Đội quân thầm lặng truy vết Covid-19

07/08/2020 06:27 GMT+7

Các cán bộ phường xã, chiến sĩ công an, y tế dự phòng địa phương với những bữa cơm không kịp ăn, đêm không kịp ngủ để tham gia truy vết, cách ly, dập dịch Covid -19.

Bên cạnh các chiến sĩ blouse trắng, lực lượng tuyến đầu chống Covid-19 còn có chân dung các cán bộ phường xã, chiến sĩ công an, y tế dự phòng địa phương với những bữa cơm không kịp ăn, đêm không kịp ngủ để tham gia truy vết, cách ly, dập dịch...

Tình hình Covid-19 tại Việt Nam sáng 7.8: Thêm 3 ca mắc mới ở Quảng Trị, Thanh Hóa

Sữa mẹ treo hàng rào

Đó là câu chuyện cảm động của chị Nguyễn Lê Thanh Ngọc, nhân viên Trạm y tế P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ (TP.Đà Nẵng). Nhận được lệnh điều động tham gia điểm xét nghiệm tập trung của Q.Cẩm Lệ đặt tại trạm y tế phường, chị chỉ kịp chạy về ôm con rồi vào “trận chiến”.
Kể từ hôm chị đi đến nay đã 1 tuần; con trai 10 tháng tuổi không tối nào ngủ yên vì thiếu hơi mẹ, trằn trọc, khóc mãi đến khi mệt mới ngủ. Cũng phải thôi vì không chỉ thiếu mẹ mà đứa bé còn thiếu hơi cha, vì cũng đang cách ly cùng các đồng nghiệp tại bệnh viện gần đó.
Chị Ngọc kể may nhà gần đó, nên mỗi ngày 3 lần, chị vắt sữa cho con rồi lặng lẽ treo hàng rào của Trạm y tế P.Hòa Thọ Đông, để bà ngoại đến lấy đưa về cho thằng bé bú. “Biết làm sao được, mình chọn ở lại đây để con và ba mẹ mình ở nhà được an toàn”, chị tâm sự qua lớp áo bảo hộ, kính chắn, khẩu trang mà đôi mắt đỏ hoe.
 Sau 10 ngày căng mình chống dịch, một nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 kiệt sức ẢNH: TT cấp cứu 115 Đà Nẵng

Sau 10 ngày căng mình chống dịch, một nhân viên Trung tâm cấp cứu 115 kiệt sức

ẢNH: TT CẤP CỨU 115 ĐÀ NẴNG

Chị Ngọc là một trong số các nhân viên y tế phường, y tế dự phòng địa phương làm việc bất kể ngày đêm, trong điều kiện bảo hộ nghiêm ngặt để không bỏ sót các dấu truy vết, vận chuyển bệnh nhân, người nghi nhiễm đến nơi cách ly, cách ly điều trị được an toàn thời gian qua ở Đà Nẵng.

Bản tin Covid-19 ngày 6.8: Sẽ có hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, nhiều bệnh nhân đang nguy kịch

Bác sĩ Trần Minh Hồi, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh tật - HIV/AIDS (Trung tâm y tế Q.Hải Châu) cho hay vất vả nhất là tiếp xúc điều tra dịch tễ của các F, từ F0 cho đến F1, F2, F3... bất kể thời gian, ngay khi nhận được thông tin. Các vết dịch tễ đều phải đảm bảo không bị bỏ sót. “Toàn đội chia theo kíp trực 24/24, nhưng nhiều thành viên làm việc liên tục, có khi đến 20 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nhất là khi có dấu dịch tễ, họ đi truy vết, lấy mẫu, xâu chuỗi... bất kể ngày đêm, để cung cấp thông tin khẩn trương, kịp thời đưa phương án dập dịch triệt để nhất”, bác sĩ Hồi kể.
Xác định được tính chất nguy hiểm của công việc nên khi bước vào cuộc “chiến”, họ cách ly tuyệt đối với gia đình. Phần lớn những thành viên ở các đội dự phòng là nữ, nhưng họ chấp nhận gác lại trách nhiệm gia đình, để đảm bảo trách nhiệm tuyệt đối với cộng đồng.
Chiều 6.8, thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP.Đà Nẵng, đã nhắn tin chúc mừng sinh nhật và động viên trung úy, y sĩ Nguyễn Thị Thu Thành, đang cách ly tại Trung tâm huấn luyện và bồi dưỡng nghiệp vụ Công an TP - nơi cách ly tập trung của Công an TP.Đà Nẵng dành cho các cán bộ chiến sĩ từng tiếp xúc với các ca Covid-19 trong quá trình làm nhiệm vụ xác minh, tham gia truy vết ở địa bàn. Chị Thành là một trong nhiều “bóng hồng” của lực lượng Công an TP.Đà Nẵng nhận nhiệm vụ chống dịch Covid-19.

