Ứng xử với tin đồn thế nào?

Thanh Nam
Thanh Nam
12/10/2018 14:05 GMT+7

Bỗng dưng trở thành trung tâm của mọi sự đàm tiếu chỉ vì những đặt điều mà người khác vu cho bạn. Bạn sẽ phải ứng xử như thế nào?

Không biết phải làm sao
Một khảo sát nhỏ với giới sinh viên (SV) và nghệ sĩ, cho thấy nhiều người phải chấp nhận sống chung với "tin đồn" vì họ gặp không ít chuyện dở khóc dở cười về điều này.
Mới đây, Top 8 Hoa hậu Trái đất 2016 là Nam Em đã tỏ ra mệt mỏi khi bị cư dân mạng đồn thổi cô mang bầu. Tin đồn này được chia sẻ với tốc độ khủng khiếp, khiến khi nhắc đến Nam Em, các thành viên trên các trang mạng xã hội khẳng định chắc nịch: "bà này có bầu", "Nam Em có bầu"...

Thế nhưng, như chính Nam Em chia sẻ: "Chỉ vì mặc đồ hơi rộng nên thân hình trở nên phốp pháp hơn, chứ không có chuyện có bầu gì cả". Mặc dù vậy, việc Nam Em chia sẻ thẳng thắn như vậy chẳng khiến mọi người tin, bởi tin đồn đã lan truyền quá nhiều.
Nam danh hài Trường Giang cũng từng có thời gian điêu đứng bởi những tin đồn ập tới bản thân. Có những lúc, như Trường Giang tâm sự, chỉ biết ngồi khóc và không muốn làm bất kỳ điều gì. "Vì có lúc tôi gặp quá nhiều tin đồn thị phi, nên chỉ muốn đâm đầu vô xe chết bởi những thông tin thất thiệt ấy", Trường Giang thừa nhận.
Những chuyện thị phi, tin đồn không chỉ xuất hiện ở người nổi tiếng như Trường Giang, Nam Em..., mà nhiều bạn trẻ cũng gặp không ít phiền toái xoay quanh vấn đề này.
Trương Thùy D., SV năm cuối Trường ĐH Đồng Nai, cho biết mới vào đầu năm 4, khi đến trường đã thấy nhiều người, có cả những bạn bè thân thiết, xầm xì, chỉ trỏ: "Nhỏ này có... bầu 2 tháng", "Nghe mấy đứa nói con D. này có bầu đó. Còn học mà có bầu"...
D. tâm sự: "Lúc đó em rất bất ngờ và không biết phải làm sao cả. Em không hiểu lý do vì sao có thông tin đồn đại này. Em cũng chẳng biết giải thích như thế nào... Thật sự rất rối trí, hoang mang và cảm thấy trời đất như sụp đổ".
Tương tự, M.N.T., SV một trường ĐH ở Q.7 (TP.HCM) cho biết từng có quãng thời gian mệt mỏi khi sống chung với những lời đồn. Suốt 4 năm học, T. luôn bị đồn thổi là "được học trường này vì có bố làm to, được chạy trường", hay "thằng T. này học lực trung bình mà cũng được học trường này, chắc là do bỏ tiền mua suất học thôi"...
Từng nhiều lần giải thích với bạn bè, từng đưa ra số điểm 25,5 trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ... Thế nhưng, T. vẫn bị gán với những tin đồn như thế.
Nhiều SV cũng than thở việc bị người khác tung tin đồn khiến những người thân, gia đình lo lắng, để rồi phải mất nhiều thời gian đi giải thích...
Phải làm sao?
Theo MC Thanh Vân Hugo, thì khi gặp phải tin đồn cần... bơ đi, kệ đi. "Vì càng phản ứng càng dễ bị mọi người tập trung vào câu chuyện đó. Chưa kể khi đính chính thì mọi người thường không tin, chỉ nghĩ theo cách mà họ muốn. Tôi đã quen với những tin đồn nên không còn cảm giác gì nữa. Nhưng tôi luôn sống chuẩn để chứng minh những tin đồn với mình là sai", Thanh Vân Hugo nói.
Khi bị người khác đặt điều không đúng, cứ bình tĩnh và tìm cách ứng xử phù hợp nhất Shutterstock

Theo thạc sĩ tâm lý Lê Thị Dương Thương, Trung tâm tư vấn tâm lý An Nam (TP.HCM), thì "tin đồn" là những thông tin liên quan đến cảm xúc, thường phần lớn là những điều ở khía cạnh tiêu cực. Mà loại thông tin này thường được chia sẻ rất nhanh, khiến khổ chủ "trở tay không kịp".
Mỗi người có những cách ứng xử với tin đồn khác nhau. Có người chấp nhận sống chung với dị nghị, có người đương đầu bằng cách im lặng. Nhưng có người thì cố gắng giải thích, rồi u sầu vì không ai tin mình... 
Vậy đâu là cách mà người trẻ nên thực hiện theo để ứng xử với tin đồn? Bà Thương cho rằng tin đồn luôn xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta và mỗi người cần học cách đối diện với nó. "Thử tìm hiểu để xem ai là người tạo ra những tin đồn ấy, và xem liệu rằng tin đồn ấy có đúng không, có bao nhiêu phần trăm là sự thật, và bao nhiêu phần trăm là những điều thêu dệt? Nếu tin đồn ảnh hưởng tới danh dự và có thể gây ra những hệ lụy nghiêm trọng, thì cần tìm hiểu và tìm cách nói chuyện trực tiếp với người tung tin đồn, đề nghị phải đính chính công khai nếu đó là những tin đồn vô căn cứ, được nói một cách bừa bãi. Cũng nên thử tìm hiểu nguyên nhân vì sao người khác lại tung tin đồn về mình, phải chăng vì mình sống chưa vừa lòng mọi người, vẫn còn những khuyết điểm trong giao tiếp... Nếu như vậy, thì đó là cơ hội để nhìn nhận bản thân, có những cách giao tiếp tốt hơn với đồng nghiệp, bạn bè. Và trên hết, khi gặp tin đồn, hãy chứng minh tin đồn đó vô căn cứ bằng cách làm việc thật tốt, chứng minh năng lực của mình...", bà Thương nói.
Cũng theo bà Thương, điều mà nhiều người trẻ sai lầm trong cách ứng xử khi gặp tin đồn, đó là đi "đồn" ngược lại. "Đó là điều không nên. Đừng bao giờ đi đồn ngược lại hay nói xấu lại người phao tin đồn về bản thân mình. Thay vào đó hãy kiểm soát bản thân, và tìm cách ứng xử phù hợp nhất", bà Thương chia sẻ thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.