Chiều 25.6, tại cuộc họp báo của Bộ Công an về tình hình, kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020, lãnh đạo Bộ Công an đã giải đáp về nhiều vụ án dư luận quan tâm, trong đó có vụ án nâng khống máy xét nghiệm Covid-19 tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).
Phát hiện nhiều vấn đề liên quan đấu thầu
Theo thượng tá Trần Văn Phúc, Phó cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03, Bộ Công an), ngày 22.4, ngay sau khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can tại CDC Hà Nội, C03 đã tham mưu cho Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, TP và lực lượng cảnh sát kinh tế vào cuộc. “Hiện nay, lực lượng cảnh sát kinh tế tại các địa phương vẫn đang tiếp tục điều tra việc mua máy xét nghiệm ở các địa phương”, thượng tá Phúc nói.
|
Trả lời câu hỏi của Thanh Niên về việc quá trình điều tra có phát hiện ra những kẽ hở trong cơ chế chính sách khiến tội phạm lợi dụng nâng khống giá trang thiết bị y tế, đặc biệt là máy xét nghiệm Covid-19, thượng tá Trần Văn Phúc cho biết C03 cũng đã tham mưu cho Bộ Công an báo cáo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương rà soát kiểm tra, thanh tra tất cả gói thầu mua sắm trang thiết bị, vật tư phòng chống dịch Covid-19. “Đến nay chúng tôi đã phát hiện một số vấn đề liên quan đến đấu thầu, khi kết thúc vụ án, chúng tôi sẽ có những kiến nghị cụ thể”, thượng tá Phúc cho hay.
“Bắt tay” nhau đẩy giá máy lên rất cao
Trong ngày 25.6, trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo của Vụ Trang thiết bị - công trình y tế (Bộ Y tế), cho biết máy xét nghiệm được một số đơn vị đấu thầu mua sắm đã bị đẩy lên rất cao so với giá nhập vì mua bán lòng vòng. Nguyên nhân là do chủ đầu tư không tham khảo giá thị trường, không tham khảo đầy đủ giá từ các gói thầu từng mua sắm trước đó.
Đáng lưu ý, theo vị lãnh đạo này thì “các đơn vị chủ đầu tư mua sắm đã không tìm hiểu để mua máy từ nhà cung cấp chính gốc. Họ chấp nhận mua máy từ các công ty một cách lòng vòng, thay vì mua qua các đại diện phân phối, cho thấy có sự “bắt tay” nhau giữa các bên, bao gồm cả đơn vị thẩm định giá, các công ty trung gian”.
|
Để tránh phát sinh tiêu cực, theo Vụ Trang thiết bị - công trình y tế, để mua sắm máy móc trong lĩnh vực y tế, các đơn vị phải cung cấp giá trúng thầu mua sắm trang thiết bị về Bộ Y tế, kết quả sẽ được đăng tải trên cổng thông tin chuyên về thiết bị y tế của Bộ Y tế.
Đặc biệt, mới đây Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị kết nối với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham Việt Nam), Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) để có thông tin về giá các sản phẩm cung cấp tại Việt Nam. Các đơn vị này cũng phải cung cấp danh sách các đại lý phân phối chính thức tại Việt Nam; cung cấp giá nhập khẩu các mặt hàng kinh doanh và giá của linh kiện, phụ kiện thiết bị; giá bảo trì sau bán hàng. Tất cả các thông tin này phải được công khai làm cơ sở tham khảo.
Cùng ngày, ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết sau khi tập hợp báo cáo của các đơn vị về việc mua sắm thiết bị phòng chống dịch Covid-19, bộ này đã có báo cáo gửi lên Chính phủ.
Quảng Ninh thanh tra toàn diện việc mua sắm vật tư chống dịchTrao đổi với Thanh Niên chiều 25.6, ông Điệp Văn Chiến, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Chúng tôi không thanh tra chuyên đề về việc mua máy Realtime PCR tự động mà thanh tra toàn diện công tác mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ chống đại dịch Covid-19. Chính vì vậy, kết luận sẽ có muộn hơn so với các tỉnh, TP khác”.
Theo Sở Y tế Quảng Ninh, đơn vị này được UBND tỉnh Quảng Ninh cấp hơn 186 tỉ đồng phục vụ mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19. Tính đến tháng 6.2020, đơn vị đã sử dụng hơn 100 tỉ đồng.
Lã Nghĩa Hiếu
|
Như Thanh Niên phản ánh, ngày 22.4, C03 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 người về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại điều 222, bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Các bị can gồm PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán (CDC Hà Nội); Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH vật tư khoa học và thương mại VN (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH phát triển khoa học Vitech và Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông.
Kết quả điều tra ban đầu của C03 xác định từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội đã thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch Covid-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được CDC Hà Nội thực hiện theo phương thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, hệ thống Realtime PCR tự động khi nhập khẩu về VN chỉ có có giá khoảng 2,3 tỉ đồng nhưng CDC Hà Nội mua vào với giá cao hơn gấp 3 lần, hơn 7 tỉ đồng. Theo lãnh đạo C03, hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và “thổi giá”.
Ngoài Hà Nội, điều tra của Thanh Niên đã phát hiện nhiều địa phương khác cũng có tình trạng tương tự như Ninh Bình, Bắc Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Nam...
|
Bình luận (0)