Trong phiên làm việc ngày 28.5, Quốc hội (QH) thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2016.
Trước đó, thay mặt QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giám sát cho thấy đến hết năm 2016, cả nước còn 583 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Đến hết năm 2016, sau 5 năm, tổng tài sản của các DN 100% vốn nhà nước tăng 45,8%; vốn chủ sở hữu tăng 92,2%. Hiệu quả kinh doanh của một tập đoàn có tỷ suất lợi nhuận cao như Viettel 43,5%, Tập đoàn cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty mía đường là 29,9%...
tin liên quan
Năm 2017, nợ của 12 đại dự án thua lỗ tăng thêm 3.440 tỉ đồngCó động cơ cá nhân, lợi ích nhóm
Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Vũ Tiến Lộc (Thái Bình), Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI), đánh giá kết quả yếu kém, thua lỗ của DNNN là một thực trạng đáng buồn bởi các DN này lẽ ra phải đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt thì nay lại đang ở vị trí “khóa đuôi”. “Năm 2016 các DNNN đã phải bỏ ra gần 10 đồng vốn đầu tư mới để thu được 1 đồng tăng trưởng, cao gấp 2 lần so với chỉ tiêu 5 đồng của khu vực kinh tế đầu tư nước ngoài và cao gấp 1,5 lần so với mức trên 6 đồng của khu vực kinh tế ngoài nhà nước”, ông Lộc so sánh.
|
ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng thực trạng này đã nói nhiều, nói mãi rồi nhưng chưa được khắc phục. Lý do là trình độ quản lý DN yếu kém dẫn tới làm ăn thua lỗ. Thứ hai, có động cơ cá nhân, lợi ích nhóm thông qua các hành vi như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp để hưởng lợi; rót vốn vào lĩnh vực không hiệu quả để chia chác… “Dù DN lỗ nhưng không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay xử lý đi tù vì chuyện quản lý yếu kém, có chăng chỉ là vì sai phạm… Có DN khi cần báo cáo để thăng chức, tăng quỹ lương hoặc để xin vốn thì ngay lập tức sẽ có báo cáo lãi, khi báo cáo cho cơ quan tài chính để nộp thuế thì lại có một báo cáo lỗ. Người ta nói rằng, báo cáo tài chính của các DN như có phép thần thông biến hóa giữa lỗ và lãi”, ĐB Cường bày tỏ chính kiến.
Theo ĐB Leo Thị Lịch (Bắc Giang), cũng có nguyên nhân là các lãnh đạo vẫn tư duy theo kiểu coi DNNN như là “sân sau” của mình. “Đây phải chăng là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích, khi một số cơ quan quản lý nhà nước “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Từ đó vừa làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước, vừa tạo ra sự ỷ lại không chịu vươn lên của DNNN, vừa làm méo mó môi trường cạnh tranh và gây ra nhiều tiêu cực”, ĐB Lịch thẳng thắn góp ý.
Cần thanh tra việc bán tài sản nhà nước
Để khắc phục tình trạng DNNN làm ăn thua lỗ và làm thất thoát tài sản, ĐB Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải thanh, kiểm tra các vụ việc bán tài sàn nhà nước và kiểm tra liên quan đến các tổ chức thực hiện chức năng về thẩm định giá, đấu giá. Không thể để tình trạng tệ hại là khi DNNN thua lỗ bán tài sản, máy móc thiết bị thì đây lại là một cơ hội làm ăn béo bở cho nhóm người bị ví như “kền kền ăn xác chết”.
