Dốc sức khắc phục hậu quả mưa lũ

Một ngày sau những trận lũ quét, lũ ống dồn dập ập đến nhiều khu vực tại H.Mù Cang Chải (Yên Bái) và H.Mường La (Sơn La), chính quyền và người dân địa phương vẫn đang gồng mình, dốc sức khắc phục hậu quả do thiên tai.

Ngày 4.8, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái với sự hỗ trợ của lực lượng công an, quân đội đã nỗ lực triển khai hoạt động tìm kiếm người mất tích nhưng không mang lại nhiều kết quả. Trong ngày, thi thể 1 trẻ em được tìm thấy ở bản Múa (xã Kim Nọi, H.Mù Cang Chải). Đây cũng là địa phương có nhóm 4 trẻ đi chăn trâu trong sáng 3.8 bị lũ cuốn trôi. Cho đến chiều 4.8, tại H.Mù Cang Chải vẫn còn 11 người mất tích.
Đảm bảo cho trẻ đến trường năm học mới
Men theo con đường từ TT.Mù Cang Chải đến các xã Mổ Dề, xã Khao Mang, không khó để bắt gặp các lực lượng chức năng đang tham gia tìm kiếm nạn nhân mất tích sau trận lũ quét. Mặt hồ thủy điện Khao Mang Thượng với dòng nước trong xanh, giờ đây đặc sệt bùn, gỗ. Rất đông người dân xuống hồ vớt củi. Xen lẫn trong đó, nhiều đôi mắt rơm rớm khi thì hướng ra giữa hồ, lúc thì chăm chú theo dõi những người chèo thuyền vớt củi trên mặt hồ... Đấy là những người thân của các nạn nhân còn mất tích.
Đến chiều qua, tại H.Mù Cang Chải giao thông chưa thông suốt do có nhiều điểm sạt lở, có nơi đường bị vùi lấp đến 2 km. Các tuyến đường đi xã Chế Tạo, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, Lao Chải, Kim Nọi... bị sạt lở, hỏng cầu. Trong ngày 4.8, Bộ Tư lệnh Quân khu 2 tiếp tục điều động 220 cán bộ, chiến sĩ đến H.Mù Cang Chải hỗ trợ địa phương, người dân khắc phục hậu quả lũ quét…
Có mặt tại hiện trường chỉ đạo việc tìm kiếm, khắc phục hậu quả, ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết mục tiêu đặt ra là đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất cho 6 trường học ở H.Mù Cang Chải bị ảnh hưởng do lũ quét để đến ngày 5.9 học sinh sẽ đến trường học tập bình thường.
Bộ đội khoan phá giải tỏa hiện trường lũ quét tại TT.Mù Cang Chải Ảnh: Lê Quân
Cõng gạo, nước vượt rừng tiếp tế người dân bị cô lập
Tại Sơn La, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết mưa lớn từ đêm 2.8 đến sáng 3.8 ở địa bàn một số xã của H.Mường La gây ra lũ ống, lũ quét trên suối Nậm Păm chảy qua xã Nậm Păm, xã Ngọc Chiến và TT.Ít Ong.
Đến cuối giờ chiều 4.8, các đội tìm kiếm cứu nạn của H.Mường La đã tìm thấy 4 thi thể nạn nhân, nâng tổng số người chết do lũ ống, lũ quét lên 10 người. Ngoài ra, 6 người khác vẫn đang mất tích. Mưa lũ cũng cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn 179 nhà, 79 nhà dân phải di dời khẩn cấp; phá hủy nhiều hệ thống đường giao thông, công trình thủy lợi, công trình y tế và nhiều điểm trường. Hệ thống lưới điện ở H.Mường La đã bị mưa lũ làm hư hỏng nặng khiến 7.600 hộ dân bị mất điện. Thống kê sơ bộ, mưa lũ tại H.Mường La gây thiệt hại khoảng 461 tỉ đồng.
Thanh niên tình nguyện cõng gạo, mì tôm đi bộ gần 10 km tiếp tế cho người dân xã Nậm Păm (H.Mường La, Sơn La) bị mưa lũ cô lập Ảnh: Thanh Giang
Cả ngày bám trụ ở địa bàn vùng lũ H.Mường La, chị Đào Thị Thảo, Bí thư Huyện đoàn Mường La, cho hay cầu bị đứt, đường bị trôi trong khi hàng trăm hộ dân ở bản Hốc, bản Nậm Păm, bản Bâu, bản Ít bị cô lập hơn một ngày qua. Trong ngày 4.8, Huyện đoàn đã tổ chức lực lượng thanh niên tình nguyện băng rừng, lội suối, đi bộ gần 10 km, vác gạo, mì, nước uống vào tiếp tế cho người dân. Đến cuối giờ chiều cùng ngày, thanh niên tình nguyện đã chuyển được 15 tấn gạo, 2.000 thùng mì tôm và 500 bình nước lên các bản đang bị chia cắt, cô lập. Cũng theo chị Thảo, xã Nậm Păm vẫn còn 2 bản bị cô lập, đường sá hư hỏng chưa thể tiếp cận.
Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho hay tỉnh đã huy động 2.500 người tham gia khắc phục hậu quả do mưa lũ, ưu tiên nhất là tìm kiếm người đang mất tích dọc theo suối Nậm Păm và trên sông Đà. Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Văn Thành, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La, cho biết ngày 4.8, các hộ dân mất nhà do mưa lũ đã được bố trí ở tạm tại Trung tâm bồi dưỡng chính trị H.Mường La; một số khác ở nhà người thân và trong các nhà bạt. Theo ông Thành, nghiêm trọng nhất là lũ quét đã cắt đứt hai mố cầu bê tông trên QL279D khiến 5 xã bị cô lập. Nước lũ cuốn trôi khoảng 3 km đường tỉnh lộ khiến xã Ngọc Chiến, Nhà máy thủy điện Nậm Chiếm bị cô lập. Trong ngày, quân đội phải bắc cầu tạm và cầu ngầm thép để người dân qua lại và xe tải hạng nhẹ có thể vận chuyển nhu yếu phẩm tiếp tế, hỗ trợ cho người dân.
Không để dân đói
Ngày 4.8, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả, sẵn sàng ứng phó mưa lớn, đặc biệt là ở 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La. Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh Yên Bái và Sơn La huy động lực lượng, phương tiện, tập trung, nỗ lực cao nhất để tìm những người mất tích; rà soát vùng xảy ra thiên tai để di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn. Chính quyền các địa phương chủ động tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người bị nạn; hỗ trợ mai táng chu đáo cho người thiệt mạng; nơi ở cho gia đình mất, hư hỏng nhà. Đặc biệt, người dân ở trong vùng thiên tai được hỗ trợ đầy đủ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, đảm bảo không để người dân bị đói và tổ chức khắc phục đường giao thông, các công trình hạ tầng ở các địa phương vùng lũ.
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ tỉnh Yên Bái, Sơn La tìm người mất tích, khắc phục hậu quả thiên tai. Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế tập trung cứu chữa điều trị miễn phí cho người bị thương. Bộ GD-ĐT hỗ trợ khôi phục trường học, đảm bảo điều kiện học tập bình thường cho học sinh vùng lũ. Bộ GTVT nhanh chóng khôi phục đường giao thông, đặc biệt là các tuyến chính...
Cùng ngày, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành năm 2016, những tháng đầu năm 2017 và triển khai công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới. Theo Phó thủ tướng, thực tế vẫn còn tình trạng chủ quan trong việc ứng phó với thiên tai, sự cố. Nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động khi gặp tình huống khẩn cấp. Việc rà soát, đánh giá các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở, di dời người dân... còn chủ quan. Phó thủ tướng lưu ý cần thiết phải có cơ chế gắn trách nhiệm các bộ, ngành, các địa phương với kết quả ứng phó với thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Nơi nào xảy ra sự cố mà công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn hiệu quả kém thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm.
Ngày 4.8, Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển VN (BIDV) quyết định dành gần 1,6 tỉ đồng hỗ trợ đồng bào và chính quyền 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La, Lai Châu thiệt hại nặng nề do lũ quét, sạt lở đất. Tại mỗi địa phương, BIDV sẽ sớm tổ chức các đoàn công tác trực tiếp tới thăm hỏi và trao hỗ trợ bằng tiền mặt tới các gia đình có nạn nhân thiệt mạng với mức 10 triệu đồng/gia đình; Đồng thời hỗ trợ bổ sung nguồn kinh phí 500 triệu đồng/tỉnh (Yên Bái, Sơn La); 300 triệu đồng (Lai Châu) để khắc phục thiệt hại sau lũ...
P.Hậu - Chí Hiếu - T.Xuân
Miền núi phía bắc còn mưa lớn trong 2 ngày tới
Chiều 4.8, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết do ảnh hưởng của rãnh áp thấp, từ đêm 3.8 đến 13 giờ ngày 4.8 ở Bắc bộ đã có mưa diện rộng, một số nơi mưa rất to như khu vực Ngân Sơn (Bắc Kạn) có lượng mưa là 33 mm; Trùng Khánh (Cao Bằng) có mưa 103 mm... Dự báo, các tỉnh Bắc bộ còn có mưa vừa, mưa to đến hết ngày 6.8. Mưa tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng. Cần đề phòng ngập úng ở các tỉnh đồng bằng; lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía bắc.
Chiều 4.8, tại tỉnh Điện Biên xảy ra 2 vụ đuối nước do bị cuốn trôi khi đi qua suối làm 2 người chết, 1 người mất tích. (P.Hậu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.