Facebooker, Youtuber thì có quyền nói xấu người khác trên mạng?

Ngọc Lê
Ngọc Lê
08/04/2019 17:10 GMT+7

Facebooker, Youtuber nói xấu người khác trên mạng xã hội không chỉ bị xử lý về dân sự mà còn có thể bị xử lý hình sự.

Mạng xã hội là nơi có tính kết nối cộng đồng cao, tuy nhiên,  đó cũng là nơi mà một số người lợi dụng để nói xấu người khác, gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, thậm chí là mạng sống của người khác.
Có những trường hợp không chịu nổi áp lực từ chuyện thông tin sai sự thật hay những clip bị tung lên mạng của bản thân bị lan truyền trên Facebook, Youtube mà phải tự sát. Nhiều vụ việc Facebooker, Youtuber nói xấu người khác để lại hậu quả đau lòng. 

Bị đăng clip hôn bạn trai lên mạng, nữ sinh tự tử

Cụ thể, tháng 3.2018, nữ sinh H.T.L, học lớp 11 ở Nghệ An tự tử sau clip hôn bạn trai trong lớp bị phát tán khiến thầy cô, bạn bè bất ngờ, đau đớn. Clip được hơn 1 triệu lượt xem, nhiều người chia sẻ và bình luận. Sau khi L. mất, clip lan truyền trên mạng được xóa.
Cuối năm 2016, em B.Đ.Q.H. (15 tuổi, học sinh Trường tiểu học và THCS Âu Lâu, TP Yên Bái) cũng đã treo cổ tự tử sau khi bị chặn đánh, bắt quỳ lạy xin tha trước cổng trường và bị Facebooker tung clip vụ việc lên mạng.
Hay vụ việc khác xảy ra hồi tháng 6.2015, một nữ sinh ở Đồng Nai đã uống thuốc cỏ tự tử vì không chịu nổi trước những lời bình luận ác ý của cư dân mạng khi cảnh nhạy cảm với bạn trai bị lan truyền trên mạng xã hội.
Nhiều bạn đọc thắc mắc việc Facebooker hoặc Youtuber  nhằm mục đích xấu thì có bị xử lý không?
Trả lời PV Thanh Niên, luật sư (LS) Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) cho biết, Facebooker hay Youtuber sử dụng hình ảnh hay clip của người khác đăng lên mạng là vi phạm pháp luật. Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, quyền bảo vệ danh dự, uy tín của một người được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 điều 21. Theo đó, quyền con người được pháp luật đảm bảo, không một ai, không một tổ chức nào được quyền xâm phạm.
Ngoài ra, Điều 38 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Trường hợp chưa có sự đồng ý của người đó thì hình ảnh, thông tin cá nhân của họ không được phép sử dụng, công khai.
LS Thư cho biết, Điều 34 luật Dân sự 2015 cũng nêu rõ quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Cá nhân có quyền yêu cầu tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của mình. Thông tin ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng nào thì phải được gỡ bỏ, cải chính bằng chính phương tiện thông tin đại chúng đó và bồi thường thiệt hại.
LS Thư nhấn mạnh, tóm lại, trong trường hợp Facebooker, Youtuber đăng tải clip, thông tin lên mạng thì bị hại hoặc gia đình của bị hại có quyền khởi kiện yêu cầu người đăng clip bồi thường thiệt hại và yêu cầu công khai, xin lỗi.

Xử lý hình sự nếu nạn nhân tự tử

LS Thư phân tích, trường hợp Facebooker hay Youtuber đưa những clip, hình ảnh người khác lên mạng mà khiến người đó bức xúc dẫn đến tự tử thì người đó phải chịu trách nhiệm về tội vu khống người khác theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, người nào bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm tù. 
"Theo khoản 3 Điều 156 thì người nào có hành vi như trên khiến cho nạn nhân tự sát thì phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội sẽ bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm", LS Thư nói.
LS Huỳnh Công Thư nhấn mạnh, Facebooker, Youtuber đăng tải clip, hình ảnh người khác khiến nạn nhân tự tử là lời cảnh tỉnh, gióng lên hồi chuông với tất cả người dùng mạng xã hội để có ý thức, cẩn trọng, cân nhắc trước khi đăng tải, chia sẻ trên các trang mạng xã hội phù hợp với pháp luật.
Muốn kiện, tố cáo Facebooker, Youtuber, cần làm gì?
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn L TP.HCM) nhấn mạnh, để lưu giữ bằng chứng khởi kiện Facebooker hay Youtuber nói xấu, vu khống gây hậu quả nghiêm trọng cho nạn nhân thì người khởi kiện cần lập vi bằng, bằng chứng là clip, nội dung đăng tải trên mạng mà cho rằng đó là nguyên nhân gây ra hậu quả cho nạn nhân để nộp cho tòa án hoặc Cơ quan điều tra. Sau đó, nộp đơn khởi kiện lên tòa án nơi xảy ra vụ việc yêu cầu xin lỗi, yêu cầu bồi thường và chấm dứt hành vi vu khống.
Ngoài ra, người nhà nạn nhân có thể gửi đơn đề nghị khởi tố vụ án, xử lý hình sự lên cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc đối với Facebooker, Youtuber đăng lên mạng xã hội, khiến nạn nhân tự tử. Vì vậy, Facebooker hay Youtuber cần dừng lại đúng lúc lúc nơi, không nên đi quá xa gây hậu quả đáng tiếc.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.