Đối thoại với người dân vùng ô nhiễm nhà máy thép: Vẫn bế tắc

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
28/02/2018 20:53 GMT+7

Chiều 28.2, buổi đối thoại giữa 200 người dân vùng ô nhiễm nhà máy thép (xã Hòa Liên, Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) với ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng, vẫn tiếp tục lâm vào bế tắc.

Trước đó, tối 26.2, hàng trăm người dân tập trung trước Nhà máy thép Dana Ý để phản ứng, khiến chính quyền H.Hòa Vang phải vận động, giải thích đến khuya người dân mới ra về.
Buổi đối thoại được tổ chức nhằm tìm tiếng nói chung giữa người dân địa phương và chính quyền.
Những người dân xã Hòa Liên đã chịu đựng hơn 10 năm cảnh ô nhiễm Ảnh: Nguyễn Tú
Người dân bức xúc vì họ đã chịu đựng cảnh ô nhiễm gần 10 năm qua. Năm 2017, TP.Đà Nẵng cũng đã tổ chức đối thoại với dân, thảo luận hướng di dời dân, hoặc di dời nhà máy, hoặc di dời cả 2, nhưng đến nay dân vẫn sống với ô nhiễm. Tại buổi đối thoại, người dân vẫn tiếp tục lặp lại các yêu cầu, câu hỏi đã đặt ra cụ thể cho chính quyền Đà Nẵng, giống như buổi đối thoại chiều 27.2.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý, cho biết công ty sẵn sàng di dời, nhưng đề nghị "có lộ trình cho việc di dời".
Ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana Ý  Ảnh: Nguyễn Tú
Ông Hồ Kỳ Minh cho hay sẽ tiếp thu ý kiến người dân và kết luận vào 5.3 - Ảnh: Nguyễn Tú
Buổi đối thoại khá căng thẳng. Ông Hồ Kỳ Minh vừa phát biểu vừa nhắc người dân “hết sức bình tĩnh”, “bà con để tôi nói đã chứ, chúng ta đang trao đổi với nhau cơ mà”.

Theo ông Minh: “Bản thân lãnh đạo TP đều rất lúng túng, di dời dân hay nhà máy đều không có phương án tối ưu”.

Nguyên do, chưa tìm được vị trí mới cho nhà máy, đề xuất đưa vào KCN Hòa Nhơn gặp lo ngại ảnh hưởng nguồn nước sông Túy Loan cấp cho Nhà máy nước Cầu Đỏ. KCN Hòa Nhơn đang làm thủ tục đến 2020 mới hoạt động.

“Di dời đối mặt kinh phí lớn, áp lực tái định cư, khu tái định cư Hòa Liên 6 và 7 cách tường nhà máy 500 m nhưng dân nói còn khả năng ô nhiễm. Về thắc mắc chưa có đất tái định cư, do thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản rất lâu, để xong 1 dự án đấu thầu đúng quy định nhanh nhất mất 5 - 6 tháng, chưa kể vừa rồi khu Hòa Liên bị sụt lún, tất cả dự án phải xử lý kỹ thuật chuẩn bị rất công phu, chúng tôi phải trình HĐND 2 lần. Còn di dời, đóng cửa nhà máy, chúng tôi phải đền bù, nên  2 phương án không tối ưu”, ông Minh giải thích.

Khép lại buổi đối thoại, ông Minh ghi nhận "trước đây người dân muốn đi, nay muốn đóng cửa nhà máy, dân ở lại" và hẹn ngày 5.3 tới sẽ có câu trả lời.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.