Tâm sự người dân sống trong khu phong toả ở Đà Nẵng vì Covid-19

Về nhà lúc nửa đêm, ra đi từ sáng sớm

Trong cuộc chiến chống Covid-19 ở tâm dịch Đà Nẵng, còn có sự hy sinh thầm lặng của các cán bộ xã, phường. Ông Ngô Ngọc Trúc, Chủ tịch UBND xã Hòa Tiến, cho biết từ lúc địa phương phát hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên, những cán bộ nhân viên đã sắp xếp để thực hiện cách ly tại cơ quan. Bởi theo ông Trúc, để ra được những đề xuất cho các cấp trong công tác phòng chống dịch, đòi hỏi những cán bộ địa phương phải trực tiếp có mặt, ghi nhận và kiểm soát khu dân cư đang phong tỏa, vốn nhiều nguy cơ.
Các nữ nhân viên y tế dự phòng tại điểm xét nghiệm cộng đồng P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng ẢNH: TRẦN PHƯƠNG

Các nữ nhân viên y tế dự phòng tại điểm xét nghiệm cộng đồng P.Hòa Thọ Đông, Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng

ẢNH: TRẦN PHƯƠNG

Hơn 17 cán bộ xã Hòa Tiến đã nỗ lực vượt qua khó khăn, sử dụng chính phòng làm việc, phòng họp để ngủ tạm, đến giờ ăn cơm thì thay phiên nhau ăn vội qua bữa. “Anh em chia ca, mỗi ngày sẽ có 3 người lo nấu ăn, tôi cũng như các anh em khác, để mà còn lấy sức “chiến đấu”, ông Trúc tâm sự.
Có những người có con nhỏ, họ tạm gác việc gia đình để xung phong chống dịch. Theo ông Trúc, đối với những nữ cán bộ, công việc còn vất vả hơn bội phần. Những phụ nữ này ban ngày lo việc xã hội, tối muộn lúc cả gia đình đi ngủ thì về nhà giặt đồ, lau nhà. “Anh em hay nói vui, những nữ cán bộ họ không khác gì “cô Tấm trong quả thị”. Họ xuất hiện ở chính mái ấm của mình vào thời điểm cả gia đình đang say giấc để tất bật dọn dẹp nhà cửa. Sự cố gắng này mong rằng được đền đáp bằng việc đẩy lùi dịch bệnh. Cuộc sống sớm quay lại bình thường”, ông Trúc tỏ bày.

Tổng hợp tin Covid-19 tại Việt Nam ngày 6.8: Thêm 34 bệnh nhân mới, 2 ca tử vong

“Hết dịch mẹ sẽ về với con”

Lúc 23 giờ ngày 5.8, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 Hòa Hải (1 trong 8 chốt kiểm soát dịch ở cửa ngõ TP, đóng tại P.Hòa Quý, Q.Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng), những người làm công tác chống dịch đã rất xúc động khi chứng kiến cảnh con gái 6 tuổi được ba đưa đến thăm mẹ, là đại úy Mai Thị Bích Thuận, Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải (Phòng CSGT, Công an TP.Đà Nẵng) tại chốt kiểm soát dịch.
Từ lúc TP.Đà Nẵng thực hiện cách ly xã hội theo quy định, đại úy Mai Thị Bích Thuận đã xung phong ra chốt kiểm dịch để cùng các lực lượng, chịu vất vả như đồng nghiệp nam và tự cách ly gia đình, bởi công việc hằng ngày chị Thuận tiếp xúc nhiều người qua lại cửa ngõ TP.Đà Nẵng. Đêm 5.8, vì quá nhớ mẹ, con gái chị được ba đưa ra chốt kiểm soát dịch để thăm mẹ. Gặp con, chị Thuận chỉ biết đứng từ xa, nhìn con nằng nặc khóc đòi mẹ. “Hết dịch mẹ về chở con đi siêu thị, mua quà nghe...”, chị Thuận chỉ kịp động viên con vậy rồi bật khóc. Cả chốt kiểm dịch như lặng đi.

Làm việc đến kiệt sức

Lực lượng cấp cứu tại Đà Nẵng thời gian qua cũng đang “oằn mình” với dịch bệnh. Họ làm việc bất kể ngày đêm để vận chuyển các bệnh nhân và người nhà đi các bệnh viện tuyến cơ sở, giải phóng dần điểm dịch là Bệnh viện Đà Nẵng để tiến đến làm sạch bệnh viện.
Đã có nhiều nhân viên y tế tại Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng “đuối sức”, phải truyền nước liên tục... “Điều kiện làm việc của anh em không ngơi nghỉ, đã vậy họ luôn mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch kín mít nên mất nước, mất sức. Suốt 10 ngày qua đánh vật, nhiều người có người thân mất ở quê nhà, có vợ sinh mổ ở bệnh viện vẫn không thể có mặt bên cạnh, không thể chăm sóc được...”, bác sĩ Trần Công Thông, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Đà Nẵng, xót xa. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.