là một gốc cây cao cách mặt suối khoảng 2 m vì sợ lũ cuốn, rồi chĩa máy về hướng đó. Lần này, “bẫy ảnh” đã chụp được chú sao la đang tung tăng kiếm ăn... Dù vậy, anh tỏ ra tiếc nuối vì không thể chụp được trọn vẹn hình ảnh sao la.
Đi tìm Kỳ lân châu Á: Bức ảnh chấn động2

Để bảo vệ tốt môi trường sinh sống của sao la, các đội tuần tra thường xuyên “săn” bẫy thú rừng và phá bỏ

ẢNH: HOÀNG SƠN

Hướng đi kiếm ăn của con sao la trong hình ảnh chụp được khá lạ. Ngay sau phát hiện này, tất cả “bẫy ảnh” của đơn vị được huy động “bố ráp” khắp tiểu khu và khu vực lân cận nhưng không ghi nhận thêm hình ảnh nào nữa.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam, cho biết từ khi phát hiện hình ảnh sao la qua bẫy ảnh năm 2013, đến nay các đội tuần tra chưa ghi nhận thêm. “Trên hiện trường, chúng tôi vẫn ghi nhận được dấu ăn của sao la. Nhưng chụp hình thì chưa do lượng máy ảnh quá ít so với địa bàn rộng lớn đến 15.000 ha”, ông Sơn nói thêm.

Niềm vui của “người rừng”

Sau bức ảnh “làm nên lịch sử”, anh Thắng cùng đội tuần tra của mình được thưởng nóng, tuyên dương. Anh được nhiều người làm công tác bảo tồn tìm gặp để hỏi chuyện. Anh vừa ra khỏi rừng sau chuyến dẫn đoàn chuyên gia, phóng viên đến tác nghiệp thì lại quay vào, vì nhận lời dẫn chúng tôi đi ghi nhận chuyến tuần tra. A Ting Lập, cán bộ KBT sao la Quảng Nam, nhận xét về Lê Ka Thắng: “Ở tuổi 46, được coi là “già làng” của đơn vị, đôi chân anh vẫn thoăn thoắt qua từng ngọn núi mà đám thanh niên trong đội đôi khi còn theo không kịp”.

Vào thủ phủ sao la, nghe người dân kể về sự hiện diện của “Kỳ lân”

Sinh ra ở vùng Cơ Tu phương (vùng thấp) tại xã Ba (H.Đông Giang, Quảng Nam) nhưng tâm trí Lê Ka Thắng lúc nào cũng hướng về những ngọn núi cao. Năm 1995, anh tốt nghiệp trung cấp lâm nghiệp và làm kiểm lâm ở huyện. Nhưng rồi vì yêu núi rừng, đến khi chuyển đơn vị lên xã Bha Lêê (H.Tây Giang) để công tác tại KBT sao la, anh cũng chuyển hẳn vợ và 3 đứa con lên luôn. Anh kể, hồi ở Đông Giang cũng làm công tác bảo vệ rừng, nhưng ít đi hơn. Vào làm ở KBT từ những ngày đầu, số lần xa nhà có khi đến hàng tháng. Lắm lúc về đến nhà, chưa gặp đủ các con, anh đã lại vào rừng ngay. Đứa con út không kịp gặp bố cứ khóc rưng rức. Vợ con đôi khi “phát ghen” vì như thể anh yêu rừng hơn yêu họ.
Ông Lê Hoàng Sơn, Phó giám đốc KBT sao la Quảng Nam, kể anh Thắng đã được biên chế KBT ngay từ khi thành lập. Tuần tra, đặt “bẫy ảnh” anh đều tham gia. “Để theo dấu sao la, anh ấy gần như thành “người rừng”, có khi 5 tháng liền chỉ ra khỏi rừng lấy thức ăn rồi vào lại. Anh đã băng qua nhiều trái núi để tập trung giám sát, tập trung nghiên cứu”, ông Sơn chia sẻ.
Gần 10 năm thành lập KBT, số nhân sự các đội tuần tra cũng tăng lên. Thêm nhiều người tham gia cắt rừng tìm dấu sao la hơn, nhưng Lê Ka Thắng vẫn tác phong “không có việc ở nhà thì vào rừng”. Anh thường nói vui với anh em, con sao la xuất hiện trong ảnh nhưng lại… mang khẩu trang, chỉ chừa lại cặp sừng như để thông báo rằng “tôi có mặt”.
“Suốt 7 năm qua, sao la không lần nào xuất hiện nữa, chỉ để lại dấu vết trên những đám môn thục. Chừng nào sao la chưa xuất hiện lại, chừng đó tôi còn vào rừng đi tìm nó”, anh quả quyết. (còn tiếp)

Bật mí công việc của “người rừng” đi tìm dấu chân “kỳ lân” ở dãy Trường Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.