Trong 3 tháng đối mặt với đợt dịch Covid-19 lần thứ 4, Đồng Nai đã trải qua nhiều giai đoạn với các biện pháp phòng chống dịch theo cấp bậc khác nhau.
Mất ngủ vì…nữ quản lý quán bar
Những ngày vừa qua, mỗi ngày Đồng Nai ghi nhận vài trăm ca dương tính với Covid-19 và hầu như mọi người đều đón nhận rất bình thường. Nhưng trước đó 3 tháng, vào đầu tháng 5.2021, chỉ 1 ca dương tính thôi đã khiến các lãnh đạo mất ngủ, dân tình xôn xao.
Đó là bệnh nhân có mã số 2.999, nữ quản lý quán bar New Phương Đông (TP.Đà Nẵng). Ngay đêm 4.5, khi có kết quả người này dương tính, cơ quan chức năng TP.Long Khánh và ngành y tế tỉnh Đồng Nai đã họp khẩn ngay trong đêm khuya. Sáng hôm sau, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai tâm sự: “Cả đêm qua không dám ngủ”. Mọi diễn biến liên quan đến bệnh nhân 2.999 được người dân trong tỉnh quan tâm sát sao.
|
Cũng trong gian đoạn này, xuất hiện nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào địa bàn nên Đồng Nai phát động phong trào toàn dân tố giác người nhập cảnh trái phép, thưởng 10 triệu đồng cho người phát hiện và thông báo đầu tiên. Tuy nhiên, những trường hợp này đều cho kết quả âm tính với Covid-19.
|
Về phần bệnh nhân 2.999, sau 28 ngày điều trị, sáng 1.6 người này được xuất viện về nhà. Mấy chục F1 liên quan may mắn đều có đều quả âm tính. Nhưng cuộc chiến với đợt dịch Covid-19 ở Đồng Nai lúc này mới thực sự bắt đầu.
Văn bản gây tranh cãi: Người từ TP.HCM về Đồng Nai phải cách ly 21 ngày
Để kiểm soát chặt hơn các mối nguy vào địa bàn, đặt biệt là TP.HCM, từ 2.6 Đồng Nai lập 10 chốt kiểm soát Covid-19 trên các tuyến quốc lộ. Tuy nhiên trước việc một vài người dân ở TP.HCM sang Đồng Nai làm việc sau đó phát hiện dương tính và một số người dân Đồng Nai lên TP.HCM làm việc và trở thành F1 đã khiến lãnh đạo Đồng Nai bất an, lo sợ dịch sẽ tấn công vào các khu công nghiệp.
|
Cho nên ngày 4.6, UBND tỉnh Đồng Nai ra văn bản hỏa tốc thông báo cách ly tại nhà 21 ngày đối với người từ TP.HCM về Đồng Nai và ngược lại. Văn bản này đã vấp phải sự phản ứng quyết liệt của TP.HCM thời điểm đó. Trước áp lực dư luận, ngày 5.6 Đồng Nai đã phải điều chỉnh lại văn bản nêu trên.
Những ngày tiếp theo, dịch Covid-19 đã khiến Đồng Nai lắm phen hồi hộp khi liên tục xuất hiện nhiều ca F1 nguy cơ cao trong khu công nghiệp buộc chính quyền phải họp khẩn, nhưng rồi thở phào khi có kết quả âm tính.
|
Đến 16.6, tình hình bắt đầu căng khi một gia đình (ngụ P.Bình Thắng, TP.Dĩ An, Bình Dương) có 2 người nhiễm Covid-19, sang Đồng Nai đi chợ, đi siêu thị Big C Vũng Tàu. Ngày 18.6 thì phát hiện một thợ hồ ở TP.Long Khánh và một công nhân ở H.Vĩnh Cửu dương tính. Nguồn lây xuất phát từ TP.HCM và Bình Dương. Ngày 20.6, Nhơn Trạch phải phong tỏa một đoạn đường dài khoảng 700m với 300 hộ và 1.500 nhân khẩu, do xuất hiện một ca dương tính, người này từ TP.HCM qua thuê nhà làm ăn.
Ngày 24.6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Đồng Nai, rồi về họp tại trụ sở UBND tinh, có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham gia họp trực tuyến tại đầu cầu Hà Nội, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã nói rằng: “Đồng Nai hiện đang trơ mình chịu đựng, chống đỡ, dịch chưa xâm nhập mạnh là may mắn thôi”.
|
Lỗ hổng chợ đầu mối
Và đúng như lời ông Dũng nói, 3 ngày sau cuộc họp đó Đồng Nai bắt đầu chống đỡ với những đợt dịch lớn và mạnh, đặc biệt là tại TP.Biên Hòa. Các đợt dịch này bắt nguồn từ ổ dịch tại các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức (TP.HCM), nhanh chóng lan rộng ra nhiều địa phương trên tỉnh Đồng Nai, len lỏi vào các chợ.
|
Biện pháp mạnh đầu tiên là phong tỏa toàn bộ 4 xã của H.Thống Nhất gồm Gia Kiệm, Gia Tân 1, 2 và 3 vào 30.6 để xét nghiệm tầm soát, dập dịch. Tiếp đến ra quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 toàn tỉnh từ 00 giờ 9.7.
Cùng với đó là hàng loạt biện pháp khác như đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Phong tỏa 7 phường của TP.Biên Hòa, bên cạnh đó nhiều phường khác cũng bị phong tỏa gần như toàn bộ.
|
Từ chợ, dịch len lỏi vào công ty khiến nhiều công ty lớn với hàng chục ngàn công nhân phải tạm ngưng hoạt động: đó là Pouchen, Changshin, Taekwan Vina… Các địa phương khác cũng phải phong tỏa nhiều xã để dập dịch, như Thạnh Phú (H.Vĩnh Cửu); Bắc Sơn, Hố Nai 3 (H.Trảng Bom)...
|
Khi quyết định giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 trong vòng 15 ngày, Đồng Nai hy vọng trong thời gian này sẽ khống chế được dịch, nhưng rất tiếc điều đó này đã không làm được vì dịch lây lan quá nhanh.
"Kỷ lục" liên tục bị phá vỡ
Ngày 10.7, Đồng Nai ghi nhận 72 ca dương tính, đây được xem là con số kỷ lục thời điểm đó. Nhưng rồi kỷ lục buồn liên tiếp bị phá vỡ, số ca dương tính liên tục vượt mốc 100, rồi vài trăm ca, và đỉnh điểm là 515 ca vào 30.7. Nhiều công ty thực hiện “3 tại chỗ” cũng xuất hiện ca dương tính.
|
Đến cuối tháng 7.2021, các biện pháp phòng chống dịch được Đồng Nai siết chặt hơn nữa, nhiều phường bị phong tỏa đến nay vẫn chưa thể dỡ phong tỏa; giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 được kéo dài đến 15.8, ngoài ra còn khuyến cáo người dân hạn chế ra đường sau 18 giờ; ngưng bán đồ ăn thức uống mang về; phiếu đi chợ theo ngày được nhiều nơi triển khai, áp dụng.
|
Tính đến 3.8, số ca nhiễm trong đợt dịch thứ 4 tại Đồng Nai đã vượt mốc 5.500 ca, trong đó có 29 ca tử vong. Hơn 10 bệnh viện dã chiến với quy mô gần 10.000 giường bệnh được thành lập. Bộ Y tế cũng tăng cường hỗ trợ cho Đồng Nai, bằng việc thiết lập Trung tâm hồi sức tích cực sức chứa 500 giường, để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng.
Bình luận (0)