Gây ra những vụ việc ồn ào là do cán bộ yếu

14/06/2017 06:47 GMT+7

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện 2 lần nhắc đến việc nhận trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trước những vụ việc ồn ào vừa qua của ngành mình, mà nguyên do được ông nhắc tới đầu tiên là năng lực cán bộ yếu.

Phần chất vấn đối với tư lệnh ngành văn hóa, thể thao, du lịch chiều 13.6 “nóng” lên với hàng loạt vấn đề mà dư luận quan tâm thời gian qua, như cấp phép các bài hát nổi tiếng, quy hoạch du lịch Sơn Trà hay câu chuyện thu tác quyền âm nhạc với quán cà phê, khách sạn.
Như đoán trước được nội dung mà đại biểu (ĐB) quan tâm nhất, trước khi đi vào phần trả lời chất vấn chính thức, trong ít phút trải lòng trước QH, Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đề cập đến việc "nhận trách nhiệm" trước những sự việc như cấp phép ca khúc vừa qua và hứa sẽ kiện toàn công tác cán bộ, bồi dưỡng, nâng cao đạo đức công vụ để công tác quản lý nhà nước của ngành ngày càng hiệu quả hơn.

"Do năng lực cán bộ"
Tuy nhiên, bấm nút ngay sau đó, ĐB Cao Thị Xuân (Thanh Hóa) vẫn nhắc lại liên tiếp các vụ việc vừa qua như cấp phép, thu hồi ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn và đề nghị Bộ trưởng nêu những giải pháp quyết liệt hơn để chấn chỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thừa nhận: "Sự việc vừa rồi trước hết do năng lực cán bộ. Bởi, nếu năng lực tốt thì không xảy ra chuyện như việc cấp phép, thu hồi bài hát rồi cho lưu hành lại, hay liên quan cập nhật hơn 300 bài hát lên website". Theo ông Thiện, trong những sự việc kể trên, có những cái sai không đáng có, nếu cán bộ có nghiệp vụ. Ông gọi đó là "những sai lầm sơ đẳng của cán bộ quản lý nhà nước". "Tôi nhận trách nhiệm về điều này và cũng đề ra các giải pháp, như chúng tôi đã kiểm điểm trách nhiệm, xác định nguyên nhân, từ đó có giải pháp đào tạo bồi dưỡng, thuyên chuyển cán bộ", Bộ trưởng Thiện nói.
Trong khi đó, ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) nêu những bức xúc của cử tri thủ đô trước việc thu tác quyền âm nhạc. "Việc thu này có căn cứ không? Và sao chỉ thu tác quyền âm nhạc trong khi điện ảnh, mỹ thuật không thu?", ông Hiểu hỏi đồng thời phản ánh một thực tế đáng lo ngại là các khách sạn, quán cà phê đang chuyển sang dùng nhạc ngoại để tránh bị thu tác quyền các ca khúc trong nước.
Theo Bộ trưởng Thiện, việc thu bản quyền là có cơ sở nhưng cách thu, hình thức thu vẫn còn vấn đề gây bức xúc, như liệu mức thu đã được thỏa thuận hoặc dựa trên căn cứ khoa học chưa. "Cho nên mới đây chúng tôi đã yêu cầu trung tâm bảo vệ quyền tác giả dừng thu để cùng nhau rà soát lại xem cách thu đúng chưa, mức thu đã phù hợp? Chỉ khi làm đúng các quy định thì mới cho tiếp tục được thu", Bộ trưởng nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc, vấn đề mà ĐB quan tâm là liệu đã có công bằng hay chưa cũng như có đảm bảo đúng quy định? "Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định cho thu ở khách sạn, quán cà phê. Nhưng thủ tục, phương thức thu thì cần lưu ý", ông Thiện trả lời.
Giảm tối đa phòng cho Sơn Trà
Câu chuyện gây tranh luận nhiều nhất chiều qua xoay quanh bản quy hoạch du lịch bán đảo Sơn Trà. ĐB Nguyễn Kim Thúy (Đà Nẵng) vẫn băn khoăn rằng bản quy hoạch này đã được lập đúng thủ tục quy trình chưa, liệu có khả thi không khi tổ chức thực hiện. "Nhất là con số 1.600 phòng dựa trên cơ sở nào?", ĐB Thúy nhấn mạnh.
Kể lại câu chuyện về dự án đồi Vọng Cảnh từng bị phản đối tương tự khi ông còn làm Bí thư tỉnh Thừa Thiên-Huế, Bộ trưởng Thiện nói ông rất trăn trở với sự việc Sơn Trà. Cho nên, khi chốt quy hoạch con số phòng được rút xuống mức thấp nhất là 1.600 phòng dù các dự án đã được cấp trước khi có quy hoạch đã lên tới gấp 3. "Nhưng khi có ý kiến, quan điểm của chúng tôi là lắng nghe tất cả. Quan điểm chúng tôi về phát triển là phải bền vững, có trách nhiệm, bảo vệ đa dạng sinh học. Phải gắn phát triển với bảo tồn nhưng ưu tiên bảo tồn. Trên cơ sở đó sẽ giảm tối đa phòng khách sạn nhưng cụ thể là bao nhiêu sẽ bàn tiếp", Bộ trưởng chia sẻ.
ĐB Ngọ Duy Hiểu đề nghị cần làm rõ có hay không sau 3 bản quy hoạch trong 4 năm thì rừng đặc dụng Sơn Trà đã bị mất khoảng 3.000 ha?
Nếu TP.Đà Nẵng quyết định giữ nguyên trạng Sơn Trà thì Chính phủ hoan nghênh. Mà nếu Đà Nẵng xin rút Sơn Trà ra khỏi quy hoạch du lịch thì Chính phủ cũng đồng ý
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không có chuyện rừng bị mất sau 3 bản quy hoạch mà do dư luận hiểu chưa đúng các khái niệm gắn với từng con số. Cụ thể, “con số 3.781 ha là diện tích của khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. Còn 2.591 ha là phần của diện tích rừng đặc dụng. Cuối cùng, số 1.056 ha là diện tích khu du lịch”, ông Đam thông tin.
Sau câu trả lời của lãnh đạo Chính phủ, không ít ĐB tiếp tục giơ biển tranh luận. ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đã xin chủ tọa dành phần đặt câu hỏi chất vấn với Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện vào sáng hôm sau để tranh thủ trao đổi thêm về chủ đề Sơn Trà. Ông Nghĩa nói: Sơn Trà không của riêng Đà Nẵng, nên khi có vấn đề, Chính phủ phải vào cuộc chứ không thể nói giao cho TP.Đà Nẵng quyết thế này cũng được thế kia cũng được. "Sơn Trà cũng như Hạ Long, Sơn Đoòng, là những thứ chúng ta cần để lại cho con cháu mai sau. Với riêng tôi, Sơn Trà có 300 phòng cũng là nhiều. Chưa kể trung tâm Đà Nẵng đang dư thừa phòng và chỉ cách Sơn Trà 15 phút đi xe hơi", ông Nghĩa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.