Không khó để tìm thấy những sản phẩm đồ chơi Trung Quốc có chất gây ung thư tại các nhà sách, cổng trường hay các cửa hàng lớn nhỏ ở Sài Gòn.
Nhiều đồ chơi bằng nhựa có xuất xứ Trung Quốc đang được bày bán khắp TP.HCM - Ảnh: Phạm Hữu |
Mới đây, RAPEX (hệ thống cảnh báo nhanh của Liên minh châu Âu đối với các sản phẩm tiêu dùng không an toàn và bảo vệ người tiêu dùng) đã công bố nhiều đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc chứa chất độc hại.
Có đến 20 sản phẩm đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc bị RAPEX đưa vào danh mục cảnh báo này và bị đề nghị thu hồi bao gồm những đồ chơi bằng nhựa như: bộ đồ chơi nhà bếp; nhiều mẫu búp bê nhựa (giống búp bê Barbie), bộ đồ chơi tập lặn, kính bơi…
Tuy nhiên, trên địa bàn TP.HCM, hiện không khó để tìm mua những sản phẩm này tại các nhà sách, cổng trường hay các cửa hàng đồ chơi lớn nhỏ. Ghi nhận của Thanh Niên tại một số nhà sách trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (Q.1) và nhà sách trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5), các bộ đồ chơi nhà bếp, bác sĩ, nhiều mẫu búp bê nhựa được bày bán đa dạng về mẫu mã và giá cả.
Cụ thể, bộ đồ chơi bác sĩ có giá dao động từ 60.000 – 90.000 đồng/bộ, các mẫu búp bê tùy loại giá từ 130.000 – 250.000 đồng/bộ. Đặc biệt, tại các cửa hàng đồ chơi và trước cổng trường tiểu học, miếng dán đồ chơi nhựa (sticker) rất phổ biến và được trẻ em yêu thích giá chỉ từ 3.000 – 5.000 đồng/miếng.
Những bộ đồ chơi và miếng dán nhựa này đều có màu sắc sặc sỡ, bắt mắt với nhiều kiểu dáng phục vụ cho từng độ tuổi khác nhau.
Không khó để tìm mua các loại búp bê nhựa như thế này - Ảnh: Vũ Phượng
|
Người bán không biết, người mua chủ quan
Khi được đặt câu hỏi về những mẫu đồ chơi xuất xứ từ Trung Quốc, nhất là miếng dán nhựa có khả năng gây ung thư và vô sinh ở trẻ em, nhiều chủ cửa hàng đồ chơi tỏ ra ngạc nhiên và bất ngờ. Những cửa hàng ở đây đều cho biết đa số các mặt hàng đồ chơi được lấy từ khu vực Chợ Lớn.
Một chủ cửa hàng đồ chơi trẻ em trên đường Đinh Tiên Hoàng (Q.Bình Thạnh) vô tư trả lời: “Không biết, tôi chỉ lấy hàng ở Chợ Lớn rồi về bán vậy thôi! Trên ti vi mà chiếu hoạt hình nào thì mẫu đồ chơi đó 'hot', nhất là búp bê. Vì vậy khi lấy hàng tôi quan tâm tới mẫu mã hơn là xuất xứ”.
Trong khi đó, chị Bùi Thị Cẩm Chi, chủ cửa hàng đồ chơi khác trên đường Huỳnh Văn Bánh (Q.Phú Nhuận) cho biết: “Trước tôi có nghe những mẫu đồ chơi có khả năng gây ung thư cho trẻ như miếng nhún hơi, hay đồ chơi phủ chì thay vì phủ bạc nên gây ung thư. Còn bây giờ thì tôi chưa nghe nói gì”.
Chị Chi cũng nói thêm: “Phụ huynh bây giờ mua đồ chơi cho con em cũng không quan tâm nhiều tới giả cả, mà họ quan tâm tới mẫu mã và kiểu dáng hơn. Nhiều người tới cửa hàng hỏi xem hàng Việt Nam nhưng hàng Việt Nam giá cao hơn mà mẫu mã và màu sắc lại không đẹp nên họ lại chuyển sang lấy hàng Trung Quốc”.
Nhiều người bán vẫn không biết gì về thông tin đồ chơi xuất xứ Trung Quốc có chất gây ung thư - Ả: Phạm Hữu
|
Cũng câu hỏi trên, chúng tôi đặt cho một số phụ huynh đón con trước cổng trường tiểu học Bạch Đằng (Q.Bình Thạnh) vào chiều 17.11, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ Q.Thủ Đức) bình tĩnh nói: “Từ trước nhà tôi đã cho bé chị chơi, đến giờ bé em cũng đòi chơi nên tôi cho tiền các bé vào mua trong căng-tin trường luôn”.
Chị Trần Thị Nhật Quỳnh (ngụ Q.Bình Thạnh) cho rằng: “Mình mua cho bé chơi vì nghĩ những đồ chơi như thế này vừa gọn nhẹ lại kích thích khả năng sáng tạo của bé, nhất là bộ đồ chơi búp bê. Còn bệnh hay không bệnh thì bây giờ cái gì cũng độc hại, nếu vậy thì hóa ra không xài gì và không chơi gì được luôn sao?”.
Bên cạnh những phụ huynh chủ quan như chị Thảo và chị Quỳnh cũng có một số phụ huynh vì không đủ điều kiện mua đồ chơi “xịn” cho con nên đành chấp nhận mua đồ chơi có xuất xứ Trung Quốc.
Chị Vũ Thị Thanh Nga (ngụ Q.Thủ Đức) tâm sự: “Giờ mà không mua cho con thì thấy tội, nên cũng ráng mua cho con bằng bạn bằng bè. Đồ chơi Trung Quốc giá rẻ chứ đồ chơi Việt Nam với Mỹ hay Thái gì đó thì dân lao động làm sao mà mua nổi”.
Bình luận (0)