tin liên quan
Đại biểu Quốc hội: Để doanh nghiệp thua lỗ, chưa thấy ai bị mất chức, đi tùGiải trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận nguyên nhân của yếu kém DNNN là do hoạt động thiếu sự tự chủ, bởi nhiều khi phải chịu sự can thiệp của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan hành chính nhưng một mặt khác nữa bản thân đội ngũ quản trị DNNN lại có tâm lý né tránh trách nhiệm, ỷ lại và đẩy những trách nhiệm lên cho các cơ quan quản lý. Một nguyên nhân lớn nữa dẫn đến sự thiếu hiệu quả được bộ trưởng đồng ý với ĐB Leo Thị Lịch là tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
“Đặc biệt với sự phình to của bộ máy và quan liêu hóa của hệ thống DNNN dẫn đến quản trị không đáp ứng được yêu cầu thực tiễn tiến triển rất nhanh của thị trường thế giới trong các bối cảnh của toàn cầu hóa”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Đề cập tình trạng cố tình làm sai và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực đầu tư mà điển hình là 12 dự án thua lỗ và kém hiệu quả của chính ngành công thương, theo bộ trưởng thì không chỉ các cán bộ có trách nhiệm của các DNNN mà bản thân cán bộ quản lý của các bộ, ngành, các cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Trần Tuấn Anh cũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của ĐB Quang Hàm (Phú Thọ) đã phát biểu là phải xác định rõ nguyên tắc của hoạt động để không thoái vốn, bán đi những lĩnh vực kinh doanh rất có hiệu quả của các DN để rồi tiếp tục đầu tư mua vốn tại những lĩnh vực hoạt động khác mà thậm chí phần kinh doanh hiệu quả còn chưa cao bằng.
Báo cáo tài chính không trung thực
Qua thanh tra, chúng tôi nhận định rằng, tồn tại lớn nhất hiện nay là báo cáo tài chính của DN. Tại thời điểm báo cáo vào cuối năm, DN thường chưa báo cáo trung thực, không phản ánh đúng vốn, tài sản nhà nước. Báo cáo không trung thực, không đầy đủ, khi công khai sẽ gây hậu quả khó lường cho người tiếp nhận thông tin, đặc biệt là các nhà đầu tư, các nhà quản lý. Những tồn tại, hạn chế, hậu quả xảy ra, chúng tôi cho rằng xuất phát từ đó. Việc không phát hiện những khuất tất trong báo cáo tài chính như là DN bị bệnh rồi nhưng bác sĩ không chẩn đoán được, không phát hiện, không bóc tách được những loại bệnh, và không có đơn thuốc, thì bệnh càng ngày càng nặng, và đi đến phá sản là điều đương nhiên. Qua thanh tra chúng tôi thấy, một số DN làm tốt, nhưng có một số DN kinh doanh có hiệu quả thường có xu hướng giấu bớt đi với mong muốn thận trọng giữ lại để làm nguồn dự phòng, phòng khi rủi ro cho năm tiếp theo. DN lỗ, thất thoát tài sản, vốn nhà nước thường cố tình tạo ra khoảng có lợi, không có thật để che giấu những khoản đó, nhằm tránh trách nhiệm cũng như tiếp tục tìm cơ hội để khắc phục.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái
Đã chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn
Ngày 28.5, Tổng thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc trao đổi nhanh với báo chí về nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp này. Theo đó, trong tổng số 473 phiếu lấy ý kiến thu về, số phiếu lựa chọn của các đại biểu cho các lĩnh vực lần lượt là: giao thông vận tải 93,23%; tài nguyên - môi trường 89,2%; giáo dục - đào tạo 85,84%; lao động - thương binh - xã hội 68,29% và đứng cuối cùng là xây dựng với tỷ lệ 66,17%. Tổng thư ký đã thông báo chính thức 4 nhóm vấn đề được chọn chất vấn, bao gồm: giao thông vận tải, giáo dục - đào tạo, tài nguyên - môi trường và lao động - thương binh - xã hội.
Thông tin thêm về việc trả lời chất vấn của Thủ tướng, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết vào ngày 6.6 theo lịch trình chất vấn chắc chắn Thủ tướng sẽ không có mặt, do bận dự hội nghị G7, nên sẽ ủy quyền cho một phó thủ tướng. Nhưng hiện Văn phòng QH chưa nhận được văn bản nào của Chính phủ về việc phân công ai trả lời. Tuy nhiên, theo tiết lộ của Ủy viên Bộ Chính trị - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ bên lề QH, thì ông sẽ đăng đàn thay Thủ tướng.
|
Bình luận (0)