Việt Nam sẽ đứng đầu Đông Nam Á về công suất điện
Sáng 23.12, tại Hội nghị báo cáo viên tháng 12 của Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Dương Quang Thành thông tin, trong năm 2020, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống nhân dân.
Theo ông Thành, năm 2020 là năm cực kỳ khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt khắp mọi miền nhưng EVN vẫn đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện cả nước.
Chủ tịch EVN thông tin, tốc độ tăng trưởng điện năm 2020 tăng trưởng 2,1% so với 2019. Công suất điện của Việt Nam đến cuối năm 2020 đã là 61.000 MW, tăng 4.700 MW so với năm 2019. Trong đó, công suất nguồn năng lượng mới và tái tạo là điện gió, mặt trời là 10.400 MW, chiếm 17%.
Theo ông Thành, “đặc điểm” của năm 2020 là các nhà máy điện mặt trời với quy mô và tốc độ rất nhanh, nên tổng công suất của toàn hệ thống tăng lên 61.000 MW nhờ phần lớn là các nhà máy điện mặt trời. “Với quy mô này, Việt Nam đứng thứ 2 của Đông Nam Á và 23 của thế giới”, ông Thành nói và khẳng định, trong năm 2021, quy mô công suất điện của Việt Nam sẽ đứng thứ nhất Đông Nam Á.
Chủ tịch EVN phân tích, Indonesia là quốc gia đang đứng đầu khu vực về quy mô công suất điện thì tốc độ phát triển điện đang chững lại. Bên cạnh đó, Indonesia là quốc gia có rất nhiều đảo nên tỷ lệ phủ điện chỉ đến 70%. Trong khi đó, tỷ lệ này của Việt Nam lên tới hơn 99,5%.
“Tỷ lệ phủ điện càng cao thì tốc độ tăng nhu cầu càng lớn. Với quy mô như hiện nay, tốc độ tăng trưởng như hiện nay thì Việt Nam sẽ sớm muộn cũng đứng đầu khu vực ASEAN về quy mô công suất hệ thống điện”, ông Thành nói.
11/12 huyện đảo đã được cấp điện
Một thành tựu khác của ngành điện lực trong năm 2020 cũng được Chủ tịch EVN Dương Quang Thành nhấn mạnh là việc hoàn thành đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo.
Ông Thành cho hay, theo nghị quyết của Đảng, chỉ tiêu của Chính phủ thì đến năm 2020, hầu hết các hộ dân nông thôn phải có điện thì đến nay, EVN đã thực hiện cung cấp điện cho 100% số xã, 99,54% số hộ dân, trong đó có 99,3% số hộ nông thôn có điện.
“Đặc biệt, chúng tôi cấp điện cho 11/12 huyện đảo, trong đó có cả huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Chỉ duy nhất huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) chúng tôi chưa cấp điện”, ông Thành nói.
12 huyện đảo của Việt Nam
Việt Nam có 12 huyện đảo gồm: Cô Tô, Vân Đồn (Quảng Ninh); Bạch Long Vĩ, Cát Hải (Hải Phòng); Cồn Cỏ (Quảng Trị); Hoàng Sa (Đà Nẵng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Trường Sa (Khánh Hòa); Phú Quý (Bình Thuận); Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu); Kiên Hải, Phú Quốc (Kiên Giang).
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc thành lập TP.Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang từ ngày 1.3.2021. Đây là thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam.
|
Theo Chủ tịch EVN, trong số 11 huyện đảo đã được EVN cấp điện thì 6 huyện đảo đã được kéo lưới điện quốc gia như: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh); Cát Hải (Hải Phòng); Lý Sơn (Quảng Ngãi); Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang)...
Ông Thành cho biết, việc cung cấp điện ra biển đảo góp phần đảm bảo chủ quyền lãnh thổ, an ninh chính trị. Đặc biệt, một số huyện đảo sau khi có điện đã phát triển kinh tế rất mạnh.
“Như huyện đảo Phú Quốc, Lý Sơn, sau khi có điện thì GDP tăng gấp 3 lần so với trước”, ông Thành cho hay.
Đã giảm 12.300 tỉ tiền điện cho khách hàng
Chủ tịch EVN Dương Quang Thành cũng cho biết, trong năm 2020, EVN đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ giảm tiền điện cho khách hàng gồm cả khách hàng dùng điện sinh hoạt, dùng điện công nghiệp, trung tâm cách ly phòng chống Covid-19, các bệnh viện...
Tổng số tiền EVN đã giảm cho các khách hàng nêu trên là 12.300 tỉ đồng. Trong đó, đợt 1 (từ tháng 4 đến tháng 7.2020) là 9.000 tỉ đồng, đợt 2 là hơn 3.000 tỉ đồng.
|
Bình luận (0)