Ghi âm, ghi hình khi hỏi cung: Thay đổi để đảm bảo quyền con người

28/11/2015 15:00 GMT+7

Việc pháp luật Việt Nam ghi nhận ghi âm, ghi hình trong một số hoạt động điều tra là “tiến bộ pháp luật, tiến dần và phù hợp với điều tra hiện đại, bảo đảm quyền nhân thân con người”, luật sư Lưu Văn Tám nhận định.

Việc pháp luật Việt Nam ghi nhận ghi âm, ghi hình trong một số hoạt động điều tra là “tiến bộ pháp luật, tiến dần và phù hợp với điều tra hiện đại, bảo đảm quyền nhân thân con người”, luật sư Lưu Văn Tám nhận định.

Đại tá Phạm Thật bắt tay và xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén sau gần 17 năm ngồi tù oan - Ảnh: Quế HàĐại tá Phạm Thật bắt tay và xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén sau gần 17 năm ngồi tù oan - Ảnh: Quế Hà
Bộ Luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua ngày 27.11. Theo đó, những vấn đề về ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can; bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa đã được ghi nhận. Theo các chuyên gia pháp luật, đây được cho là một bước tiến vượt bậc, vừa đảm bảo quyền nhân thân cho bị can, bị cáo, tốt cho người bào chữa và có lợi cho chính cơ quan tố tụng.
Đến năm 2019 ghi âm, ghi hình hỏi cung toàn quốc
Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi) quy định: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Việc hỏi cung bị can tại các địa điểm khác được ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh theo yêu cầu của bị can, của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng”.
Để có thời gian chuẩn bị, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện ghi âm, ghi hình, Quốc hội thông qua Nghị quyết về thi hành Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), trong đó “giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định cụ thể nơi có điều kiện để thực hiện việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung kể từ ngày 1.1.2017.
Chậm nhất đến ngày 1.1.2019 phải thực hiện thống nhất việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Luật sư Lưu Văn Tám (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, việc pháp luật Việt Nam ghi nhận ghi âm, ghi hình trong một số hoạt động điều tra là “tiến bộ pháp luật, tiến dần và phù hợp với điều tra hiện đại, bảo đảm quyền nhân thân con người”.
Theo luật sư Tám, từ trước đến nay quan điểm trái chiều về vụ án luôn có xuất phát điểm từ hoạt động ở cơ quan điều tra (CQĐT) vì tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn này rất quan trọng và thông qua lời khai ở giai đoạn này, CQĐT sẽ đấu tranh mở rộng vụ án hay không.
“Nếu hoạt động điều tra ban đầu là đúng về thủ tục tố tụng thì vụ án được sáng tỏ nhưng nếu hoạt động điều tra ban đầu sai, không khách quan thì diễn biến vụ án bị sai lệch”, luật sư Tám nhấn mạnh.
“Việc ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra là thủ tục nhằm tăng cường giám sát khách quan nhất. Về phía CQĐT sẽ buộc họ phải điều tra thận trọng, khách quan, buộc những người tiến hành tố tụng và cơ quan tố tụng nâng cao nghiệp vụ điều tra về kỹ năng và kỹ thuật hỏi cung từ đó hạn chế oan sai. Về phía các luật sư, tài liệu từ ghi âm, ghi hình là bằng chứng để tham gia bào chữa cho bị can, bị cáo. Về phía tòa án, đây cũng là chứng cứ để làm rõ chi tiết bị cáo kêu oan thật sự hay là ngoan cố”, luật sư Tám khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được thả - Ảnh: Hà AnÔng Nguyễn Thanh Chấn trong ngày được thả - Ảnh: Hà An
Luật gia Đặng Đình Thịnh (Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Hội luật gia Việt Nam) cho rằng cải tiến lần này đã tiến một bước rõ rệt về cải tiến pháp luật, phù hợp với nền tư pháp của Việt Nam và hội nhập chung nền tư pháp quốc tế.
“Rõ nhất là đảm bảo quyền con người và minh bạch trong tố tụng hình sự, hạn chế và giải quyết được các tố cáo liên quan đến ép cung, nhục hình. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh tranh tụng tại tòa, vì trước đây nếu không có ghi âm, ghi hình thì lời khai của bị cáo sẽ bị đóng khung trong biên bản lời khai tại CQĐT. Khi đã ghi âm, ghi hình cụ thể thì sự thật khách quan tại phiên tòa sẽ chính xác và việc tranh tụng, đối chất sẽ rõ rệt hơn và giá trị tranh tụng sẽ cao”, luật gia Thịnh nhận xét.
Bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa
Thủ tục cấp giấy chứng nhận người bào chữa trước đây cũng gây nhiều tranh cãi. Phía Liên đoàn luật sư Việt Nam và một số nhóm luật sư liên tục có văn bản kiến nghị bỏ thủ tục này. Chính phủ cũng có văn bản đề nghị thay quy định cấp giấy chứng nhận bằng quy định “đăng ký bào chữa”.
Từ đó, bước đầu Bộ Luật tố tụng Hình sự (sửa đổi) có một chương riêng về “bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự”, thể hiện bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, thay vào đó là thủ tục đăng ký bào chữa.
Từ việc quan tâm, lắng nghe ý kiến của giới luật sư, cộng đồng, Quốc hội thống nhất thông qua việc bỏ thủ tục cấp giấy chứng nhận bào chữa, theo luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn luật sư TP.HCM đây là việc tăng uy tín, niềm tin của người dân vào Quốc hội, qua đó các luật sư cần thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình để tăng uy tín trong nghề nghiệp.
“Để thực hiện tốt những quy định sửa đổi, giữa các cơ quan tố tụng và Liên đoàn luật sư Việt Nam nên có thông tư liên tịch để thống nhất phương thức thực hiện như thế nào để phù hợp, đúng, đi sát với Bộ Luật tố tụng Hình sự (sửa đổi)", luật sư Trương Thị Hòa nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.