Đô thị thông minh có giám sát CSGT?

02/05/2019 08:00 GMT+7

Thực tế là camera được trang bị cho CSGT tại TP.HCM vẫn chưa đóng vai trò giám sát hoạt động của chính lực lượng này.

Ngoài camera được trang bị cho CSGT, Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM, Trung tâm điều hành đô thị thông minh của TP.HCM có thể tích hợp với camera của CSGT để giám sát hoạt động của lực lượng này không?
Thời gian qua, lực lượng CSGT TP.HCM cũng đã được trang bị camera giám sát có kích thước nhỏ.

Chưa có đủ camera cho CSGT?

Theo ghi nhận PV Thanh Niên, sáng 24.4, trên xa lộ Hà Nội gần cầu Rạch Chiếc (Q.2, TP.HCM), tổ CSGT Đội CSGT Cát Lái, thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), thực hiện chuyên đề kiểm tra xử phạt xe máy chạy vào làn ô tô. Có 5 chiến sĩ CSGT được trang bị camera gắn trên ngực, đứng chặn và lập biên bản người đi xe máy vi phạm. Khi CSGT chặn xe, lập biên bản, ống kính camera đều hướng về phía trước để ghi hình. Chính vì điều này, nhiều người đi xe máy chấp nhận lỗi vi phạm và không cự cãi.
Muốn chứng minh cho dân biết là CSGT làm nhiệm vụ trên đường minh bạch bằng cách trang bị camera, nhưng trang bị camera cho CSGT rồi mà thiếu công tác giám sát, giao toàn quyền cho CSGT muốn tắt mở camera khi nào tùy thích thì cũng chưa ổn
Chuyên gia giao thông
Nguyễn Minh Đồng
Trước đó, khi triển khai nhiều chuyên đề tuần tra xử lý vi phạm của các Đội CSGT thuộc PC08, các cán bộ, chiến sĩ cũng được trang bị camera đeo trước ngực hoặc trên nón bảo hiểm. Việc gắn camera khi CSGT làm nhiệm vụ được kỳ vọng giám sát quá trình làm việc của CSGT, hình ảnh khi CSGT tuần tra trên đường hoặc xử lý vi phạm, hạn chế tiêu cực.
Mặt khác, hình ảnh từ camera cũng sẽ được sử dụng làm bằng chứng để xác định lỗi vi phạm trong trường hợp người vi phạm không chấp hành ký biên bản hoặc cự cãi về lỗi khi tham gia giao thông.
Trong khi đó, theo ghi nhận của nhóm PV Thanh Niên, một số tổ tuần tra của CSGT không gắn camera giám sát khi làm nhiệm vụ. Liên quan đến vấn đề này, PC08 thừa nhận hiện không đủ số lượng camera cho tất cả các tổ tuần tra.

Mới giám sát một chiều

Bên cạnh đó, trên thực tế, lực lượng CSGT phần lớn chỉ bật camera khi có sự việc cụ thể; chỉ bật khi CSGT thấy có sự việc cần ghi hình, sử dụng khi có kiện cáo, tranh cãi. Bên cạnh đó, vị trí camera được đặt trên ngực, nón bảo hiểm của CSGT chỉ mang tính chất giám sát hành vi người vi phạm. Hình ảnh từ camera sau khi kết thúc ca trực cũng không có quy định bắt buộc phải chép vào nơi cố định hoặc truyền về trung tâm quản lý.
Đầu tháng 5.2019, giai đoạn 1 của Trung tâm điều hành đô thị thông minh (đặt tại UBND TP.HCM) chính thức vận hành. Trung tâm này đã tích hợp được dữ liệu hình ảnh từ 1.107 camera giám sát giao thông của Công an TP, camera của Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn và các hệ thống camera an ninh trên địa bàn các quận, huyện và khu vực để kết nối thành một hệ thống camera tập trung.
Tiểu Thiên
Ngoài ra, theo PC08, camera trang bị cho CSGT đến nay vẫn chưa thể kết nối về trung tâm để quản lý. Hình ảnh cần thiết sau mỗi ca trực được chép ra máy tính để lưu trữ.
Do đó, thực tế là camera được trang bị cho CSGT tại TP.HCM vẫn chưa đóng vai trò giám sát hoạt động của chính lực lượng này - vốn mang nhiều “điều tiếng” trong quá trình xử lý nghiệp vụ - để đảm bảo sự minh bạch.
Chính vì thế, chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng nhận xét: “Muốn chứng minh cho dân biết là CSGT làm nhiệm vụ trên đường minh bạch bằng cách trang bị camera, nhưng trang bị camera cho CSGT rồi mà thiếu công tác giám sát, giao toàn quyền cho CSGT muốn tắt mở camera khi nào tùy thích thì cũng chưa ổn. Chính vì vậy cần phải xem lại các quy định giám sát CSGT khi sử dụng camera lúc tuần tra”.

Giám sát giao thông trên đường, chưa thể giám sát CSGT!?

