Đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả: Người tiêu dùng có được bồi thường?

Lê Lâm
Lê Lâm
21/02/2021 06:15 GMT+7

Các đối tượng phạm tội đã tuồn ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả . Người tiêu dùng sử dụng phải số nhiên liệu giả này có được bồi thường và thủ tục đòi bồi thường ra sao?

Dùng dung môi, hóa chất pha chế xăng A95

Ngày 6.2 vừa qua, Công an tỉnh Đồng Nai phối hợp Bộ Công an triệt phá thành công đường dây sản xuất hơn 200 triệu lít xăng giả do Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) và Nguyễn Hữu Tứ (55 tuổi, ngụ Vĩnh Long) cầm đầu.

"Tiền tấn" trong đường dây xăng giả cực lớn: 4 máy đếm tiền 5 tiếng mới xong

Với số tiền hoặc tài sản mà bị can, bị cáo có được do phạm tội, luật sư Trần Hoàng Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền tuyên tịch thu vào ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền hoặc tài sản này theo điều 106, bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và điều 47, bộ luật Hình sự hiện hành.
Cụ thể, lực lượng công an được chia thành 14 tổ công tác đồng loạt khám xét khẩn cấp các địa điểm gồm: kho chứa, cây xăng, trụ sở làm việc và nơi ở của các đối tượng tại Đồng Nai, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM. Đồng thời bắt quả tang các đối tượng khi đang vận chuyển mua bán “sang mạn” tàu để pha chế bơm hút, vận chuyển xăng nhập lậu với số lượng lớn tại ụ nổi trên sông Hậu.
Điều tra ban đầu cho thấy đường dây xăng giả này sử dụng tàu biển có trọng tải lớn, di chuyển ra phao số 0 để nhập xăng vận chuyển từ Singapore, Thái Lan, Indonesia về. Sau đó dùng các loại dung môi, hóa chất pha chế thành xăng loại A95 kém chất lượng. Từ đây các tàu, sà lan tải trọng nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển về các kho chứa đã được các đối tượng xây dựng dọc theo các tuyến đường sông lớn ở nhiều tỉnh, thành; cuối cùng cấp cho các xe bồn chở đến các cây xăng để tiêu thụ ra thị trường.
Tính từ tháng 8.2020 đến nay các đối tượng trong đường dây đã cung cấp ra thị trường hơn 200 triệu lít xăng giả, kém chất lượng (trung bình khoảng 1 triệu lít/ngày). Công an tỉnh Đồng Nai đã thu giữ 2 tàu biển có tải trọng 1.500 tấn, 5 sà lan tải trọng từ 400 - 1.000 tấn, 6 xe bồn cùng 2,68 triệu lít xăng, 4 thùng hóa chất để tạo màu. Ngoài ra còn thu giữ hơn 100 tỉ đồng tiền mặt, gần 50 sổ đỏ, 12 thùng tài liệu hồ sơ sổ sách...

Dung môi mà các đối tượng dùng để pha chế xăng giả

ẢNH: LÊ LÂM

Phải chứng minh được thiệt hại mới đòi bồi thường ?

Sau khi đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả bị công an triệt phá, người dân rất vui mừng vì có nhiều ý kiến cho rằng bao lâu nay họ đổ phải loại nhiên liệu giả này mà phương tiện của họ bị hư hỏng, cháy nổ... Một bạn đọc của Báo Thanh Niên than vãn: “Hóa ra trước giờ tôi có thể đã đổ xăng giả, xăng kém chất lượng, nhưng phải trả tiền xăng đúng chuẩn”. Một bạn đọc khác thì bức xúc: “Xử thật nặng bọn sản xuất cũng như các cây xăng bán hàng giả này. Mình đã từng hỏng ô tô khi đổ xăng giả ở cây xăng gần cầu An Hạ (TP.HCM) mà không khiếu nại được vì hôm đó không lấy hóa đơn”…

Thủ đoạn quái chiêu chế tạo xăng giả trong "đại công xưởng" ở Vũng Tàu

Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án “đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả” để điều tra về 3 hành vi: buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và mua bán hóa đơn trái phép. Hiện vụ án đang được điều tra mở rộng. Tính đến chiều 20.2, có 33 đối tượng phạm tội, trong đó có đối tượng được xác định cầm đầu là Phan Thanh Hữu (64 tuổi, ngụ TP.HCM) đều bị khởi tố để điều tra về hành vi buôn lậu; các hành vi phạm tội khác của các bị can đang được cơ quan công an làm rõ.
Đối với “ông trùm” hóa đơn giả Lê Thanh Trung (38 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ), một thành viên quan trọng trong đường dây, Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự, củng cố hồ sơ làm rõ hành vi phạm tội.
Vậy thì trách nhiệm bồi thường thuộc về ai? Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Nguyễn Thanh Tuấn (Đoàn luật sư Đồng Nai) nêu quan điểm, về mặt pháp lý bán hàng kém chất lượng, hàng giả thì phải bồi thường. Tuy nhiên trong vụ việc này do xăng là vật tiêu hao, cho nên người tiêu dùng bị thiệt hại (do cháy nổ, hư hỏng máy móc...) cần phải chứng minh được phương tiện của họ hư hỏng là do xăng giả, kém chất lượng gây ra. Trực tiếp là xe bị cháy nổ, hư hỏng sau khi mua xăng hoặc trong khoảng cách di chuyển hợp lý sau khi đổ xăng. Gián tiếp là theo kết quả giám định thành phần hóa học của xăng giả, kém chất lượng là nguyên nhân gây cháy nổ. Thủ tục yêu cầu bồi thường có thể yêu cầu thương lượng trực tiếp với đơn vị bán xăng, thông qua hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc qua tòa án.
Tương tự, luật sư Nguyễn Thế Kỷ (Đoàn luật sư Đồng Nai) cũng đồng quan điểm trên và cho biết người tiêu dùng cho rằng mình bị thiệt hại có quyền làm đơn gửi cơ quan chức năng, trong đơn trình bày rõ vấn đề đó là thường xuyên sử dụng xăng ở cây xăng nào đó, và giờ xe bị hư hại, yêu cầu được bồi thường. “Tuy nhiên, vấn đề khó trong vụ án này là chứng minh thiệt hại”, luật sư Kỷ nói.
Đường dây hơn 200 triệu lít xăng giả: Người tiêu dùng có được bồi thường ?

Bị can Phan Thanh Hữu

ẢNH: LÊ LÂM

Một kiểm sát viên ở Đồng Nai cho rằng vấn đề trên thuộc trách nhiệm dân sự nên các đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ để chứng minh, nhưng việc này rất là khó. “Khi người dân tới đổ xăng dù có camera ghi hình lại nhưng xăng đổ vào như thế nào, có giả hay không thì sao biết được. Trừ trường hợp vừa đổ xăng vào xe chạy một đoạn thì hư hỏng, bốc cháy, nhưng để chứng minh do xăng không đạt chất lượng gây ra thì cả một vấn đề”, vị kiểm sát viên này nêu ý kiến.

“Đại gia” Trịnh Sướng đã làm giàu bằng hàng triệu lít xăng giả như thế nào?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.