Sự việc xảy ra sáng qua, 20.5, tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TP.HCM), cơ trưởng chuyến bay KE686 của hãng hàng không Korean Air dự kiến bay đi Incheon (Hàn Quốc) bất ngờ phát hiện có nhiều chim én trên đường băng.
Trực ban trưởng sân bay Tân Sơn Nhất đã cho người ra khu bay kiểm tra xác định khu vực 2 lề cỏ đầu đường cất hạ cánh (CHC) 25L (đoạn từ S1 đến S4) có nhiều chim én và quyết định tạm dừng khai thác đường CHC 25L để khu bay tổ chức xua đuổi chim, đảm bảo an toàn. Chuyến bay KE686 đổi lăn qua đường CHC 25R để cất cánh.
Đến 9 giờ 43, việc xua đuổi chim mới hoàn tất, đảm bảo khai thác, đường CHC đưa vào khai thác lại bình thường, không ảnh hưởng hoạt động bay.
Trước đó, tại sân bay Tân Sơn Nhất, thợ máy phát hiện vỏ máy bay A350 của hãng hàng không China Airlines bị thủng to tới 30 cm nghi do va chạm với chim nhưng không xác định được địa điểm và thời gian chim va tàu bay.
Một sự việc khác xảy ra vào tháng 4, một tàu bay A321 của Vietnam Airlines sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hải Phòng về TP.HCM cũng đã phát hiện vết máu nghi ngờ của chim ở cánh quạt và viền động cơ. Tàu bay sau đó đã được đưa về xưởng để kiểm tra.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, các sân bay xảy ra vụ việc liên quan đến chim va đập nhiều nhất là Tân Sơn Nhất, Đồng Hới, Phú Quốc, Vinh. Nguy hiểm nhất là nhiều loài chim di cư bay ở tầm 300 - 500 m thường bay cắt ngang đường cất/hạ cánh mà ngành hàng không không kiểm soát được. Các tỉnh phía Nam có nhiều đồng ruộng lớn, là nơi sống của chim, nơi di cư nên dễ ảnh hưởng hoạt động bay.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) áp dụng nhiều phương pháp đuổi chim, bắn chim bằng các loại máy có sóng nhưng chưa thực sự hiệu quả, do đó, hiện lực lượng chức năng tại các sân bay vẫn tiến hành cắt cỏ, dọn quang các rãnh nước, bụi rậm để tránh các loài ếch nhái thu hút chim.
Bình luận (0)