Trong khi đó, đầu năm 2019, giai đoạn 1 của Trung tâm giám sát và điều khiển giao thông TP.HCM (đặt tại Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, Sở GTVT TP.HCM) chính thức đi vào hoạt động.
CSGT TP.HCM trang bị camera trên ngực khi đi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường ẢNH: VŨ PHƯỢNG
CSGT TP.HCM trang bị camera trên ngực khi đi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trên đường ẢNH: VŨ PHƯỢNG
Với hệ thống camera đã có và lắp đặt thêm, trung tâm đã cập nhật và chia sẻ dữ liệu của 762 camera giám sát giao thông với các cơ quan chức năng. Đồng thời, lắp đặt thêm 136 camera đo đếm lưu lượng giao thông chuyên dụng. Trung tâm còn khai thác thông tin tình trạng giao thông từ dữ liệu giám sát hành trình các phương tiện kinh doanh vận tải được chia sẻ từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Thông qua hệ thống giám sát, nhân viên vận hành trung tâm sẽ ghi nhận các thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn TP.HCM; thông báo kịp thời cho các đơn vị chức năng xử lý về các sự cố giao thông, kỹ thuật hạ tầng; thông tin các sự cố tai nạn; điều hòa giao thông trên các tuyến đường đông xe kéo dài, ùn tắc...
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về việc hệ thống này có thể giám sát hành vi của lực lượng CSGT khi làm nhiệm vụ trên đường hay không, ông Nguyễn Văn Trung, Đội trưởng Đội Vận hành đường hầm - điều khiển giao thông (Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn), cho biết: “Hệ thống camera hiện nay chưa thể bao phủ hết toàn TP.HCM nên sẽ có một số tuyến đường, khu vực không thể kiểm soát hết. Trung tâm chỉ giám sát giao thông trên đường, truyền dữ liệu về cho cơ quan chức năng xử lý. Việc giám sát lực lượng CSGT hay thanh tra giao thông làm nhiệm vụ thì phải do đơn vị khác, ngoài tầm của trung tâm”.
Trường hợp người dân muốn được cung cấp dữ liệu, hình ảnh để giám sát quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng CSGT, theo ông Trung: “Việc trích xuất dữ liệu, hình ảnh của các vụ việc từ camera giám sát giao thông để làm bằng chứng, điều tra. Trước giờ trung tâm chủ yếu cung cấp cho cơ quan công an; còn người dân muốn cung cấp thì phải có sự giới thiệu của cơ quan công an. Dữ liệu cũng chỉ lưu giữ ở trung tâm khoảng 12 ngày, sau đó tự động xóa”. 

Khắc phục các lỗ hổng

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT (Bộ Công an), cho rằng CSGT nên tăng cường áp dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động của lực lượng.
Một trong số này là trang bị thêm camera để giám sát lại quá trình tuần tra, xử lý của lực lượng cũng như bằng chứng về các hành vi vi phạm. Tại TP.HCM và Hà Nội, lực lượng CSGT đã được trang bị camera gắn trên mũ. Tuy nhiên, việc áp dụng các thiết bị này chưa nhiều và chưa thực sự phát huy hiệu quả của công nghệ trong việc tuần tra, kiểm soát của lực lượng CSGT.
CSGT làm nhiệm vụ trên xa lộ Hà Nội (TP.HCM) Ảnh: Ngọc Dương
Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng, CSGT tại Đức, Mỹ, Singapore… ít khi xuống đường phạt người vi phạm. Hành vi vi phạm của người tham gia giao thông đều được phát hiện bằng các camera gắn trên đường và CSGT sẽ phạt “nguội”. Tại những nơi lắp đặt camera để ghi hình người vi phạm giao thông đều gắn bảng thông báo để người dân biết. Nếu chỗ nào người dân bị camera ghi hình lỗi vi phạm giao thông, mà ở đó không có biển báo phía trước thì hoàn toàn có thể khiếu nại đến cơ quan quản lý.
Ông Đồng nói thêm, việc trang bị camera cho CSGT đi làm nhiệm vụ trên đường tại các nước trên thế giới làm từ rất lâu và làm rất chuyên nghiệp. Ở các nước, quy định camera của CSGT phải gắn trước đầu mô tô tuần tra. Khi làm việc với người vi phạm, CSGT và người vi phạm phải đứng trong khung ghi hình của camera để đảm bảo việc giám sát hành vi của CSGT và người vi phạm. Dữ liệu từ camera tuần tra của CSGT các nước được quản lý, lưu trữ nghiêm ngặt để đảm bảo tính minh bạch.
Theo ông Đồng, để minh bạch trong công tác tuần tra kiểm soát của CSGT tại VN nói chung, Bộ Công an phải khắc phục những “lỗ hổng” bằng cách xem xét, nghiên cứu đưa ra các quy định về việc giám sát lực lượng CSGT khi đi làm nhiệm vụ trên đường.
“Mục đích của CSGT tuần tra kiểm soát để đảm bảo an toàn giao thông cho tất cả phương tiện. Chính vì vậy, công việc của CSGT phải minh bạch, công khai để mọi người thấy. Có nhiều trường hợp CSGT đứng ở những điểm khuất xử phạt, ngụy trang bắn tốc độ, tuần tra riêng lẻ chặn và phạt nhanh các phương tiện vi phạm. Đây được gọi là hành vi “núp lùm” của CSGT, và hành vi này cần được dẹp bỏ và xử lý”, ông Đồng phân tích.
Thanh Niên
 

“Trợ thủ” đắc lực của CSGT Đà Nẵng

Thượng tá Lê Văn Lực, Phó trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết Đà Nẵng là địa phương tiên phong về phạt “nguội” qua camera, các kênh thông tin mạng xã hội.
Qua nhiều năm triển khai, hiệu quả công nghệ góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông và có nhiều chuyển biến rõ nét. Trong đó, đắc lực nhất hỗ trợ cho lực lượng CSGT làm nhiệm vụ ngoài hiện trường là hệ thống camera tại các khu vực trọng yếu, chuyển về Trung tâm chỉ huy của Công an TP.Đà Nẵng.
Trung tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội tham mưu, Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, cho biết Phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng cũng lập Facebook “Cảnh sát giao thông CATP Đà Nẵng”, giúp lực lượng CSGT cập nhật ngay tình hình an toàn giao thông trên toàn địa bàn.
Nguyễn Tú
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.